Giành con với người nước ngoài: Gian nan, nghiệt ngã

22/09/2022 - 06:18

PNO - Sau khi ly hôn với chồng ngoại quốc, nếu người chồng được nhận nuôi con và đưa ra nước ngoài sinh sống thì việc tranh chấp quyền nuôi con càng gay gắt...

Sau khi ly hôn với người chồng ngoại quốc, nếu người chồng được nhận nuôi con và đưa ra nước ngoài sinh sống thì người vợ Việt nơi quê nhà sẽ rất khó có cơ hội gặp lại con. Do vậy, việc tranh chấp quyền nuôi con càng trở nên gay gắt và con họ sẽ chịu tổn thương tâm lý nặng nề hơn.

Bà ngoại mong được giữ cháu

Nhiều tháng qua, bà Đ.T.B.T. - 71 tuổi, ở Q.11, TP.HCM - chưa đêm nào được ngon giấc. Cứ nghĩ đến cảnh đứa cháu ngoại bốn tuổi sẽ rời khỏi tầm tay mình, bà lại không cầm được nước mắt.

Vợ chồng tranh chấp quyền nuôi con càng gay gắt, đứa trẻ càng chịu tổn thương tâm lý nặng nề. Ảnh minh họa
Vợ chồng tranh chấp quyền nuôi con càng gay gắt, đứa trẻ càng chịu tổn thương tâm lý nặng nề. Ảnh minh họa

“Con gái tôi sinh cháu K. được hơn hai tháng thì đột ngột qua đời. Cũng từ đó, A. - con rể tôi, quốc tịch Úc - và cháu K. được gia đình tôi nuôi dưỡng, chăm sóc và lo lắng mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi kể từ lúc chúng tôi phát hiện A. âm thầm đi lấy vợ khác” - bà T. kể.

Theo bà T., năm 2017, sau khi con gái bà qua đời, ông A. vẫn sống chung nhà với gia đình bà ở Q.11. Mãi đến sau này, gia đình bà T. mới biết, trong thời gian ở nhờ nhà vợ, ông A. lại âm thầm đi kết hôn với một người khác. 

Đến tháng 7/2021, gia đình bà T. thấy cháu ngoại có nhiều biểu hiện khác lạ. Đặc biệt, cháu có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi tột độ khi được gia đình cho tiếp xúc hoặc ngủ chung với ông A. Nghi ngờ ông A. có hành động không đứng đắn với con gái, gia đình bà T. đã tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng và đã nộp đơn khởi kiện ông A., yêu cầu hạn chế quyền làm cha đối với con chưa trưởng thành. Tháng 1/2022, ông A. cũng có đơn yêu cầu tòa án giao lại con cho mình nuôi dưỡng.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2008-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài, tỷ lệ nữ luôn chiếm hơn 85%. Trong đó, có 72% phụ nữ chủ yếu kết hôn với người Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc...

Khoảng 78% số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong mười năm nói trên có 70.000 phụ nữ lấy chồng người nước ngoài. Đáng chú ý, các cuộc hôn nhân thông qua môi giới và gần đây là hôn nhân du lịch được xếp đặt ngày càng nhiều để tránh việc đăng ký kết hôn. Việc lấy chồng người nước ngoài một cách vội vã, thông qua môi giới khiến hôn nhân không hạnh phúc, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cô dâu Việt Nam.

Nói về việc giữ cháu ngoại, gia đình bà T. chia sẻ: “Cháu ở với tôi từ lúc hai tháng tuổi đến nay, được gia đình tôi chăm sóc rất chu đáo. Hiện cháu đã bốn tuổi và chúng tôi đang cho cháu học ở trường quốc tế. Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là mỗi lần gặp hay nhắc đến cha mình, cháu K. đều có biểu hiện sợ hãi. Gia đình tôi có điều kiện nuôi cháu nên muốn giữ cháu lại nuôi dưỡng 1-2 năm nữa để cháu ổn định tâm lý sau khi mất mẹ, sau đó sẽ giao lại cho cha cháu đưa sang Úc nuôi dưỡng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND P.2, Q.11 nơi cháu K. cư trú đã có nhiều buổi làm việc nhằm nắm hiện trạng ăn ở, sức khỏe, tâm lý của cháu. Trong buổi làm việc gần đây nhất, ngày 12/5/2022, đoàn công tác của UBND P.2 ghi nhận, tâm lý của bé K. vẫn ổn định, vui vẻ, hồn nhiên như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi được hỏi về ông A. thì bé không vui, tỏ ra lo lắng. 

Cháu K. hoảng sợ khi gặp cha mình - ảnh trích từ vi bằng do Thừa Phát Lại lập
Cháu K. hoảng sợ khi gặp cha mình - ảnh trích từ vi bằng do Thừa Phát Lại lập

Biên bản của UBND P.2 ghi: “Bé bảo con sợ ba, ba làm con đau, ba không thương con. Con chỉ muốn ở với ngoại, các dì, các anh chị. Con không muốn theo ba sang Úc. Qua tiếp xúc với bé K., tổ công tác nhận thấy tâm lý của bé không ổn định khi nhắc đến cha ruột của mình. Ngoài vấn đề trên, mọi sinh hoạt của bé rất tích cực, biết quan tâm đến mọi người”.

Được biết, hiện tại, bé K. được đưa đến gặp bác sĩ tâm lý 3 lần/tuần để điều chỉnh cảm xúc và quên đi những tổn thương trước đây. Do đó, gia đình bà T. muốn giữ cháu ngoại để chăm sóc. Trong khi đó, ông A. lại muốn đòi lại con để đưa ra nước ngoài nuôi dưỡng.

Muôn kiểu tranh giành con

Việc người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đang ngày càng phổ biến, kéo theo số vụ ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con với người nước ngoài ngày càng nhiều.

Chị Jennifer (bên phải) gặp gỡ cộng đồng người Việt giúp đỡ chị tại Mỹ
Chị Jennifer (bên phải) gặp gỡ cộng đồng người Việt giúp đỡ chị tại Mỹ

Cho chúng tôi xem tin nhắn với vợ, ông S. phàn nàn việc vợ không cho mình gặp con. Những tin nhắn dài dòng của ông không được trả lời. Sau khi nhận mấy chục tin nhắn, người vợ đã chặn số điện thoại của ông. Ông S. kể, trong khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng mạnh, công việc của ông không suôn sẻ, thu nhập không đủ nuôi vợ con. Từ đó, giữa ông S. và vợ xảy ra mâu thuẫn. Vợ ông đã đưa con về quê và ngăn cấm ông gặp con. Do đó, ông đã nhờ pháp luật giải quyết.

Ngoài các trường hợp có hôn thú, không ít trường hợp người nước ngoài và người Việt Nam giành nuôi con chung khi chưa đăng ký kết hôn. Chị V.T.H. (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia tay người yêu I.S. (quốc tịch Canada) chưa lâu thì phát hiện mình đã mang thai hai tháng. Ban đầu, ông I.S. thuyết phục chị H. phá thai nhưng chị không đồng ý, chấp nhận nuôi con một mình. Một thời gian sau, ông I.S. mới chu cấp một khoản tiền nhỏ để phụ nuôi con. 

Chị H. kể: “Không ngờ, trong thời gian này, I.S. đã lấy cớ dẫn con tôi đi chơi để lén làm xét nghiệm ADN xác định huyết thống. Sau đó, khi chúng tôi mâu thuẫn, anh ta khởi kiện ra tòa, đòi quyền nuôi con”. Tòa yêu cầu chị H. phải bổ sung tên cha là I.S. vào giấy khai sinh của con. Chị H. không chấp nhận, liền bị lực lượng thi hành án cưỡng chế, sửa giấy khai sinh. Được công nhận quyền nuôi con, I.S. thường xuyên đem con về nhà riêng của mình. Khi chị H. đến đón, I.S. không mở cửa hoặc dẫn con đi nơi khác. 

Chị H. cho biết, công việc của chị hiện đang bấp bênh nên chị chưa đủ tiền để thuê luật sư khởi kiện giành quyền nuôi con. Điều chị lo lắng là I.S. đã có tiền sự ở Canada và hiện đang có nhiều bạn gái ở Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến con trai chị. Ngoài ra, chị cũng lo rằng, I.S. có thể dẫn con chị đi Canada. Khi đó, chị không biết cách nào đòi lại con.

Nguy cơ mất con do không rành ngôn ngữ, pháp luật

Jennifer là một phụ nữ Việt sang Mỹ định cư và kết hôn với một người đàn ông tên Kris. Sau khi Jennifer sinh bé trai thứ ba, chị phát hiện chồng ngoại tình nên quyết định ly hôn. Tòa xử chị được quyền nuôi con, còn ông Kris có trách nhiệm cấp dưỡng. Muốn con mình kết nối với cha nên chị thường xuyên gửi thông tin sinh hoạt của các con cho chồng cũ. Có lần, chị gửi Kris video quay cảnh các con đùa vui sau khi tắm trong bộ đồ do Kris mua cho chúng. 

Ông S. bị vợ ngăn cản gặp con sau khi ly hôn
Ông S. bị vợ ngăn cản gặp con sau khi ly hôn

Kris liền chụp lại những khoảnh khắc con mình nhảy múa, trong đó có cảnh đứa con trai để lộ bộ phận sinh dục do quần rộng rồi báo với nhà chức trách, cáo buộc chị Jennifer lạm dụng tình dục con trai. Khi bị điều tra, do Jennifer không rành tiếng Anh nên không thể biện hộ. Ngay sau đó, Kris đã đệ đơn lên tòa án về vụ việc này. 

Lần đầu ra tòa, Jennifer chưa hình dung được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, vẫn không dùng người phiên dịch, chỉ thuê luật sư. Đến phiên tòa thứ hai, chị rụng rời khi biết mình không chỉ có nguy cơ bị tước quyền nuôi các con mà còn có thể bị giam giữ về tội lạm dụng, xâm phạm tình dục trẻ em, không chăm sóc con cái và chị chỉ được tại ngoại nếu đóng 20.000 USD. 

Thu nhập từ nghề làm móng (nail) thấp, tiền để dành ít, không người thân nơi xứ người, Jennifer phải cầu

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, trong ba năm gần đây, cơ quan này đã kiểm sát 172 vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, đa số phụ nữ trong các vụ ly hôn này kết hôn sớm do được mai mối, nhiều người đăng ký kết hôn khi mới 18-20 tuổi. 

cứu cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nếu kết luận của tòa chỉ căn cứ vào bằng chứng bất lợi do chồng cũ đưa ra và chị không tìm được bằng chứng giải oan cho mình, chị sẽ bị thua trong phiên xử sắp tới. Tội danh xâm phạm tình dục trẻ em sẽ mang theo chị suốt đời, chị phải chịu sự giám sát của chính quyền ở những nơi chị tới. 

Sau chín ngày bị tạm giam, Jennifer được thả ra nhờ số tiền của cộng đồng quyên góp. Cộng đồng người Việt mong vụ việc này sẽ mang lại kinh nghiệm cho các phụ nữ mới sang xứ lạ. Chị không được gặp con. Khi gọi điện cho con, chị chỉ nghe chúng lặp lại điều cha chúng nói. Chị thấy mình dại dột khi ký vào biên bản mà mình không hiểu rõ. Chị không thể ngờ rằng một video chơi đùa của trẻ con lại dẫn tới một vụ án hình sự. Người mẹ Việt này chỉ nghĩ đơn giản, khi chơi đùa, trẻ con không thể giữ quần áo chỉn chu. Chị cũng đã giữ sự riêng tư, chỉ gửi video cho cha của chúng. Thế nhưng, người Mỹ không nghĩ vậy.

Đối với văn hóa và luật pháp của nhiều nước, hành động cưng nựng con, đăng hoặc chia sẻ hình con trẻ trần truồng sau khi tắm, ngủ chung khi con đã lớn, hôn hít con người khác... có thể bị quy vào tội lạm dụng tình dục. Phụ nữ Việt xa xứ dễ có các hành động như trên theo thói quen, tập quán xứ mình. Nếu giao tiếp rộng hơn hoặc chịu tìm hiểu luật sở tại, có lẽ Jennifer đã không đưa mình vào tình cảnh pháp lý nguy hiểm do sự khác biệt văn hóa này. 

Nhân sự việc của Jennifer, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã chia sẻ, cảnh báo về tình trạng vợ Việt thân cô thế cô nơi xứ người. Một số người chia sẻ rằng, phụ nữ Việt theo chồng ra nước ngoài chịu nhiều thiệt thòi do thiếu hiểu biết văn hóa và luật lệ, còn chồng họ đôi khi cố ý không giúp họ cải thiện khả năng ngoại ngữ, giao tiếp với người bản xứ, có trường hợp không cho vợ đi làm vì sợ vợ “khôn ra”. Sự thiếu hiểu biết của người vợ sẽ tạo thuận lợi cho người chồng trong việc giành quyền nuôi con hoặc tệ hơn nữa là đẩy vợ vào vòng lao lý. 

Sau ly hôn, đứa trẻ thành “vô thừa nhận”

Chị T.T.Ngân (tỉnh Bình Dương) kể, mặc dù chị đã đưa con gái là H.N. (10 tuổi) từ Malaysia về Việt Nam được hai năm nhưng đến nay, vẫn chưa thể làm các giấy tờ liên quan đến hộ tịch để H.N. được đi học.

Chị Ngân quen một người đàn ông có quốc tịch Malaysia khi làm việc ở tỉnh Bình Dương. Năm 2012, chị và người này kết hôn, cùng sang Malaysia sinh sống và chị đã sinh cháu H.N. Cuộc sống hôn nhân không thuận lợi, vợ chồng mâu thuẫn, chị Ngân đã một mình trở về nước (do giấy tờ của cháu H.N. bị người cha cất giữ). Tuy nhiên, do thương con, chị đã quay lại Malaysia.

Năm 2020, trong một lần cãi vã, chị Ngân lấy được hộ chiếu (passport) của con gái và đưa con về Việt Nam bằng đường bộ qua ngã Campuchia. Ngay sau đó, chị đã làm thủ tục ly hôn với chồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, chị không thể làm thủ tục hộ tịch cho con do passport của cháu H.N. chỉ có thời hạn năm năm, giấy khai sinh và các giấy tờ khác đang do chồng cũ của chị giữ ở Malaysia.

Chị Ngân nói: “Tôi thấy con mình như một đứa trẻ không được pháp luật thừa nhận, rất tội nghiệp. Hiện tại, tôi chỉ có thể gửi cháu đi học ở một trường tư thục. Tôi mong cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ về thủ tục để bảo đảm quyền lợi cho H.N. sau này”.

Mỹ Huyền - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI