Giáo dục đại học sẽ như thế nào trong thời gian tới?

07/02/2022 - 06:04

PNO - Sinh viên ngày nay nghĩ gì về môi trường đại học trong tương lai? Họ kỳ vọng và lo lắng điều gì đối với lĩnh vực giáo dục đại học vào năm 2050?

Đây là hai câu hỏi lớn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đặt ra trong năm 2021 nhằm vẽ nên một bức tranh về tương lai của giáo dục đại học. Cuộc tham vấn quy mô toàn cầu này đã nhận được phản hồi của hơn 1.200 người tham gia từ 100 quốc gia, bao gồm sinh viên, cán bộ chính phủ, giới hàn lâm, ở cả khu vực tư nhân lẫn phi chính phủ. 

Dưới đây là một số xu hướng chính cho tương lai của giáo dục đại học được dự báo ngay từ bây giờ.

Trải nghiệm trên giảng đường sẽ được tích hợp với công nghệ số

Giảng đường từ lâu được xem là không gian chính nơi hầu hết sinh viên có được các trải nghiệm khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Giá trị này vẫn được duy trì trong tương lai, tuy nhiên sẽ được tăng cường tích hợp công nghệ vào việc dạy và học.

Du học sinh Việt Nam tại Úc
Du học sinh Việt Nam tại Úc

“Lý tưởng nhất là một môi trường đạt được sự cân bằng để sinh viên có thể học tập bằng trải nghiệm thực tế, tương tác trực tiếp giữa người với người cùng với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số”, một người tham gia khảo sát nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, tiến bộ về công nghệ cũng được kỳ vọng sẽ giúp tạo nên sự công bằng trong khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người, cụ thể, nhờ các khóa học trực tuyến giúp xóa nhòa ranh giới địa lý. “Có nghĩa, sinh viên ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu đều có thể theo học và lấy được tấm bằng cử nhân mà mình mong muốn”, một chuyên gia giáo dục giải thích.

Gia tăng gắn kết với địa phương

Nhiều ý kiến cho rằng, việc trao đổi sinh viên giữa các trường đại học bên ngoài lãnh thổ trong tương lai sẽ không thật sự cần thiết bởi “trái đất giờ đây đã trở thành một ngôi làng lớn được kết nối với nhau nhờ công nghệ thông tin”. 

Thay vào đó, sinh viên mong muốn sẽ có nhiều cơ hội tương tác trực tiếp với cộng đồng địa phương và cùng với họ giải quyết các vấn đề gây nên tình trạng bất bình đẳng ở nơi gần mình nhất. 

Các nhà giáo dục và sinh viên cũng tin rằng, các hình thức trao đổi sinh viên trực tuyến sẽ mang lại lợi ích một cách công bằng cho mọi người trong việc giao lưu văn hóa và trao đổi tri thức giữa các bên.

Đồng kiến tạo môi trường học tập, nghiên cứu

Những người tham gia cuộc khảo sát đều đánh giá cao các hình thức xây dựng kiến thức dựa trên mối quan hệ tương hỗ và hợp tác giữa giảng viên - sinh viên và sinh viên với nhau.

Điều này đồng nghĩa với việc cần xác định lại vai trò của giảng viên, không còn đơn thuần truyền thụ kiến thức mà là người bạn đồng hành, người hướng dẫn, và người tạo động lực cho sinh viên trên hành trình chinh phục tri thức mới.

Nhờ vậy mà sinh viên sẽ trở nên năng động hơn trong quá trình học hỏi của mình dựa trên nhu cầu thực tế cũng như mong đợi cụ thể của họ. Sinh viên cũng sẽ trở thành người đồng kiến tạo chương trình học, nhằm bám sát mục tiêu phát triển nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Biến đổi khí hậu - mối quan tâm phổ biến

Biến đổi khí hậu là vấn đề trọng tâm được những người tham gia cuộc khảo sát lựa chọn, nhất là khi chủ đề này hiện vẫn ít được đề cập trong các chương trình giáo dục đại học. 

“Những chủ đề như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và mối liên hệ với các vấn đề xã hội, sức khỏe cộng đồng cần được thảo luận và phân tích nhiều hơn”, một sinh viên nêu quan điểm.

Giáo dục đại học và thị trường lao động

Mối quan hệ giữa giáo dục bậc cao với thị trường lao động vẫn là vấn đề quan tâm chủ đạo của đa số sinh viên. 

Phần lớn đều cho rằng, tấm bằng đại học sẽ đóng vai trò như là một tấm vé thông hành giúp họ có được địa vị xã hội và đời sống kinh tế như mong muốn. Chính vì vậy, họ kỳ vọng vào vai trò của trường đại học trong việc giúp sinh viên có đủ năng lực để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên cũng có cái nhìn thực tế hơn khi cho rằng, nếu chỉ dựa vào môi trường giáo dục bị bó hẹp trong bốn bức tường của giảng đường đại học theo nghĩa đen thì chưa đủ. Vì vậy, tái đào tạo cũng như không ngừng bổ túc kiến thức mới để bắt kịp những thay đổi trong công việc được cho là cần thiết hơn tấm bằng đại học có được trước đó. 

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI