Giành nuôi con nhưng 'khoán' cho bà nội già yếu

12/07/2019 - 17:00

PNO - Khi Tòa án nhân dân huyện Càng Long mời đến lấy lời khai trong vụ thay đổi quyền trực tiếp nuôi con do chị H. đứng đơn, bà nội không thể viết bản tự khai vì “tôi tuổi cao mắt mờ”.

Về thăm đứa con trai ba tuổi ở Trà Vinh, chị Lưu Thị H. (sinh năm 1983) luôn quay về Bình Dương, nơi chị đang sống và làm việc, vào buổi trưa. Không phải vì chỉ có độc nhất một chuyến xe về, mà phải canh lúc con ngủ trưa, chị mới dám rón rén rời con, vội vã gom hành lý trước khi con tỉnh giấc. Như thế, chị đỡ phải bịn rịn vì con cứ khóc lóc đòi theo và bám lấy mẹ không rời…

Gianh nuoi con nhung 'khoan' cho ba noi gia yeu
Hai anh em vui đùa trong thời gian hiếm hoi được bên nhau

Cuộc hôn nhân từ năm 2012 của chị H. và anh Lê Ngọc M. đã kết thúc qua bản án công nhận thuận tình ly hôn ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương giữa năm 2018. Chị H. trình bày, nguyên nhân do anh M. thường xuyên đi chơi đêm, không dành thời gian quan tâm đến vợ con. Anh còn hay nhậu nhẹt, nợ nần, thỉnh thoảng đánh đập chị, nhất là những khi chị không ưng thuận gối chăn.

Nguyện vọng của chị khi ly hôn là được nuôi cả hai con nhưng anh M. không đồng ý, gây áp lực, dọa đến công ty quậy phá nên chị buộc lòng xin nghỉ việc và phải giao cháu nhỏ (khi đó chưa tròn ba tuổi) cho anh M. nuôi. 

Thực tế, anh M. không trực tiếp nuôi con mà đưa cháu về quê nhờ mẹ nuôi. Bà nội tuổi đã ngoài bảy mươi, có tiền sử bệnh cao huyết áp, tim mạch… đang sống một mình trong căn nhà tình thương. Anh M. làm công trình đèn điện ở TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, thỉnh thoảng về Trà Vinh thăm mẹ và con. Đưa đón cháu đi học là người bác dâu ở cùng xóm. “Tội nghiệp, bé thiệt thòi biết bao nhiêu. Có cha, có mẹ mà y như mồ côi vậy. Thui thủi một mình…” - chị H. nghẹn giọng. 

Mỗi lần về thăm, chị H. xót xa khi thấy con gầy ốm. Bà nội già không biết chạy xe, ít khi ra chợ nên toàn ăn uống cho qua bữa, không đủ dinh dưỡng cho cháu đang tuổi ăn tuổi lớn. Khi cháu bệnh, việc đưa đến bác sĩ khám gặp nhiều trở ngại, cho cháu uống thuốc cũng khó tránh được nhầm lẫn vì bà không nhìn rõ.

Khi Tòa án nhân dân huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh mời đến lấy lời khai trong vụ thay đổi quyền trực tiếp nuôi con do chị H. đứng đơn, bà nội không thể viết bản tự khai mà nhờ tòa viết giúp vì “tôi tuổi cao mắt mờ”. 

Nhiều lần chị H. thót tim khi con tự dưng chạy đâu mất, trong khi trước và sau nhà toàn mương rạch, ao hồ. Cả nhà hô hoán đi tìm, hồi lâu mới phát hiện con tự vượt cầu để qua bên kia sông chơi. Bao nhiêu trường hợp đuối nước từng nghe thấy khiến chị luôn thấp thỏm lo con trai còn quá nhỏ lại hiếu động.

Đó là chưa kể cách bà nội dạy cháu còn bảo thủ, lạc hậu, lại hay sử dụng đòn roi dọa nạt. Tuy vậy, không thể đòi hỏi thêm sự hy sinh nào ở bà. Bà đã già yếu, nặng gánh cháu con, và việc chăm sóc trẻ vất vả quá sức. 

Gianh nuoi con nhung 'khoan' cho ba noi gia yeu
Bà nội đã già yếu nên không thể trông trẻ như mẹ. Hình minh họa.

Đã thuyết phục chồng cũ trong việc giao con cho chị chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, chị H. quyết tâm nhờ tòa. Cấp sơ thẩm ở huyện Càng Long bác đơn, chị kháng cáo lên cấp phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh. Thay đổi quyền nuôi con trong trường hợp này sẽ mang đến cho trẻ cơ hội tốt nhất để phát triển toàn diện; không thể cứng nhắc theo kiểu: chỉ thay đổi quyền trực tiếp nuôi con khi phát hiện tình trạng trẻ bị bạo hành, bỏ rơi, cha/mẹ đang nuôi bé bước thêm bước nữa, nguồn tài chính không còn… Tuổi thơ của trẻ không quay lại, sao “dè xẻn” những điều kiện tốt đẹp nhất với chúng? 

Nếu được quyền chọn, bé sẽ chọn cái nào trong hai bức tranh?

Bức một: sống với người bà già yếu ở miền quê sông nước, với bao nguy hiểm rình rập, một hay vài tuần mới gặp được cha/mẹ trong không khí mâu thuẫn của người lớn, đời sống tinh thần của trẻ đơn điệu, nghèo nàn.

Bức hai: được sống với mẹ, đoàn tụ hai anh em; được cha thăm nom thường xuyên vì nơi mẹ sống cũng rất gần nơi cha sống và làm việc; thích thì theo cha ngủ những đêm cuối tuần; bé được sống trong hơi ấm tình thương của cha mẹ, anh trai; cha mẹ được gần gũi, tương tác, thấu hiểu con để đồng hành trên mỗi chặng đường; thỉnh thoảng hai bé cùng cha/mẹ về quê thăm nội hoặc đón nội lên thăm; hai anh em được vui chơi, dã ngoại, học kỹ năng sống, ngoại ngữ, năng khiếu… 

Đó là chưa kể kế hoạch mẹ sẽ bán đất ở quê nhà Phú Yên để mua căn hộ tại Bình Dương, và bà ngoại sẽ cùng vào chăm các cháu. 

Bức tranh nào dẫn lối tương lai? Người lớn thử đứng vào vai của bé để chọn và trao cho bé. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI