Giáng sinh tại quê hương Chúa ảm đạm sau tuyên bố của Trump về Jerusalem

22/12/2017 - 05:00

PNO - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã gây tác động lớn trong ngày lễ Giáng sinh năm nay tại thành phố Bethlehem của Palestine - được cho là nơi Chúa Jesus ra đời.

Một số nhà cung cấp thực phẩm, người bán đồ trang trí lễ hội và nhiều người làm việc trong lĩnh vực khách sạn tại đây đã tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối điều mà họ cho là sự thiên vị đáng hổ thẹn đối với Israel và gây tổn hại đến công việc của họ trong mùa lễ Giáng sinh.

Giang sinh tai que huong Chua am dam sau tuyen bo cua Trump ve Jerusalem
Du khách tại Quảng trường Manger tại thành phố Bethlehem. Ảnh: AP

Cạnh đó, chính quyền Bethlehem cũng nêu rõ quan điểm với các biểu ngữ tuyên bố Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu của Palestine, được treo trên mặt tiền Quảng trường Manger để làm phông nền chương trình truyền hình sẽ được phát sóng toàn cầu.

Cuộc xung đột Israel-Palestine được cảm nhận rất sâu sắc vào mỗi dịp Giáng sinh tại Bethlehem, thành phố chỉ cách Jerusalem vài dặm về phía nam. Một phần trong bức tường ngăn cách Bờ Tây của Israel đối với Bethlehem đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch. Các phiến xi măng của nó được bao phủ bởi những tác phẩm của nhiều nghệ sĩ graffiti quốc tế như Banksy, cùng với hàng loạt khẩu hiệu ủng hộ Palestine do du khách viết lên.

Trong khi người Palestine cố gắng thu hút lượng du khách nước ngoài đổ về đây vào lễ Giáng sinh, sự thay đổi chính sách của Tổng thống Trump đối với Jerusalem đã trở thành chủ đề nổi bật trong dịp cuối năm 2017. Phát ngôn này đã đi ngược lại sự đồng thuận quốc tế, rằng số phận của thành phố cần được định đoạt qua đàm phán.

Jerusalem, khu vực phía đông mà Israel tuyên bố sở hữu, là khu vực cư trú của người Hồi giáo, Do Thái cùng Kitô giáo, được người dân Palestine nhìn nhận là thủ đô trong tương lai của mình. Do đó, tuyên bố của ông Trump đã gây ra các vụ đụng độ trong vùng lãnh thổ Palestine. 

Nhiều người biểu tình ném đá để phản đối, trong khi binh lính Israel phun hơi cay, bắn đạn cao su và đạn thật. Tám người Palestine đã bị lính Israeli giết chết, hầu hết ở biên giới Gaza, và nhiều người khác bị thương.

Giang sinh tai que huong Chua am dam sau tuyen bo cua Trump ve Jerusalem
 

Ở Bethlehem, người ta có thể ngay lập tức cảm nhận được sự bùng phát.

Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas đã chuẩn bị tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, một Kitô hữu sùng đạo ở Bethlehem, nhưng sau đó hủy bỏ quyết định do hành động xoay trục của Hoa Kỳ về Jerusalem. Ông Abbas tiếp tục thể hiện thái độ khi từ chỗ hợp tác với Mỹ, chuyển sang bác bỏ vị trí trung gian hòa giải của Washington tại Trung Đông.

Trong khi đó, Jacir Palace - khách sạn sang trọng hàng đầu tại Bethlehem với 250 giường khách, đã đóng cửa vì những xung đột gần đây. Tổng giám đốc Marwan Kittani cho biết, khách sạn đã được đặt kín phòng vào dịp Giáng sinh, nhưng giờ đây ông đang cân nhắc mỗi ngày để xem liệu có thể mở cửa trở lại.

Các nhà hoạt động Palestine đã kêu gọi phát động thêm nhiều cuộc biểu tình. Tại Quảng trường Manger, bên cạnh Nhà thờ Giáng sinh được xây dựng phía trên hang nơi sinh của Chúa Jesus, một số người kinh doanh đổ lỗi cho Trump về tình hình làm ăn bết bát của họ.

Hai chủ cửa hàng đồ lưu niệm bán hoạt cảnh Giáng sinh và đồ trang trí chạm khắc từ gỗ cây ô liu cho biết, suốt cả buổi chiều, họ không có lấy một khách mua hàng.

Mahmoud Salahat, người bán nước ép lựu trên quảng trường, kể rằng nguồn thu nhập chính của ông đến từ những công dân Israel gốc Palestine. Nhưng phần lớn những người này đã tạm tránh xa Bethlehem suốt hai tuần qua do lo lắng những bất trắc có thể gặp phải.

Các quan chức Palestine thì tỏ ra lạc quan hơn.

Bộ trưởng Du lịch Palestine Jiries Qumsieh cho hay, ngành du lịch nước này vẫn phát triển trong mùa Giáng sinh 2017, với 2,7 triệu lượt du khách so với con số 2,3 triệu lượt cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có một số sự cố, nhưng hơn 90% trong 4.000 phòng khách sạn tại Bethlehem đã có người đặt vào dịp lễ Giáng sinh.

Giang sinh tai que huong Chua am dam sau tuyen bo cua Trump ve Jerusalem
Bức biếm họa về Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy ông đang chạm vào bức tường chắn Bờ Tây của Israel với suy nghĩ “Ta sẽ xây cho ngươi một đứa em”, ám chỉ việc ông Trump muốn xây dựng tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: AP

Lễ Giáng sinh cũng tạo cơ hội thường niên để Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tranh thủ sự cảm thông quốc tế đối với mong muốn từ lâu của Palestine trong việc lấy lại các khu vực ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem, những nơi mà Israel chiếm đóng năm 1967.

Hamas - nhóm chiến binh Hồi giáo thống trị dải Gaza, đồng thời là đối thủ phong trào Fatah của ông Abbas, muốn tìm kiếm một quốc gia Palestine đúng với lịch sử, kể cả phần lãnh thổ mà hiện tại đang thuộc về Israel.

Đại đa số dân Palestine là người Hồi giáo, tuy nhiên, ông Abbas, cũng giống như nhân vật tiền nhiệm Yasser Arafat, đều đánh giá cao mối quan hệ chặt chẽ với thiểu số người Kitô giáo. Ông đều đặn tham dự buổi lễ tại Nhà thờ Giáng sinh được phát sóng trực tiếp hàng năm.

Năm nay, bản tin truyền hình sẽ cho thấy hai biểu ngữ lớn treo trên nóc Quảng trường Manger với nội dung: “Jerusalem sẽ luôn là thủ đô vĩnh cửu của Palestine”.

Nhà tổ chức hoạt động xã hội Munther Amira và các đồng sự có kế hoạch phân phát một bản kiến nghị đến các du khách vào dịp Giáng sinh để ủng hộ tuyên bố Jerusalem là của Palestine, cũng như những nhãn dán “Chúng tôi yêu Jerusalem, thủ đô của Palestine”.

Đầu tuần này, hàng chục người biểu tình đã tụ tập gần cây thông Noel tại khu quảng trường, giơ cao biểu ngữ: “Bethlehem chào đón những sứ giả hòa bình, chứ không phải sứ giả chiến tranh”.

Nhà hoạt động xã hội Amira cho biết, đây là cuộc biểu tình chống lại chính sách của Hoa Kỳ, chứ không nhắm đến dân Mỹ.

Thực tế cho thấy, một số du khách dường như không quan tâm mấy đến chính trị. Họ chủ yếu tập trung quanh khu vực Nhà thờ Giáng sinh, hiện đang được cải tạo với một phần bị bao phủ bởi giàn giáo xây dựng.

Người hành hương đến từ nước Đức, Ludmilla Trifl cho biết cô không đưa ra bình luận bởi không có đủ hiểu biết về cuộc xung đột. Bức tường chia rẽ lối vào Bethlehem trông “không được đẹp”, vị du khách trên nhân xét, và nói thêm bà nghe người ta bảo lại rằng đây là một biện pháp an ninh.

Giang sinh tai que huong Chua am dam sau tuyen bo cua Trump ve Jerusalem
Du khách bước qua khách sạn Walled-Off và bức tường ngăn cách Bờ Tây của Israel. Ảnh: AP

Israel tuyên bố tường chắn này nhằm ngăn chặn các tay súng Palestine, trong khi người Palestine tin rằng đây là một hình thức để chiếm đất đai.

Dọc theo bức tường ranh giới, một loại hình du lịch khác đã xuất hiện.

Khu vực xung quanh Walled-Off, khách sạn mở cửa vào tháng 3, liên kết với Banksy (nghệ sĩ graffiti, nhà hoạt động chính trị, đạo diễn phim và họa sĩ người Anh) đã trở thành trung tâm nghệ thuật đường phố mang màu sắc chính trị. Một bức tranh tường gần đây mà Banksy vẽ cho thấy hai thiên thần, một cầm đòn bẩy, đứng hai bên của một lỗ hổng giữa các phiến xi măng và cố gắng mở rộng khe nứt.

Đáp ứng nhu cầu, cửa hàng gần đó với tên gọi "Wall-Mart" bày bán khuôn tô màu và bình sơn xịt có kích cỡ vừa đủ để vẽ khẩu hiệu, với giá từ 14-26 USD, cung cấp cho khách hàng dụng cụ để ghi lại dấu ấn của mình.

Vào một buổi sáng gần đây, du khách người Úc Farzanah Fazli đã vẽ bức tranh tường với dòng chữ: “Ngày xửa ngày xưa, nhân tính đã từng tồn tại”, ám chỉ quan điểm của cô rằng các chính sách của Israel đã làm giảm đi bản chất con người tại Palestine. Cô Fazli, 30 tuổi, hiện là một kế toán ở London giải thích, thông điệp đó là điểm nhấn cho toàn bộ chuyến đi Trung Đông của cô.

Nhân viên cửa hàng bán đồ Graffiti, Wanda Handal, 21 tuổi cho biết các nghệ sĩ đã thay đổi hoàn toàn khu phố nơi cô làm việc: “Trước kia, đây là một khu vực đáng sợ. Giờ đây, nó đã sống động hơn hẳn, khi nghệ thuật có mặt ở khắp mọi nơi”.

Lan Phương (Theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI