Đó là vấn đề được tập trung phân tích tại tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM, Đảng ủy khối Đại học - Cao đẳng, Đảng ủy Sở GD-ĐT, Đảng ủy Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức sáng 7/11.
Còn nhiều hạn chế
Từ nhiều năm nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, công tác chính trị nói riêng luôn được các trường học quan tâm, truyền đạt đến học sinh và sinh viên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cho rằng: hình thức giáo dục đạo đức, lối sống còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, cộng với sự hạn chế trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và xã hội đã làm cho công tác này còn nhiều hạn chế.
|
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) - Ảnh: Minh Linh |
Chẳng hạn như việc hầu hết học sinh đều thuộc “Năm điều Bác Hồ dạy” nhưng ít khi được “minh họa” bằng câu chuyện cụ thể. Một số nơi chỉ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo tính hình thức, thiếu chiều sâu. Thậm chí, việc học tập của đội ngũ giáo viên và của cán bộ, đảng viên cũng chưa truyền được cảm hứng để các em làm theo. Chưa kể, mạng xã hội hiện đang phát triển mạnh mẽ và gần như tất cả học sinh, sinh viên sử dụng. Thông tin trên mạng xã hội có đủ “thượng vàng hạ cám” với nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc. Việc tuyên truyền không đủ liều lượng, không đủ thuyết phục dẫn đến các thông tin sai trái sẽ lấn át những thông tin đúng đắn, chính thống. Các em với sự hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm sống sẽ dễ bị ngộ nhận, bị đầu độc.
Tiến sĩ Hoàng Thùy Linh - giảng viên Trường đại học Văn Lang - đã thông tin một thực tế: khi giảng dạy môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung, hầu hết giảng viên đều chỉ sử dụng phương pháp truyền thống, thầy truyền đạt kiến thức, trò thụ động tiếp thu. Điều này đã khiến sinh viên ít quan tâm đến môn học, từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và học tập. Thậm chí, nhiều sinh viên còn coi đây là môn học phụ, môn học bắt buộc nên chỉ học để thi, trả nợ môn học, kéo theo những nhận thức không đúng.
Đại diện Đảng ủy Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM cho biết công tác chính trị tư tưởng, phát triển Đảng trong sinh viên của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi một bộ phận sinh viên hiện nay đang có xu hướng biến chuyển về đạo đức, lối sống theo chiều hướng tiêu cực, phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Một số khác muốn du học hoặc làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, công ty nước ngoài nên không có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hoặc một số gia đình không ủng hộ việc con tham gia chính trị.
Cần đổi mới từ nội dung đến hình thức
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Minh Hải đề xuất: các trường học tổ chức thực hiện tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trên các trang mạng xã hội. Việc tuyên truyền cần phải nêu cả mặt tích cực và hạn chế, cả điển hình tiêu biểu lẫn các mô hình thất bại, sai lầm và có định hướng, lý giải đầy đủ, thuyết phục. “Việc này cần thực hiện thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, làm theo phong trào” - ông nói.
|
Tiến sĩ Hồ Nhật Quang - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM - phát biểu tại tọa đàm |
Ngoài ra, cần đưa nội dung giáo dục tư tưởng thành một môn học hoặc một phần quan trọng của một hoặc một số môn học và lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa. Việc dạy những môn học này cần thực hiện theo hình thức mới mẻ, hấp dẫn, không đặt nặng lý thuyết. Xây dựng các diễn đàn để các sinh viên có thể trao đổi, tranh luận và giải đáp thắc mắc của mình.
Tán đồng quan điểm trên, tiến sĩ Hoàng Thùy Linh đề xuất giảng viên và các cơ sở giáo dục cần cấp thiết đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung. Thay vì cường điệu hóa, tuyệt đối hóa một vấn đề, giảng viên cần phải soi chiếu, diễn giải chúng từ thực tiễn khách quan sôi động. Như vậy, sinh viên không chỉ biết được những sự kiện, đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn biết vận dụng, đối chiếu những kiến thức ấy với diễn biến phức tạp để rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, giảng viên cần truyền cảm hứng, gợi mở để sinh viên suy nghĩ, trình bày quan điểm, tranh biện; kết hợp giữa dạy và học theo phương thức truyền thống và trực tuyến để khai thác tối đa năng lực số của sinh viên. Thông qua việc chủ động lựa chọn thời gian học tập, hình thức, chủ đề học tập theo sự định hướng, dẫn dắt của giảng viên, sự chủ động của sinh viên sẽ được khơi dậy ở mức tối đa.
Ông Trần Minh Tuấn - Trường trung cấp Thông tin - Truyền thông TPHCM - cũng đề xuất các trường học đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và thù địch trên internet và mạng xã hội. Trước hết, nhà trường cần xây dựng một môi trường học tập lành mạnh với 3 yếu tố: không gian học tập, quan hệ ứng xử, văn hóa học đường. “Môi trường học tập lành mạnh giúp cho học sinh có được những hành vi, thái độ và kỹ năng để truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, chính xác và thuyết phục. Từ đó, các em có đủ khả năng để phản bác các quan điểm sai trái và thù địch trên internet và mạng xã hội” - ông nói.
Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng trong thời kỳ hội nhập Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên không chỉ dừng lại khi các em đang ở trong nước, mà cả khi các em đang học tập ở nước ngoài. Bởi thời gian này chính là lúc các em dễ có sự chuyển biến trong tư tưởng nhất. Điều này trở nên quan trọng khi hầu hết các trường đều đã tổ chức được các chương trình liên kết với đại học quốc tế (2+2) hoặc chương trình trao đổi sinh viên quốc tế trong vài tháng. Muốn thực hiện điều này, nhà trường phải đặt mình vào vị trí của các em, hình dung khi các em sang nước ngoài học tập, sinh sống, làm việc sẽ phải tiếp nhận những thông tin gì. Từ đó, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thích hợp, chuẩn bị cho các em tâm thế và tâm lý vững vàng. Bên cạnh đó, hiện nay cũng có rất nhiều sinh viên nước ngoài đến học tập ở nước ta. Những trường hợp này cũng không nên nằm ngoài đối tượng cần giáo dục chính trị tư tưởng. Vì các em không hiểu nhiều về văn hóa, chính trị, tư tưởng của Việt Nam, nên các trường đại học phải tổ chức các buổi sinh hoạt, giới thiệu về con người, hệ thống chính trị, Đảng, Đoàn… để các em nắm được thông tin. Một điều rất ngạc nhiên là khi chúng tôi tổ chức, hầu hết các em đều rất hào hứng tham gia. Hoặc nhà trường cũng có thể thiết kế sẵn những sản phẩm truyền thông hoặc trình chiếu khi có những đoàn sinh viên nước ngoài ghé thăm. Tiến sĩ Hồ Nhật Quang Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM |
Trang Thư