Giáng Vân: Hội họa như duyên, rơi vào đời thi sĩ

23/10/2021 - 17:19

PNO - Sau hai triển lãm cá nhân vào năm 2017, 2018, từ ngày 23 đến 27/10 này, nhà thơ Giáng Vân mở triển lãm mỹ thuật cá nhân thứ ba “Vân - 2021” tại Hà Nội. Chị nói “vẽ vui hơn viết”, “từ khi vẽ, có thèm viết nữa đâu”.

Có lần Giáng Vân tâm sự, những bài thơ được viết cách đây vài chục năm không còn liên can tới mình. “Câu thơ đã viết/ Giống như hơi thở/ Đã thở rồi/ Không thở sẽ chết/ Nhưng không thể còn thở lại”… Sau tập thơ Đường gió (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013), trước đó là Trên những ngày buồn (1995, Giải thưởng Văn học nghệ thuật 1991-1995 của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội), Năm tháng lãng quên (1990) - không thấy chị ra thêm tập thơ nào nữa. Tôi hỏi chị: “Giờ đây, dan díu vào cuộc chơi với màu sắc, bố cục, chị định đoạn tuyệt với thơ ư?”. “Đừng nói đoạn tuyệt. Vì cuộc đời biết đâu mà lần”, Giáng Vân nói. Nhiều khi duyên số từ trời rớt xuống, có muốn cũng chẳng tránh được. Và hội họa, có lẽ là một cái duyên rơi vào đời nữ sĩ này một cách bất ngờ. 

Giáng Vân - ẢNH: LÊ BÍCH
Giáng Vân - ẢNH: LÊ BÍCH

Hội họa đến… khi chị gần 60 tuổi, bắt nguồn từ một lời rủ rê của bạn bè, rằng đi học vẽ cho vui. Nếu quen Giáng Vân, sẽ thấy, ở cái tuổi tưởng chừng hết đắm đuối ấy, sao chị lại lắm năng lượng thế. Nếu không “phát tiết” trong thi ca, thì một hình thức ngôn ngữ nghệ thuật nào đó, sớm muộn gì cũng sẽ tìm đến chị.

Triển lãm gồm 45 bức tranh, trong đó, một nửa vẽ trên toan bằng acrylic và sơn dầu, một nửa là mực tàu và acrylic trên giấy dó. Giáng Vân nói, chị muốn trình ra một cái tôi Giáng Vân hiện tại. Một Giáng Vân đang muốn “chạm tới một năng lượng kinh khủng nhất”, “trong những giấc mơ trùng điệp/đã luôn đứng bên ngoài im lặng”. Hay như một câu thơ cũ của chị, có “những cú đột phá nào đó từ cõi không biết đã mở”. Một Giáng Vân sống cho mình, chứ không phải vì bất kỳ ai nữa. 

Khác với thơ, vẽ là một trạng thái hoàn toàn tập trung, không vui không buồn. Khi cầm cọ, màu sắc, bố cục, cả những nhạy cảm của người nghệ sĩ sẽ dẫn mình đi. Màu này gọi ra màu khác. Cảm xúc này gọi ra cảm xúc khác. Đặt cọ xuống, có khi cái định vẽ/hướng về không còn là cái ban đầu nữa. Cái ban đầu, chỉ là gợi ý, là chất dẫn để người nghệ sĩ thăm dò nội tâm không cùng của mình. Vì thế, khi xem tranh Giáng Vân, dẫu nhận ra những vết tích của một người không được đào tạo chính quy, có cả sự hồn nhiên ở đó, nhưng vượt lên tất thảy, có thể nhận ra Giáng Vân đang “chơi” một cách nghiêm túc.

Một bức tranh trong triển lãm “Vân - 2021” - ẢNH: LÊ BÍCH
Một bức tranh trong triển lãm “Vân - 2021” - ẢNH: LÊ BÍCH

Màu sắc trong tranh chị không “gắt” mà có sự nền nã, dù màu sáng hay màu tối. Giáng Vân cũng không bó hẹp mình trong một dạng đề tài, từ chân dung, phong cảnh hay tĩnh vật; vẽ trực họa hay trừu tượng. Thay vì bằng ngôn ngữ, giờ đây, chị cảm nhận đời sống bằng sự hòa trộn nóng - lạnh của màu, đường đi của nét vẽ và những mỹ cảm cá nhân. Trong số tranh Giáng Vân vẽ, dường như chị có khiếu ở mảng tranh chân dung. Xem các bức vẽ con gái, vẽ nhà thơ Ý Nhi… có thể thấy, Giáng Vân đã lột tả được cái thần thái, cái hồn của nhân vật mà chị hướng đến. 

Có một điều rất đặc biệt, Giáng Vân vẽ tranh cũng như làm thơ đều rất nhanh. Đa số tranh trong triển lãm “Vân - 2021” đều được vẽ trong khoảng thời gian giãn cách. Chị và bạn chị chung nhau thuê một xưởng vẽ tại căn nhà cổ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh ở làng Tứ Liên. Nói là “xưởng vẽ” và “thuê”, nhưng chỗ bạn bè thân quen, chủ yếu qua đây cho có “hơi người”. Vì ông Lưu Trọng Ninh “hành tẩu giang hồ, lâu lâu mới tạt về nhà”.

Trước nhà là một mảnh vườn nhỏ, Giáng Vân vẽ tranh sơn dầu ngay mái hiên, cạnh nắng, cạnh cả mưa. Sau đó, vì dịch COVID-19, không sang xưởng được, quanh quẩn ở nhà, chị khám phá những cái hay của chất liệu giấy dó. Loay hoay với hai chất liệu, trong mấy tháng mà chị vẽ gần 50 bức. Điều đó cho thấy sức làm việc liên tục và sự tập trung của chị thế nào. 

Giáng Vân nói, nếu không nhanh, “y như rằng vứt đi”. Chị không có thói quen sửa thơ một khi đã viết xong. Cũng như tranh, thử sửa một, hai bức, là hỏng. Chị nói: “Cái hay nhất của mình có lẽ là cái - đang - là, dẫu nó có đẹp hay xấu trong mắt người khác”. Qua một thời gian vẽ liên tục, Giáng Vân nhận ra mình cầm cọ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Làm gì cũng thế, phải khổ luyện.

Giáng Vân không thích nói chữ “đoạn tuyệt”, dù là đoạn tuyệt với thơ hay đoạn tuyệt một cuộc đời trước đó của mình; dẫu cho sự vất vả từng “tù đày” tâm hồn chị. Sau khi từ công trình thủy điện sông Đà (Hòa Bình) về lại Hà Nội năm 1987, thì năm 1988, mẹ chị ốm lên ốm xuống rồi nằm một chỗ suốt 16 năm cho tới khi mất vào năm 2005. Đầu năm 1991, bố chị lại bị tai biến, cũng nằm ba năm rồi qua đời. Năm 2009, em trai bị tai nạn, lại nằm một chỗ. Chị quyết định nuôi con một mình từ năm 1999…

Cả cuộc đời Giáng Vân là một chuỗi vất vả, “quẳng mình vào tăm tích” cho những điều ngoài bản thân chị, nhưng cũng chính là chị. Như cách chị từng tự bạch rằng “tôi là giống hữu tình”. Không thể nào khác được. May mà những năm tháng đó, chị còn thơ ca để bầu bạn và nương náu.

Với Giáng Vân, khi nói “đoạn tuyệt” nghĩa là phải cố gắng. Phải gồng mình lên. Cái gì từ biệt, tự nó sẽ đi. Chị không đuổi nó cũng đi, dù có khi đó là những thứ hay ho, thú vị hay những thứ nợ đời, ngớ ngẩn. Còn nhớ, trong bài thơ Bài hát giã từ, chị từng viết: “Giã từ một con đường/ Rồi ta ngỡ đã quên hẳn/ Nhưng trong mơ nó bỗng trở về”. Trạng thái chập chờn giữa hai bờ tỉnh thức - hư ảo đó, làm nên nét đặc biệt của một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng của văn đàn Việt Nam, đồng thời định hình nên một Giáng Vân của không gian hội họa đang trương nở sắc màu, vẫy gọi sự tìm tòi và tự do. 

Đậu Dung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI