“Giành nhau”... nuôi mẹ

11/05/2014 - 18:16

PNO - PNCN - Công an và Hội LHPN xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi vừa hòa giải xong “cuộc chiến giành… nuôi mẹ” - cụ Lê Thị Năm (90 tuổi), của bà Nguyễn Thị Thắm (*) và năm người em ruột. Kết quả này chấm dứt đời sống lang thang hàng...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Gianh nhau”... nuoi me

Bà cụ Năm (bên phải) ứa nước mắt nói: “Các con tôi làm tôi xấu hổ quá”

LUÂN PHIÊN MƯƠI BỮA, NỬA THÁNG...

Đầu năm 2014, bà Thắm, 65 tuổi, ngụ ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi kêu cứu với Báo Phụ Nữ: “Suốt nhiều tháng qua, năm người em của tôi đã bỏ bê mẹ già đau bệnh. Tôi đưa mẹ đi bệnh viện lại bị các em bắt buộc phải đưa về…”. Tuy nhiên, khi xác minh thông tin từ những người em của bà Thắm, phóng viên được biết cụ Năm hoàn toàn không bệnh tật gì, nhưng không hiểu vì sao, từ cuối năm 2013 đến nay, bà Thắm hai lần đưa mẹ đi bệnh viện, sau đó kêu than là các em không quan tâm, chăm sóc mẹ. Điều này được bác sĩ Hồng Phúc, người trực tiếp điều trị cho cụ Năm tại Bệnh viện Thiên Y (huyện Củ Chi) xác nhận: “Sức khỏe cụ Năm đã ổn định, chúng tôi đề nghị xuất viện nhưng không hiểu vì sao người nhà lại yêu cầu bệnh viện giữ bà lại đây”.

Tiếp xúc với chúng tôi tại Bệnh viện Thiên Y, cụ Năm khóc: “Đau lòng quá, tôi có sáu con, chồng chết, tôi đã bán nhà chia đều cho chúng, nhưng nay chúng xích mích, bất hòa, cứ vài bữa lại chuyển tôi đi chỗ khác, trong khi sức khỏe tôi đã yếu, phải thay đổi chỗ ở như vậy, tôi mệt mỏi lắm. Tôi chỉ có một nguyện vọng là được ở trong ngôi nhà của mình những ngày cuối đời, vậy mà…”.

Qua lời kể của cụ Năm, chúng tôi được biết, khi chồng qua đời, năm 2005, cụ bán căn nhà ở chân cầu vượt Củ Chi được hơn 110 cây vàng, chia cho sáu người con mỗi người mười cây. Số còn lại, một phần cụ làm căn nhà thờ cúng ông bà ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Năm 2009, xây nhà xong, bà Thắm về chung sống với cụ Năm. Thế nhưng năm 2012, bà Thắm bị bà Khánh - em gái thứ sáu, gây áp lực buộc bà Thắm phải ra khỏi căn nhà đó. Từ đó, cụ Năm lần lượt được ba người con gái thứ ba, năm và út rước về chăm sóc, cứ mươi bữa ở nhà này, nửa tháng lại sang nhà khác. Số tiền, vàng còn lại của cụ Năm, mỗi người con… mượn một ít, cuối cùng, cụ không còn đồng nào. Căn nhà cụ Năm bỏ tiền xây cất để thờ tổ tiên gần như bị bỏ hoang. Cụ Năm tuổi cao, lại liên tục di chuyển chỗ ở nên sức khỏe cũng dần suy kiệt.

Ngày 9/3/2014, bà Thắm đến căn nhà thờ, nói là dọn dẹp và rước cụ Năm về đó ở. Nhưng ngay sau đó, bà Thắm và bà Khánh lại xảy ra xung đột. Bà Thắm kể: “Khi tôi đang dọn dẹp, cô ấy xuất hiện và hỏi tôi có ý đồ gì với mẹ? Ý đồ gì mà trở về? Sau đó cô ta bóp cổ tôi”.

Theo bà Thoa, em gái út của bà Thắm thì: “Cả nhà tôi, ai cũng từng cãi vã, xô xát với chị Thắm, dù đó là điều không ai muốn. Chị Thắm nói chuyện và suy nghĩ rất cay nghiệt, hay trách cứ mọi người. Chính vì vậy chị khó dung hòa với người thân”.

CHÍNH QUYỀN CŨNG… BÓ TAY

Tuy tất cả em gái của bà Thắm đều khẳng định rằng không quan tâm đến tài sản, nhưng khi bà Thắm đề nghị làm di chúc căn nhà thờ sang tên cho cụ Năm (vốn đã cấp sổ hồng cho ông Nguyễn Văn Chí, chồng cụ Năm, cha ruột của các bà) thì người em thứ năm không đưa giấy khai sinh, hộ khẩu của mình để ra công chứng, người em út không cung cấp hộ khẩu… Qua đơn thư, suốt từ năm 2012 đến nay, bà Thắm lúc nào cũng chỉ nêu duy nhất một nguyện vọng tha thiết được về ở cùng mẹ tại căn nhà thờ và chăm sóc mẹ. Lý do bà nêu trong các đơn thư là vì: “Suốt tuổi thanh xuân tôi đã có nhiều hành vi nông nổi, làm cho mẹ buồn, nay mẹ già yếu, tôi lại độc thân, về sống với mẹ, chăm sóc mẹ là chuyện phải làm”.

