Giáo dục bằng bạo lực sẽ tạo ra đứa trẻ thiếu tự tin

21/11/2018 - 06:59

PNO - Giáo dục bằng bạo lực chỉ nhận được sự sợ hãi ở HS chứ không hề có sự tôn trọng. Đó là chưa kể, khi được giáo dục bằng bạo lực thì HS sẽ có xu hướng xử lý mọi việc bằng bạo lực.

Trước áp lực sĩ số lớp đông, chương trình nặng, tìm ra cách để quản lý lớp học tốt nhất, đạt hiệu quả giảng dạy vẫn là bài toán khó với nhiều giáo viên. Chúng tôi đã trao đổi với thạc sĩ giáo dục Hạnh Huỳnh, giáo viên tiểu học Trường Quốc tế Canada (Q.7, TP.HCM), từng dạy học ở Mỹ, Canada, về kinh nghiệm, quan điểm dạy học tiến bộ.

*Phóng viên: Dù đã chấn chỉnh nhiều, nhưng việc dùng bạo lực để giáo dục học sinh (HS) vẫn diễn ra trong các trường học Việt Nam. Cô nghĩ gì về vấn đề này?

- Thạc sĩ Hạnh Huỳnh: Việc phạt HS bằng hành vi bạo lực hoặc bắt HS bạo lực với chính mình không chỉ là hành vi lạc hậu, bảo thủ mà còn phản sư phạm. Như trường hợp gần đây, giáo viên (GV) bắt HS tự tát mình khi nói chuyện riêng trong lớp, tôi muốn hỏi ngược lại cô giáo, liệu cô có dùng cách đó để dạy con mình và liệu con của cô có ngoan hơn khi được dạy theo cách ấy? Cách giáo dục như vậy chỉ nhận được sự sợ hãi ở HS chứ không hề có sự tôn trọng. Đó là chưa kể, khi được giáo dục bằng bạo lực thì HS sẽ có xu hướng xử lý mọi việc bằng bạo lực.

Giao duc bang bao luc se tao ra dua tre thieu tu tin
Đừng chỉ ép nội quy lên học sinh mà phải làm sao để các em thấy rằng đó là thỏa thuận của cô và trò - Ảnh: P.Huy

Nếu trong lớp học chỉ toàn nhìn thấy sự trách phạt thì những đứa trẻ bắt đầu tự vệ. Lúc ấy, các em sẽ cảm thấy làm bất cứ điều gì cũng đều không tốt cả, không được chấp nhận. Trải nghiệm ấy dần dần biến các em thành những đứa trẻ thiếu tự tin.

* Vậy theo cô, làm cách nào để quản lý lớp học trong trật tự?

- Một GV không đủ khả năng quản lý lớp học thì không bao giờ mang đến cho HS một giờ học thú vị. Những em HS không nghe lời không phải chỉ cần sự nghiêm khắc mà điều chúng thật sự cần là sự thấu hiểu của người lớn dành cho một đứa trẻ. Nếu không có tình thương, sự thấu hiểu thì giáo dục không có đích đến. 

Vào một lớp học, trước tiên tôi đặt ra nguyên tắc cho cả hai bên cùng thực hiện. Đừng yêu cầu mà hãy cho HS biết những điều mình đang mong đợi ở các em, đồng thời cũng thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe những điều mà HS mong muốn nhận được từ GV. Đừng chỉ áp những nội quy lên HS mà phải làm sao để các em thấy rằng đó là thỏa thuận dựa trên sự chấp nhận của cả cô và trò.

Khi đã cùng nhau đồng ý với “luật” đặt ra trong lớp học, các em sẽ thực hiện một cách tự nguyện. Tất nhiên vẫn sẽ có những trường hợp vi phạm. Nhưng lúc ấy cô hãy dành cho các em một khoảng thời gian riêng để lắng nghe nhau. 

Giao duc bang bao luc se tao ra dua tre thieu tu tin
Thạc sĩ giáo dục Hạnh Huỳnh, giáo viên tiểu học Trường Quốc tế Canada 

Một điều nữa, GV cần cho HS nhận thức được rằng đây là lớp học của chúng mình, là môi trường các em sẽ gặp hằng ngày, hãy cùng nhau biến lớp học thành nơi thoải mái để có thể chú tâm học, chú tâm chơi, chú tâm cho sự khai phá kiến thức. 

* Bản thân cô đã trải nghiệm việc này ra sao?

- Cũng vẫn dùng sự nghiêm khắc, tình thương và sự thấu hiểu, nhưng năm đầu đi dạy ở Mỹ, tôi phải mất khá lâu mới có thể khiến 23 trong số 24 HS ngồi im lặng trong giờ học để nghe giảng. Đến lúc nghĩ mình không còn giữ được bình tĩnh và sự kiên trì để uốn nắn trường hợp còn lại, tôi đã chủ động trao đổi với những GV khác về tình huống khó khăn của mình và yêu cầu giúp đỡ từ cấp quản lý cũng như đồng nghiệp. 

Khi nghe tôi trình bày, một đồng nghiệp nói: “Tôi và HS đó có tình cảm rất tốt. Em ấy rất nghe lời tôi. Cô thử đưa em sang phòng để tôi nói chuyện”. Tôi đã làm theo gợi ý đó và HS này đã bình tĩnh lại. Nhận thức của các em chưa đúng đắn, trải nghiệm chưa sâu. Các em có cảm nhận nhưng chưa biết phương thức để hành động. Đó là lúc cả GV lẫn HS cần một khoảng lặng cho mình.

* Theo cô, việc GV bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đáp ứng đòi hỏi của việc dạy học hiện nay quan trọng như thế nào?

- Nền tảng kiến thức là đòi hỏi đầu tiên. Giáo viên không thể có hiểu biết sâu sắc khi kiến thức không đủ rộng. Chưa tính đến kỹ năng dạy học, có kiến thức, GV mới truyền cho HS niềm đam mê chinh phục kiến thức. Chúng ta có thể làm mọi việc dù không nhiệt huyết, đam mê, nhưng với nghề dạy học, thiếu điều đó sẽ là một thất bại. Đam mê, nhiệt huyết chính là điều khiến bạn kiên nhẫn, tìm kiếm một phương thức tốt nhất để giáo dục HS.

Cuộc sống thay đổi không ngừng, không có bằng cấp nào có giá trị vĩnh viễn. Giáo viên phải liên tục cập nhật kiến thức để đáp ứng đòi hỏi của việc dạy học. Ví dụ, bản thân là thạc sĩ giáo dục nhưng để dạy các em, tôi phải học thêm khóa phương pháp sư phạm kéo dài hai năm. Cứ vài năm, tôi phải quay trở lại nơi đào tạo để học những khóa như vậy với thời lượng đúng quy định. Tôi nhận thấy kiến thức mình nhận được qua những lần như vậy chưa bao giờ là kiến thức cũ. Yêu cầu đó là bắt buộc đối với tất cả GV và nên nhớ rằng, đó không phải là những đợt tập huấn ngắn hạn như nhiều nơi vẫn làm.

* Xin cảm ơn cô. 

Thu Lê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI