Giao dịch chậm, giá nhà đất cuối năm có thể giảm

06/07/2022 - 06:40

PNO - Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng siết tín dụng bất động sản, giá bất động sản ngày càng cao đang khiến giao dịch trên thị trường chậm lại, giá nhà đất cuối năm có thể sẽ giảm.

Giao dịch rất chậm

Theo báo cáo thị trường tháng Năm của batdongsan.com.vn, lượng nhà, đất bán trong tháng 5/2022 đã giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giao dịch đất có dấu hiệu chững lại. 

Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản (BĐS) - chia sẻ thị trường BĐS đang ở mức giá khá cao nên giao dịch giảm. Dự báo trong quý III/2022, tình hình giao dịch tiếp tục chững lại, muốn bán được hàng, nhà đầu tư (NĐT), chủ dự án phải giảm giá. Có khả năng toàn thị trường sẽ phải giảm giá từ khoảng 3 - 5% vào ba tháng cuối năm. Nếu các chính sách về tín dụng BĐS, trái phiếu doanh nghiệp (DN) được nới lỏng thì trong quý IV/2022, thị trường có thể khởi sắc lại.  

Cũng theo ông Trần Khánh Quang, hiện nay các NĐT đang rất lưỡng lự trước quyết định mua BĐS thời điểm này hay tiếp tục chờ đợi. “Theo tôi, trong tình hình hiện nay, các NĐT chuyên nghiệp nên tái cơ cấu lại nguồn vốn, giữ khoảng 10 - 20% tiền mặt, tốt hơn thì 30% để đón cơ hội săn sản phẩm giá tốt. Đồng thời, nên chọn mua BĐS nào có giá trị thực, không mang tính đầu tư lướt sóng trong vòng 6 - 12 tháng mà phải chấp nhận chờ một thời gian 2 - 3 năm, hạn chế vay ngân hàng hay không vay càng tốt vì lãi suất có xu hướng tăng” - ông Quang khuyến cáo.

Tình hình giao dịch giảm do giá cao, thiếu sản phẩm bình dân đang diễn ra ở thị trường bất động sản TP.HCM
Tình hình giao dịch giảm do giá cao, thiếu sản phẩm bình dân đang diễn ra ở thị trường bất động sản TP.HCM

Ở góc độ DN, ông Đặng Hoài Nam - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần BĐS Tiến Phước - chia sẻ thị trường có dấu hiệu chậm lại, khó khăn nhưng lại là cơ hội cho những sản phẩm có giá trị thực sự, của những chủ đầu tư uy tín.

“Đây cũng là cơ hội để những DN BĐS nhìn nhận lại thị trường, có những rà soát, điều chỉnh phù hợp và đặc biệt hướng đến việc xây dựng mang lại những sản phẩm có giá trị thực cho NĐT cũng như các khách hàng có nhu cầu mua để ở’’ - ông Nam nói.

Theo ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Công ty BĐS Trường Phát - các DN đầu tư, phát triển BĐS phải có nguồn vốn trung và dài hạn nếu không sẽ rất khó khăn. “Một dự án phát triển khoảng từ 5 - 7 năm thậm chí hơn 10 năm thì mới thu hồi vốn được, các dự án lớn thì lâu hơn nên giải pháp về mặt tài chính rất quan trọng. Dự kiến sáu tháng cuối năm thị trường BĐS sẽ khó khăn” - vị giám đốc này cho hay. 

Thị trường sẽ thanh lọc

Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam - cho biết vấn đề lớn của thị trường BĐS TP.HCM hiện nay là quỹ đất hạn chế, nguồn cung khá thấp, giá bán cao và quy trình cấp phép dự án vẫn đang bị siết rất chặt. Tuy nhiên, việc siết tín dụng là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững mới tiếp tục tồn tại trên thị trường. Những chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về khía cạnh người mua nhà, việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng và không có nhu cầu ở thực, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn. “Tuy nhiên, chủ đầu tư phải đối mặt với việc chi phí sử dụng đất và giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng, tác động đến giá bán cuối cùng của sản phẩm. Vì vậy, phân khúc nhà ở bình dân hay nhà ở xã hội vẫn là một cánh cửa cho các chủ đầu tư có thể tham gia và góp phần cho sự phát triển của xã hội” - bà Võ Thị Khánh Trang khuyến nghị. 

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở Công ty CBRE Việt Nam - cho biết: Trong năm 2022, nguồn cung căn hộ TP.HCM từ 22.000 - 24.000 căn. Trong đó hai quý đầu năm đã chiếm 50% nguồn cung này, phần còn lại sẽ được tung ra trong sáu tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong đó không có nhà ở bình dân, điều này khiến thị trường rơi vào tình cảnh khan hiếm, thiếu hụt nhà giá rẻ. Tình hình giao dịch sẽ khó khăn hơn nếu chủ đầu tư không chịu giảm giá. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI