Giành con: 'Luật rừng mới thắng?'

29/09/2017 - 16:00

PNO - Đã đến lúc cần xem lại thủ tục thi hành án lẫn trình tự tố tụng trong những vụ giành con để tránh thiệt thòi, tổn thương cho con trẻ.

Ngay sau bài viết Một phụ nữ bị tước quyền làm mẹ (Báo Phụ Nữ ngày 18/9/2017) phát hành, chúng tôi trở về Đồng Nai để tiếp tục làm việc cùng các cơ quan chức năng, nhằm trả lời cho được câu hỏi vì sao không thể khởi tố hình sự anh Lê Ngọc Thành về hành vi không chấp hành bản án của tòa theo luật định. 

Gianh con: 'Luat rung moi thang?'
Chị Hạnh chạy khắp nơi để tìm con

Ngày 20/9, trao đổi với phóng viên, đại diện cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa cho biết: “Ngày 20/6/2017, cơ quan này đã nhận Công văn số 1115/CV-THADS do ông Nguyễn Ngọc Cưỡng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THA DS) TP.Biên Hòa chuyển đến với nội dung đề nghị Cơ quan điều tra công an TP.Biên Hòa, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Biên Hòa khởi tố vụ án hình sự vì tội không chấp hành án đối với ông Lê Ngọc Thành. Sau đó, ngày 7/7/2017, chúng tôi đã cử điều tra viên yêu cầu cơ quan THA DS TP.Biên Hòa cung cấp hồ sơ. Cuối tháng 8/2017, hồ sơ mới về đến cơ quan điều tra.

Theo đúng trình tự, điều tra viên đã làm việc với người bị cưỡng chế giao con là anh Lê Ngọc Thành. Qua đó, chúng tôi được biết, anh Thành đã làm đơn gửi tòa án cấp cao yêu cầu xem xét giám đốc thẩm toàn bộ vụ án. Anh cho rằng anh không giao con cho chị Hạnh là đúng, vì chị Hạnh từng đe dọa giết con, bỏ rơi con trong phòng trọ một mình khi cháu vài tháng tuổi. Vì vậy, chúng tôi tạm thời chờ tòa án cấp cao có phản hồi. Tuy nhiên, hơn một tháng qua, cơ quan này chưa hồi đáp.

Hiện chúng tôi đang xác định lại dấu hiệu, hành vi phạm tội, đồng thời rà soát toàn bộ quá trình thi hành án, cưỡng chế thi hành án đã đúng quy định pháp luật hay chưa mới có thể quyết định khởi tố hay không khởi tố hình sự đối với anh Lê Ngọc Thành”.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Việc anh Thành gửi đơn đến TAND cấp cao và việc TAND cấp cao chấp nhận giám đốc thẩm vụ án là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nếu cơ quan điều tra chỉ căn cứ việc anh anh Thành có nộp đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm mà không xem xét đề nghị khởi tố hình sự của cơ quan THA DS TP.Biên Hòa là thiếu căn cứ pháp lý. 

Chỉ khi nào người có thẩm quyền giám đốc thẩm có thông báo bằng văn bản tạm hoãn việc THA thì có thể ngưng THA, ngưng điều tra. Theo tôi, việc anh Thành chống lại bản án của tòa, không giao con cho chị Hạnh trực tiếp nuôi dưỡng, đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế theo đúng trình tự pháp luật là đã đủ yếu tố để khởi tố hình sự”.

Theo khoản 1, điều 334. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, nếu cơ quan điều tra lấy căn cứ là cái biên nhận của TAND cấp cao xác nhận anh Thành có khiếu nại, đồng nghĩa việc chị Hạnh được nhận lại con còn rất xa vời!

Luật sư Trịnh thị Bích - Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Hộ tịch - Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định: “Chưa từng có một vụ cưỡng chế THA giao người chưa thành niên nào thành, nếu đương sự không tự nguyện”. Nhận định này hoàn toàn chính xác với hàng chục vụ tranh chấp quyền nuôi dưỡng con chung mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đang can thiệp. Khi cha/mẹ, người thân, cố tình chống lệnh cưỡng chế giao con, cơ quan THA, công an, viện kiểm sát, cũng chẳng làm được gì. Anh T.H.T., ngụ Q.Gò Vấp, một người cha bị mất quyền nuôi con bốn năm qua khi cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên anh “thắng” phẫn uất: “Luật pháp có cũng như không, chỉ luật rừng mới thắng!”.

Đã đến lúc cần xem lại thủ tục THA lẫn trình tự tố tụng trong những vụ giành con để tránh thiệt thòi, tổn thương cho con trẻ. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI