Giao cho chồng trông con mùa dịch, nhà cửa tanh bành

04/02/2020 - 10:39

PNO - Trường cho con nghỉ vì dịch cúm corona đúng lúc anh vừa xong công trình. Vậy là có người trông trẻ, chị và mẹ chồng nhìn nhau mừng húm.

Hôm qua vợ chồng cô em út gọi điện than con nghỉ không có ai trông, vì công việc đặc thù nên cô ấy không thể xin nghỉ ở nhà trông con, năn nỉ chị “nhường” bà cho cô một tuần.

Lâu nay bà sống với vợ chồng chị, thật ra là sống với mẹ con chị, vì anh quanh năm ngày tháng ở trên rừng với công trình và dự án. Nay có anh, mẹ chồng có thể yên tâm xách túi đi phục vụ con gái út, đặc biệt  khi anh vỗ ngực bồm bộp đảm bảo sẽ thay bà lo cho "vợ con con" đâu ra đấy. 

Anh còn nói công trình cả ngàn người, anh ho cái là không ai dám thở, nói gì "hai cục vàng của bố". Lúc chị chở mẹ chồng ra bến xe rồi đi làm, bố con anh còn khoa trương cầm khăn vẫy vẫy.

Trên đường đi, mẹ chồng luôn dặn dò việc nọ việc kia, cứ nhấp nhổm lo "bố con chúng nó nấu cơm có nhớ cho nước không, chẳng biết có chín được cơm hay không?". Chị bật cười, mẹ cứ yên tâm. Đâu sẽ vào đó thôi.

"Đâu sẽ vào đó thôi". Ảnh minh họa

Quả là chị có hơi lạc quan quá sớm, vì mới 8g30 sáng, nghĩa là chị mới ra khỏi nhà một tiếng đồng hồ và vào cơ quan được nửa tiếng, anh đã gọi điện than vãn: “Thằng anh, nó trêu con em làm con em gạt tay vỡ cái tô mì, bữa sáng của con em nằm dưới nền nhà rồi”.

Chị nín cười: “Vỡ rồi thì thôi, anh dọn sạch cho con kẻo sàn nhà dính mỡ trơn trượt, trên bếp em còn ít nước ninh xương, anh đun sôi nên rồi thả chén mì em để bên cạnh vào là xong”.

Vừa cúp máy, anh đã gọi đến: “Em thay bếp à, sao anh thấy nó khang khác, rõ nghe tiếng ù ù mà nhấn nút không thấy sáng, hay bếp hỏng rồi?”

Chị chưa kịp trả lời thì nghe thằng con reo: “Ù ù của bếp bên kia bố ơi, bố cắm nhầm bếp rồi!”

Một buổi sáng trung bình nửa tiếng anh gọi một lần để hỏi, con trai đòi rửa bát, có cho không, lỡ con làm vỡ bát thì sao, anh để hai đứa tự chơi với nhau được không, anh xuống dưới mua ít băng y tế đề phòng con đứt tay.

Rồi: "Con gái đòi vẽ có cho không, con mình có khiếu thật đấy em, vẽ con chim y như thật, mà sao con không thích vẽ trên giấy mà toàn vẽ lên tường, lên bàn với lên sofa thôi".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chị thở dài, dù đã lường trước tình hình, nhưng chị không nghĩ tay nghề trị con của anh lại kém cỏi thế.

Anh đi công trình suốt, mỗi khi về chỉ biết xoắn xuýt ôm nựng con nên đám trẻ đâu sợ bố, con trai chỉ cần gãi gãi đầu, con gái chỉ mêu mếu chút là bố đã nhũn như con chi chi. Anh nói thương còn không hết, làm sao nỡ la mắng.

Ai dè đến chiều tình hình còn bi đát hơn khi anh làm con bé ướt như chuột lột lúc vệ sinh cho con. Đến nỗi anh chị phải để Zalo kết nối liên tục vì anh không còn sức bấm máy gọi nữa.

Anh còn ca thán không biết làm sao hai đứa trẻ khỏe nghịch thế, chúng nó chạy nhảy cả ngày mà chẳng đứa nào thấy mệt. Anh còn hỏi em với mẹ nuôi con kiểu gì mà chúng hiếu động thế.

Tủ quần áo của chị bị anh em nó lôi hết ra mặc thử rồi còn yêu cầu anh chụp hình cho. Con gái mới bốn tuổi mà đã biết làm đẹp, mắt sáng rỡ khi thấy hộp son phấn của chị. Anh khoe con biết son dùng để đánh môi còn kem phấn thì bôi mặt nhé.

Ở đầu cầu bên này chị não lòng: “Toang thật rồi, chồng ơi là chồng, con ơi là con. Corona ơi là corona”. 

Cũng may là chị xác định hôm nay đến cơ quan lên kế hoạch với cả nhóm rồi mang hồ sơ về nhà làm để tiện trông con. Anh về là phát sinh ngoài kế hoạch. Tình hình này có anh, chị cũng không dám giao nhà và con cho anh thêm ngày nào nữa. 

Tối bà nội gọi điện hỏi thăm tình hình, chị chưa kịp nói gì bà đã buông thõng: “Thê thảm lắm hả con?”

Nhìn ba đứa trẻ đứng gãi gáy đồng loạt, chị chỉ biết cười trừ chứ biết nói làm sao?

 

Thùy Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI