Mất tiền thật mua giáo án “dỏm”
Những vấn đề xung quanh quy định soạn giáo án theo kiểu “đồng phục”, được hướng dẫn bởi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH lại nóng lên khi năm học mới bắt đầu. Giáo viên (GV) tiếp tục ta thán với những cụm từ giáo án “dài hàng chục trang giấy”, “soạn giáo án không còn thời gian nghiên cứu bài học”…
|
Riêng trên mạng xã hội Facebook đã có không ít chợ ảo, với hàng chục ngàn thành viên tham gia mua - bán giáo án |
Năm ngoái, Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TPHCM đã cho xuất bản sách Hướng dẫn thực hiện dạy học theo chương trình mới - Ngữ văn và các môn khoa học xã hội ở trường THCS và THPT. Cũng NXB này có thêm cuốn Hướng dẫn GV THPT thực hiện dạy học theo chương trình mới. Đáng chú ý, các cuốn này đều mở ngoặc - theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020.
Theo công văn này, GV buộc phải soạn giáo án tuần tự theo từng hoạt động dạy học. Mỗi hoạt động đều phải xác định được mục tiêu, giao nhiệm vụ cho học sinh. Các em chuẩn bị sản phẩm học tập và báo cáo trước lớp để học sinh trong lớp trao đổi, nhận xét và GV đánh giá sản phẩm.
Không chỉ nhóm biên soạn, NXB nhanh nhạy cho in sách, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều cá nhân, nhóm người viết kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu - ở tất cả các môn và rao bán. Chỉ với từ khóa “5512”, riêng Facebook đã có đến 4 nhóm hoạt động, mỗi nhóm là hơn 10.000 thành viên tham gia. 1 GV ở tỉnh Lào Cai cho biết, chuyện mua giáo án trên mạng xã hội đã có từ nhiều năm nay và không quá xa lạ với GV nữa. Song từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512, các chợ ảo này sôi động gấp nhiều lần.
Việc trao đổi cũng đa dạng, có GV chia sẻ để đồng nghiệp tham khảo chứ không bán. Nhưng số đó rất ít, mà hầu hết là hoạt động mua - bán công khai. Người bán rao, người muốn mua chỉ cần chấm (.) vào phần bình luận, việc mua - bán sau đó sẽ trao đổi riêng. Cũng có nhiều người để cả số điện thoại, ai muốn mua thì liên hệ qua 1 mạng xã hội khác. Giá mua - bán từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng, tùy theo môn và tùy theo việc mua giáo án 1 môn hay nhiều môn. Thậm chí có những người còn quảng cáo giáo án đều do các thầy cô là giảng viên đại học biên soạn. Lại có những người rao “khuyến mại”, “ưu đãi”, “tặng kèm” khi mua giáo án - như mọi sản phẩm tiêu dùng khác.
Thế nhưng chất lượng giáo án trên chợ ảo cũng đa dạng. Cô giáo V.T.N. (TP.Hà Nội) chia sẻ trường hợp 1 GV trẻ trong trường mình mua giáo án môn ngữ văn lớp Sáu trên mạng xã hội. Tò mò, cô N. xem thử thì thấy giáo án bài Thánh Gióng có rất nhiều lỗi sai, từ mục tiêu bài học, hoạt động kiến thức, hoạt động luyện tập đến hoạt động vận dụng. “Người soạn giáo án này chưa xác định được kiến thức cốt lõi nên bài giảng vừa dài dòng, vừa sai kiến thức” - cô N. nói.
Còn cô giáo T.H.T. (H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) kể: “Hè vừa rồi tôi đặt mua 1 bộ giáo án trên mạng cho cả tổ bộ môn tham khảo, vì bài giảng mẫu họ gửi rất hay. Tôi chuyển hơn 1 triệu đồng để họ gửi toàn bộ bài giảng. Thế nhưng khi các GV trong tổ xem toàn bộ file họ gửi thì ai cũng kêu ca vì mất tiền thật mà giáo án nhận về lại sơ sài, không thể tham khảo được bất cứ điều gì”.
Soạn giáo án là nhiệm vụ của giáo viên
Thầy giáo Đ.V.S. (TP.Hà Nội) chia sẻ, nếu soạn 1 bài theo đúng hướng dẫn, nhanh nhất cũng mất nửa ngày, trong khi ngoài việc chính là lên lớp, GV còn không ít việc phải làm (chấm bài, dạy thay, trông học sinh bán trú buổi trưa…). Mua giáo án là việc cực chẳng đã để GV đối phó với việc cấp trên kiểm tra - chứ lên lớp, bài giảng đã có sẵn ở trong đầu. Chưa kể, giáo án theo mẫu chỉ có 1, nhưng thực tế trên lớp phải có nhiều giáo án đồng thời để phù hợp với từng nhóm học sinh, thậm chí từng học sinh.
Rất nhiều GV mua giáo án với mục đích đối phó như thầy S. Song cũng có những GV không đồng tình với việc này. Sau lần mua phải giáo án “dỏm” trên chợ ảo, cô T.H.T. quyết định chỉ tham khảo từ các nguồn đã được kiểm định. Cô T. đồng cảm với đồng nghiệp về những bất cập khi phải “đồng phục” giáo án, song cô cho rằng với GV, soạn giáo án là công việc thường nhật, như cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Dù chỉ là hình thức, nhưng việc GV sử dụng giáo án mẫu - trong khi cả xã hội phản đối việc dùng văn mẫu - là điều không công bằng với chính học sinh. “Cá nhân tôi thấy mình không xứng đáng với học sinh khi ngay cả giáo án cũng đi mua. Chưa kể soạn giáo án còn giúp GV bổ sung, củng cố chuyên môn, tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm” - cô T. chia sẻ.
Với những GV mua giáo án để sử dụng, cô T. cho rằng điều đó cho thấy GV thiếu năng lực chuyên môn, chưa chủ động, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Đặc biệt với chương trình lớp Một, Hai, Ba, giáo án phải được soạn đến từng cá nhân học sinh - với đặc điểm tâm lý, khả năng riêng, thì việc sử dụng 1 giáo án sẽ làm hỏng tính khoa học và hiệu quả của chương trình mới.
Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng, cả người bán lẫn người mua đều đáng bị lên án khi coi giáo án - công trình thể hiện tri thức và năng lực của người GV - như một hàng hóa trên thị trường. Mua giáo án là GV không trung thực, đồng thời không thực hiện được nhiệm vụ chính của GV là nghiên cứu, soạn giáo án để giảng dạy.
Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho biết, không chỉ trước đây, mà cả bây giờ, đã là người thầy thì phải đọc sách, tìm lại tài liệu, nắm được nội dung rồi thể hiện trong giáo án theo không gian, thời gian và theo học sinh của người thầy đó để có những câu hỏi thích hợp. “Dù là “đồng phục”, nhưng giáo án khi được soạn nghiêm túc vẫn mang dấu ấn cá nhân. Và soạn giáo án là nhiệm vụ phải làm của người GV” - ông khẳng định.
Uông Ngọc