Giáo dục đại học cần thu hút thêm nguồn lực để phát triển

07/12/2022 - 06:56

PNO - Bên cạnh những thách thức đối với giáo dục đại học trong thời gian tới, trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - đã chỉ ra những cơ hội và việc các trường cần làm để phát triển trong giai đoạn tới.

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễ n Thu Thủ y
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy

Phóng viên: Nhìn nhận về bức tranh giáo dục đại học năm 2022, theo bà đâu là những mặt được nổi trội và đâu là những điểm hạn chế? 

Bà Nguyễn Thu Thủy: Dù năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, nhưng hệ thống giáo dục đại học (ĐH) đã rất cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Có thể kể ra, tự chủ ĐH có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục ĐH công lập đã thành lập hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỉ lệ 90,6%). 

Công tác kiểm định chất lượng được quan tâm. Số trường và chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận tăng khá mạnh mẽ. Tính đến ngày 31/10/2022, có 238 cơ sở giáo dục ĐH đã kiểm định chu kỳ 1 (trong đó có 44 cơ sở giáo dục ĐH đã kiểm định chu kỳ 2) và 28 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 569 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 7 trường ĐH được đánh giá và được công nhận theo tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA; 368 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín…

Tuy vậy, phải nhìn nhận việc thực hiện tự chủ ĐH còn chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng; đặc biệt là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu. Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình triển khai còn chậm…

* Như vậy, những thách thức đặt ra với giáo dục ĐH trong năm 2023 là gì, thưa bà?

- Đó là những thách thức gồm: tự chủ ĐH ở mức cao vẫn là vấn đề nhiều cơ sở giáo dục ĐH còn lúng túng khi triển khai. Các trường cần phải quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, năng lực, tích cực tổ chức triển khai thực hiện quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan ngày càng cao.

Việc triển khai khung trình độ quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề phải thực hiện ở các bộ ngành, ở các hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành. Nhu cầu chuyển đổi số về giáo dục ĐH đặt ra cần phải xây dựng các mô hình thí điểm về giáo dục ĐH số, những chương trình đào tạo số… Việc kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, duy trì ngành đào tạo ở các trường theo các quy định hiện hành là rất quan trọng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, việc thu hút các nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn chế, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đột phá.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Trường đại học Bách khoa Hà Nội - ẢNH: D.N
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Trường đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: D.N

* Theo bà, những thách thức đặt ra khi triển khai tự chủ ĐH là gì?

- Đó là nhận thức về tự chủ ĐH chưa đầy đủ; năng lực quản trị ĐH nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thách thức nằm ở nhận thức và năng lực về tự chủ ở các bên liên quan, từ các cơ quan bộ ngành, địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục ĐH, đến đội ngũ quản lý trong các cơ sở giáo dục ĐH, từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số hội đồng trường chưa thực sự có hiệu lực hiệu quả, mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu chưa mang lại sức mạnh nội tại cho cơ sở giáo dục ĐH, còn có các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết.

Thu hút nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn chế, do vậy đặt ra những gánh nặng cho tự chủ ĐH, nhiều bên liên quan vẫn hiểu tự chủ là “tự lo” là những nhận thức chưa đúng đắn và phù hợp.

* Bên cạnh những khó khăn, theo bà, đâu là cơ hội đối với giáo dục ĐH trong giai đoạn phát triển tới đây? 

- Nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng gia tăng, là động lực để gia tăng cả về số lượng và chất lượng trong tiếp cận giáo dục ĐH. Hợp tác quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục ĐH, chuyển đổi số và giáo dục ĐH số là những xu hướng quan trọng để tiếp tục tạo cơ hội phát triển giáo dục ĐH mạnh mẽ…

Do đó, các trường cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đào tạo và nâng cao nhận thức về tự chủ, nâng cao năng lực quản trị ĐH. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường; thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của cơ sở đào tạo, đảm bảo ổn định và phát triển cơ sở đào tạo; coi đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị ĐH. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, dạy học; thí điểm các mô hình giáo dục ĐH số… 

Đồng thời, xây dựng định hướng hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và sở hữu trí tuệ trong các cơ sở đào tạo. Thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh của giảng viên trong các cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư. Khuyến khích đẩy mạnh việc phối hợp với doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư cơ sở vật chất và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp… 

* Xin cảm ơn bà! 

Dung Nhi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI