Giáo dục cần an toàn và tôn trọng

05/06/2014 - 07:40

PNO - PN - Mỗi người đều biết quan tâm đến các giá trị sống, có khả năng sáng tạo cũng như học tập khi có cơ hội. Đây là một trong những tiền đề cơ bản của chương trình giáo dục các giá trị sống.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhận diện các giá trị tích cực

Cách đây nhiều năm, tôi có dạy cho một nhóm phạm nhân nữ tại một trại giam ở New Zealand. Tất cả đều tỏ vẻ khinh miệt khi tôi giới thiệu lối suy nghĩ dựa trên các giá trị tích cực. Một phạm nhân còn thẳng thừng tuyên bố rằng chỉ toàn những lời rác rưởi. Chị nói sao mà chả được. Chị có sống trong tù như chúng tôi đâu... Với một thái độ bình tĩnh, tôi đã hỏi lại: Vâng, các chị đang ở trong tù, nhưng ai mới là người kiểm soát tâm trí và thái độ của các chị? Câu hỏi bất ngờ làm các chị im bặt và suy nghĩ...

Từ lớp học đó, các phạm nhân đã biết hợp tác, ứng xử tử tế và cải hóa bản thân. Các chị không còn cộc cằn và phản ứng thô lỗ nữa mà đã chủ động tham gia các lớp học chữ và học nghề dành cho phạm nhân. Sau này, nhiều chị đã có thể tái hòa nhập cộng đồng, thậm chí có chị còn thành công trên thương trường.

Ở buổi học Nhận diện các giá trị tại trung tâm cai nghiện ma túy Nhị Xuân, tôi đã hỏi những thanh niên cai nghiện rằng “người anh hùng của bạn là ai?”. Một cậu thanh niên đã không ngần ngại trả lời: Hitler. Rõ ràng, đó không phải là câu trả lời mà tôi mong đợi. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận quan điểm lúc đó của cậu ấy và hỏi “thế Hitler có những giá trị nào?”. Cậu ấy lập tức đưa ra rất nhiều giá trị mà Hitler có: nào là quyết đoán, can đảm, nhanh trí... Chính câu hỏi này đã đưa cậu quay trở về các giá trị cốt lõi của con người. Từ những chia sẻ của cậu ấy và nhiều học viên khác, tôi đã phân tích giúp họ nhận diện các giá trị sống. Sau này khi ra khỏi trung tâm, cậu ấy đã trở thành là một trong số các tình nguyện viên năng động.

Trong môi trường học đường, học sinh sẽ có cơ hội phát huy tốt tiềm năng khi có sự khuyến khích, ủng hộ, quan tâm và chia sẻ. Mọi hình thức kiểm soát bằng cách đe dọa, trừng phạt, gây sợ hãi, xấu hổ chỉ khiến học sinh cảm thấy tổn thương, ngượng ngùng và bất an. Từ đó, học sinh có cảm giác như mình là người thừa và không còn mấy thích thú với việc học tập nữa....

Giao duc can an toan va ton trong

Tạo cơ hội để kết nối giá trị tốt đẹp

Tôi nhớ mãi trường hợp cậu học trò Wiari khi tôi còn dạy ở New Zealand. Giờ giải lao, chúng tôi thường tập họp tại phòng nghỉ dành cho giáo viên để trò chuyện. Một đồng nghiệp kể lại rằng thầy hiệu trưởng đang gặp một cậu học sinh tên Wiari, dọa mang súng của bố vào lớp để bắn những bạn đã cười nhạo cậu ấy. Các giáo viên khác cứ đoán già, đoán non rằng cậu sẽ bị đuổi học bởi vi phạm quy định của nhà trường.

Hết giờ giải lao, tôi quay trở lại lớp học và bất ngờ thấy một cậu học sinh mới đang ngồi trong lớp học của tôi với vẻ mặt thất thần. Cậu bé này có vẻ đang bị tổn thương rất nặng nề. Từ câu trả lời lí nhí của cậu ấy, tôi biết đó chính là Wiari.

Tôi không hiểu vì sao thầy hiệu trưởng lại đưa cậu ấy vào lớp của tôi mà không báo trước. Thế nhưng, tôi vẫn bắt đầu cho các em tập đọc như thường lệ. Khi đến lượt Wiari, cậu bé trả lời cộc lốc: không biết đọc! Tôi không ép Wiari ấy, và để ý thấy cậu ấy đang kín đáo theo dõi phản ứng của tôi và các học sinh khác. Chợt ánh mắt cậu ánh lên niềm tin khi thấy một bạn khác đọc bài một cách ngượng nghịu, nhưng vẫn được các bạn khác khuyến khích. Tới lần kế tiếp, Wiari không từ chối nữa mà đọc liền một mạch.

Vài ngày sau, tôi được thầy hiệu trưởng cho biết rằng ông muốn Wiari có thêm một cơ hội nữa ở trong lớp của tôi. Ông không muốn tôi ác cảm với cậu ấy và ông cũng cho rằng Wiari có thể sẽ được cải thiện trong một môi trường học tập dựa trên các giá trị như lớp của tôi... và ông ấy đã đúng! Wiari đã thay đổi hoàn toàn và tiến bộ ở nhiều môn. Cậu còn trở thành học sinh giỏi vào cuối năm học.

Bầu không khí dựa trên các giá trị tích cực là thành tố chính trong môi trường giáo dục trẻ, đặc biệt đối với trẻ có những hành vi tiêu cực.

Như Einstein từng nói chưa phạm lỗi lần nào là chưa dám thử bất cứ việc gì. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều từng trải qua một giai đoạn tiêu cực nào đó trong cuộc đời mình và những biên độ tiêu cực ấy dao động ở nhiều mức khác nhau, từ nhỏ đến nghiêm trọng. Tôi cũng từng phản ứng tiêu cực và rất may những người thân quanh tôi đều chấp nhận và nhìn vào những ưu điểm của tôi. Vì lẽ đó mà tôi đã vượt qua những giai đoạn tiêu cực.

Giống như khi bạn bước vào một phòng tối, bạn không thắc mắc hay khiển trách gì mà đơn giản chỉ bật đèn sáng lên. Khi ai đó đang trong phòng tối tiêu cực của họ, bạn cũng đừng thắc mắc hay quát nạt gì mà hãy giúp họ bật sáng ngọn đèn giá trị tích cực ở họ bằng chính ánh sáng của ngọn đèn giá trị tích cực ở bạn. Đó mới là cách mà bạn có thể giúp họ tìm lại ánh sáng cuộc đời.

Trish Summerfeld

(Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về giá trị sống TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI