Cô bạn đồng nghiệp kể câu chuyện, em trai cô đi du học, ngày đầu tiên tự nấu cơm, ăn ngon lành. Chục ngày sau, khi chị sang thăm, cậu du học sinh mới biết “bữa giờ mình toàn ăn cơm sống”. Nghe tếu táo, nhưng ngẫm lại mới chợt giật mình. Như giật mình khi thấy cậu em trai đã tốt nghiệp đại học của mình bổ dọc quả chanh khi được nhờ làm ly nước chanh, cậu cũng chính là “thủ phạm” làm bể tan tành cái tô kỷ niệm của tôi khi mượn bếp để nấu mì, lúng túng không biết hâm thức ăn như thế nào. Tôi cũng suýt rơi nước mắt khi nhìn cô con gái 10 tuổi của mình loay hoay trong bếp chỉ vì thao tác vo sạch gạo và cắm nồi cơm điện. Ôi, những bài học cơ bản đã từ lâu rồi bị lãng quên.
Dùng dằng sắp xếp mãi, cuối cùng tôi cũng phải ngồi xuống lập cho con một cái lịch hàng ngày, với quyết tâm tặng con những ngày hè ăm ắp nữ tính. Mẹ và con cùng vào bếp, để qua những ngày hè, con mạnh dạn và tự tin biết sử dụng dụng cụ nhà bếp, biết nấu một vài món đơn giản, biết yêu công việc bếp núc.
|
Bé Mai Khôi, con gái tác giả, đang nếm thử "tác phẩm" đầu tay |
Ngày đầu tiên thực hành nhặt rau, dọn mâm chén và rửa chén sau bữa ăn, tự dưng con gái thấy mình trách nhiệm và người lớn hẳn lên. Có thể đó là điều hiển nhiên mà trước giờ tôi không hiểu. Mà trách nhiệm là phải thôi, trước giờ toàn mẹ và ba làm lấy, tới giờ ăn con còn chê ỏng eo không muốn đụng đũa.
Giờ tự mình ngồi tìm những lá rau xấu, để cho cả nhà khỏe. Tự mình dọn mâm bát, gắp cá, múc canh mời cả nhà. Tự mình tỉ mẩn chà từng cái chén. Quả là một công trình lao động nghiêm túc, đảm đang. Tối trước khi đi ngủ, con gái nói: “Cũng cực quá phải không mẹ, vậy mà từ trước giờ con tưởng dễ”. Hành trình giao bếp cho con còn dài, nhưng tôi thấy mình đang đi đúng.
Một tuần trôi qua. Cô gái nhỏ đã biết nấu cơm, chiên và luộc trứng, nấu canh đơn giản, chiên cá, rang đậu phộng… dù thành quả là hôm nào cũng cháy, cũng khét hoặc mặn chát. Nhưng cả mẹ và con đều vui. Điều quan trọng hơn, mỗi khi nấu nấu nướng nướng cùng nhau, có biết bao câu chuyện con gái mang ra kể với mẹ. Tôi thấy con trưởng thành hẳn. Cảm giác như con bắt đầu thấy quý những gì mình làm ra, biết xót khi bà ngoại vất vả cơm nước cho cả nhà, biết tiết kiệm cả nguyên liệu làm bếp vì “mẹ làm ra tiền vất vả lắm”…
Có thể giao bếp cho con lúc này là một việc không còn sớm nữa, nhưng có còn hơn không. Tôi chỉ mong rằng làm quen với bếp núc, con sẽ nhen nhóm tình yêu nấu nướng, hiểu được việc chuyển tải thông điệp của mình qua món ăn và ham thích lao động. Để con sẽ quen dần với lao động, biết chia sẻ việc nhà, mất dần cảm giác nương tựa phụ thuộc vào ba mẹ.
Cô bạn thân, cũng bắt đầu như thế với cậu con trai chín tuổi trong hè này. Bạn nói, con trai cần học việc bếp núc và còn để... sau này vợ nhờ. Chuyện giúp vợ hẳn còn xa, nhưng ít ra các cậu bé khi làm quen với bếp có thể sống tự lập hơn. Không có mẹ ở nhà vẫn có thể tự nấu ăn. Đi học xa nhà có thể tự chăm cho mình một bữa ăn đàng hoàng. Và hơn nữa, con trai làm bếp chắc chắn sẽ hiểu hơn nỗi cơ cực của bà, của mẹ. Sau này thành người đàn ông trưởng thành, con sẽ sẵn lòng gánh vác việc nhà cùng người phụ nữ của mình.
Cô bạn mấy hôm nay vui hẳn, ngày nào cũng đưa hình ảnh lên facebook khoe thành quả lao động cực nhọc của con trai. Hình ảnh cậu bé băng ngón tay trắng vì đứt tay khiến tôi bật cười. Con hẳn sẽ nhớ rất lâu những tập tễnh ban đầu này, vì những vụng về của hôm nay, sẽ là bài học hay cho con trưởng thành mai sau. Những hình ảnh con cặm cụi gọt củ, lột hành, chiên trứng thực sự rất vui, tất cả dạy con sự tỉ mẩn, kiên nhẫn. Những bài học tuy nhỏ, nhưng là thái độ sống của một người tử tế.
Thay vì giam hãm trẻ trong suốt những ngày hè với ipad, ti vi, hãy dành chút thời gian ít ỏi của mình cho con vào bếp. Đừng o ép và la hét con. Đừng lo sợ chúng phá hư ngăn bếp sạch đẹp của bạn. Nên giao cho con trẻ cơ hội được làm việc, được gánh vác, được sẻ chia và có trách nhiệm hơn với bữa cơm của cả nhà. Việc này không dễ đâu, nên rất cần sự kiên nhẫn của mẹ, lẫn bố. Để mang tặng con những ngày hè bổ ích. Đứa trẻ tội nghiệp là đứa trẻ thờ ơ với mọi thứ xung quanh, thụ động và lệ thuộc tất cả. Chúng ta không thể yêu con suốt đời, vậy sao từ hè này, không bắt đầu tập trao cho con một cuộc sống?
Lan Khôi
Chị Đoàn Thị Thu Thủy - chủ nhà hàng Cô Ba xứ Quảng: Tôi dạy cob vào bếp từ lớp 1
Hồi nhỏ mình biết nấu cơm, làm cá rất sjgớm, biết đi chợ nấu món gì cho bữa ăn hàng ngày nên mình cũng dạy con vào bếp từ nhỏ, lớp 1 đã tập cho con biết vo gạo, đổ nước nấu cơm bằng nồi cơm điện, rồi dẫn con đi chợ cùng để con biết các loại cá, loại rau, hỏi con thích món gì, sẽ mua để hai mẹ con cùng vào bếp. Sau này, khoảng lớp 9 con đã tự mày mò vào các trang dạy làm bánh và món Âu để làm theo. Ban đầu con làm cũng hư lên hư xuống nên mẹ phải xông vào làm cùng. Có lẽ sự đam mê học các món bánh và món Âu của tôi bắt nguồn từ con gái.
Ông bà mình hay nói “mẹ nào con nấy”, nên có lẽ con gái mình thích vào bếp cũng từ niềm đam mê nấu nướng của mẹ. Rồi từ đam mê, con sẽ làm được nhiều món ngon, quan tâm tới cách bài trí, tới nguyên liệu. Và có lẽ, cảm xúc khi vào bếp, khi làm được món ăn mới, là điều đáng nói hơn cả.
Tùy độ tuổi để giao việc, có thể nhờ trẻ rửa rau hay vo gạo khi trẻ lên lớp 1, lớp 2 (tất nhiên phải kiểm tra và chỉ cho con cách rửa, cách vo). Trẻ lớn hơn nữa thì dạy nấu những món đơn giản như chiên trứng, nấu canh hay chiên cá kho thịt, cũng nên dạy con cách phòng tránh bỏng hay đứt tay. Con trai mình cỡ bốn, năm tuổi đã tập cầm dao ăn để cắt đồ vật cho quen tay. Khi con trẻ làm bếp trong niềm vui và được khen ngợi, chắc chắn trẻ sẽ yêu thích, tự hào.
Thái Minh (Lớp 4/2 - trường tiểu học Trần Quốc Toản, Q.Tân Bình):
Từ hồi lớp 1, con đã biết làm cơm chiên Dương Châu rồi, vì con mê ăn món này nhất. Mùa hè năm lớp 1, trường ngoại khóa dạy con làm rau câu và bánh flan nên con cũng biết làm hai món đó. Giờ thì con có thể làm khá nhiều món: chiên trứng, chiên gà, pha nhiều loại nước trái cây, làm yaourt phô mai, bánh trứng... Ba mẹ hay khen con cắm cơm vừa nước và chế món xốt chấm thịt ngon, rửa chén sạch… Nói chung con thích nấu nướng, vì ba con cũng hay vào bếp và nấu ăn rất ngon. Nhưng con khoái nhất là khi vào bếp được... mẹ trả công hai ngàn đồng để bỏ ống heo (cười).
Mai Khôi (Trường tiểu học Hồng Ngọc, Q.Tân Phú):
|
Mai Khôi phụ mẹ rửa chén |
Thực ra mùa hè ở nhà cũng không có nhiều thứ để chơi. Chắc nhờ vậy mà con phát hiện ra có cái bếp… Bếp cũng lắm trò vui. Chơi lặt rau, cắt hình này hình kia, trang trí món ăn… pha trộn các loại thức uống với nhau… Vì vui nên con cũng từng ước mơ lớn lên trở thành đầu bếp. Trên ti vi cũng có nhiều chương trình bếp thú vị. Con học được nhiều món từ chương trình Masster Chef và Bếp nhà ta nấu. Con cũng làm được vài món tủ, như mẻ yaourt vừa mới xong nè, mẹ khen rất ngon. Làm bếp vui, nhưng giờ con không mơ ước trở thành đầu bếp nữa. Con ước lớn lên trở thành ảo thuật gia, không cần vào bếp, chỉ hô úm ba la là có món ăn, bất kỳ món nào mình thích
Nguyễn Hữu Cảnh Hưng (Trường An Bình - Bình Dương):
|
Cảnh Hưng thích mời bạn ến nhà ăn pancake |
Hồi đầu con cũng không thích làm bếp lắm đâu, con trai mà ai lại vô bếp. Nhưng mỗi lần nấu ăn, mẹ lại nhờ con một chút, khi thì lột hành, khi thì lột tỏi, lúc gọt khoai, cắt cà rốt, lặt rau… Một hôm mẹ hỏi lặt rau vui không? Thích tự luộc rau không? Con nói vui và thích. Thế là mẹ cho tự làm. Ăn món do chính tay mình làm ra con thấy ngon lắm. Một lần đến nhà bạn mẹ, được mời món bánh pancake ngon quá, con hỏi mẹ cách làm, và tự làm thử. Bây giờ con… xiềng rồi. Sáng chủ nhật con hay rủ bạn hàng xóm qua nhà, cùng làm pancake. Cả hai đều thích. Con muốn học một lớp làm bánh mà xa quá nên mẹ chưa chở đi được. Trước mắt con học làm mấy món bánh đơn giản từ mẹ vậy.