Xét về mọi mặt, nguyện vọng này vô cùng chính đáng, vì sao các em của bà Thắm, những người đều than quá bận rộn chồng con, không kề bên chăm sóc mẹ được nên phải luân phiên nuôi mẹ lại không chấp nhận? Bà Trang, người em kế của bà Thắm nói: “Chưa bao giờ chị Thắm ý thức đúng vai trò làm chị cả, hay bổn phận làm con với ba mẹ. Chưa kể, chị từng hỗn hào, chửi mắng ba mẹ tôi và cũng đã hai lần bán hết tài sản ba mẹ tôi chia cho để xài hoang phí. Chúng tôi không tin chị Thắm có ý tốt đẹp gì khi buộc phải đưa mẹ về nhà thờ tổ tiên”.

Trong buổi làm việc với Báo Phụ Nữ, có sự hiện diện của tổ dân phố, công an khu vực và một số láng giềng, các em của bà Thắm đều đồng ý đưa cụ Năm và bà Thắm trở về căn nhà thờ, nhưng ngay sau đó, bà Thắm lẳng lặng dắt xe ra về, nói: “Ai đảm bảo tôi sẽ không bị đe dọa tính mạng nếu về đây?”.

Thấy thái độ lạ lùng của bà Thắm, chúng tôi tìm hiểu thì được bà Nguyễn Thị Ngân, tổ trưởng dân phố kiêm tổ trưởng tổ phụ nữ ở ấp Thượng cho biết: “Từ năm 2012, tổ, ấp đã nghe cô Thắm phản ánh việc các em không cho về căn nhà thờ để ở và chăm sóc mẹ. Suốt ba năm từ 2009 -2012, cô Thắm ở với mẹ, chăm mẹ, nào có điều tiếng gì đâu, từ khi người em gái út về mới có chuyện, xảy ra xô xát. Có lần bị người em rể rượt đuổi, cô Thắm phải chạy đến nhà tôi tạm lánh”.

Về lại căn nhà, sống chung với mẹ, “toại nguyện ước mơ” nhưng bà Thắm vẫn phập phồng lo sợ. Bà nói: “Tôi sợ một ngày các em đổi ý, sợ mẹ lại phải đau khổ, buồn phiền”. Trong khi đó, những người em gái của bà Thắm hình như cũng chưa thật yên lòng. Bà Trang nói: “Trước đây, chị ấy từng đánh, chửi mẹ, giờ mượn cớ “về chăm mẹ” để đường hoàng, chính đáng trở lại nhà, làm sao chúng tôi không khỏi lo âu!”.

Câu chuyện thật buồn bã và chua xót, như bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi ái ngại: “Những câu chuyện nhà như vậy, có lẽ chính quyền cũng “bó tay”. Chính quyền, đoàn thể chỉ giải quyết được chuyện tranh chấp, bất hòa bề nổi, chứ sự tình bên trong, nếu không là thành viên gia đình; không đủ yêu thương và bao dung, chẳng ai hóa giải được bất hòa”.

HẠNH CHI

(*) Nhân vật đã được đổi tên 

HÃY SOI CÂU CHUYỆN BẰNG MỘT CHỮ “TÌNH”!

Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”. Trường hợp trên, bà Thắm đã lớn tuổi nên các em là những người có thể chăm sóc, giúp đỡ, đùm bọc và nuôi dưỡng bà, đây cũng là nghĩa vụ và quyền của anh, chị, em đối với nhau được pháp luật quy định. Do đó, mọi hành vi đánh đập, mắng chửi, xúc phạm, đuổi chị ra khỏi nhà… của những người em là vi phạm pháp luật.

Về nguyện vọng của người mẹ (cụ Năm), việc chọn lựa được ở với ai, ai là người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc, việc cư trú ở đâu, di chúc để lại tài sản cho ai, dùng vào việc thờ cúng hay tặng cho bà Thắm… là quyền của bà Năm, do bà Năm tự quyết định nếu như bà còn minh mẫn, sáng suốt. Các con phải tôn trọng và chấp hành.

Trong thực tiễn cuộc sống có rất nhiều mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, khi hòa giải không được chúng ta phải nhờ đến tòa án, pháp luật phân xử. Tuy nhiên, không phải bất kỳ quan hệ tranh chấp nào, bất kỳ yêu cầu nào cũng được tòa án thụ lý giải quyết. Việc tranh chấp giành quyền nuôi mẹ hoặc không cho nuôi mẹ… cũng là những tranh chấp mà pháp luật chưa quy định. Khi đó, nếu có yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ có thể hòa giải để các bên thỏa thuận hoặc giải quyết theo tập quán, quy định tương tự của pháp luật.

Thiết nghĩ, những người con của cụ Năm, hãy vì mẹ già mà soi câu chuyện bằng một chữ “tình”.

Luật sư HUỲNH MINH VŨ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI