Giáng sinh, 'Ở nhà một mình' cùng Macaulay Culkin

25/12/2019 - 15:46

PNO - Thông điệp từ một bộ phim Giáng sinh có vẻ như muốn nói với người xem: hãy nhìn xung quanh, có người thân nào của bạn đang “ở một mình”, bị từ chối, bị kết án, hoặc cô lập trong chính gia đình mình như Kevin?

Mãi cho đến Noel năm ngoái, tôi mới có dịp xem lại Ở nhà một mình (Home Alone, 1990) cả phần một và phần hai Lạc ở New York (Lost in New York, 1992) cùng các con. Bọn trẻ trạc tuổi tôi hồi đó, cười no bụng, đồng thời, cũng ít thấy được thông điệp ẩn giấu của bộ phim tưởng chừng chỉ là một tác phẩm hài hước.

Home Alone là cái tựa đáng sợ với mọi đứa trẻ, gợi lên những “kỷ niệm” kinh hoàng ấu thơ: bị bỏ lại một mình, đi lạc, hay bị tống vào toilet, tủ quần áo… Khi ấy, bạn dễ dàng nghe thấy những tiếng động lạ, sợ nhìn vào góc tối, nhưng cũng là lúc “cho phép” chúng ta có thể làm những điều mà bình thường chắc chắn bị người lớn ngăn cản.

Tỉ như Kevin, nhân vật chính do Macaulay Culkin thủ vai, khi chỉ còn một mình giữa căn nhà mênh mông, đã thỏa thích coi ti vi đến khuya, ăn hết kem trong tủ lạnh và dám ngủ luôn trên giường… cha mẹ.

Giang sinh, 'O nha mot minh' cung Macaulay Culkin

Ngay từ đầu, thế giới hư cấu của John Hughes (tác giả kịch bản) đã cố tạo ra những tình huống “khó đỡ”, xuất phát từ gia đình cậu bé ở ngoại ô Chicago (Hoa Kỳ). Nghĩ sao mà kỳ nghỉ Giáng sinh được lên kế hoạch đi Paris hoặc New York, mà cả nhà lại có thể “để quên” một đứa bé tám tuổi? Và rồi, cậu bé “anh hùng” vẫn dám đương đầu tình trạng bị bỏ rơi và một mình chống lại kẻ xấu.

Các pha gây cười cho khán giả là những tình huống đối phó của Kevin trước hai kẻ trộm (Joe Pesci, Daniel Stern thủ diễn) muốn đột nhập vào nhà. Những chiếc bẫy cổ điển của người Mỹ bản địa mà bất kỳ đứa bé lên tám nào cũng khó có thể thực hiện, nếu không có kinh phí hàng chục ngàn đô la và sự giúp sức của hiệu ứng đặc biệt, đã làm nên sự mãn nhãn cho người xem hệt như đang coi phim hoạt hình.

Thế nhưng, Ở nhà một mình hay Lạc ở New York không chỉ là những hình ảnh mà tất cả sự hợp lý, logic ở thế giới thực biến mất, hòng gây cười. Câu chuyện do tài năng diễn xuất thiên bẩm của Macaulay Culkin (khi đó mới mười tuổi) còn lẩn khuất ý nghĩa cốt lõi của Giáng sinh.

Cậu bé hiếu động Kevin thường xuyên cư xử tồi tệ. Và mỗi khi bị trừng phạt, cậu có một ước ao: mọi người trong nhà nên biến mất thì hơn! Thật “kỳ diệu”, điều ước của cậu trở thành hiện thực. Một mình nếm trải những thử thách, để rồi cậu bé nhận ra, gia đình là tài sản quý giá nhất mà một người có thể có. Chúng ta luôn được nhắc về điều đó với biểu tượng lộng lẫy nhất của Giáng sinh luôn là chiếc hang đá, trong đó có một gia đình gồm cha, mẹ và em bé.

Ngồi xem phim sau hơn phần tư thế kỷ, nhìn trẻ con vui cười, tôi lại nhận ra nhân vật chính dường như cô đơn không phải chỉ khi gia đình rời xa cậu. Kevin luôn cô đơn. Cậu mãi một mình giữa… gia đình, bị khước từ, không ai muốn chia sẻ, không ai cho niềm hạnh phúc tương tác, dù cậu có đầy đủ anh chị em, một người mẹ xinh đẹp và người cha kiếm nhiều tiền.

Giang sinh, 'O nha mot minh' cung Macaulay Culkin
 

Xem lại thấy Kevin luôn phải chống chọi trước sự chế giễu của anh chị, trong khi cha mẹ luôn bận rộn. Và để được chú ý, cậu bé chỉ còn một cách phản kháng trước sự ức hiếp của gã anh xấc xược. Nhưng hầu hết trường hợp, cha mẹ đều không đứng về phía Kevin.

Cho đến khi cậu bé chỉ còn lại một mình, đạo diễn Chris Columbus mới cho khán giả thấy một đứa trẻ luôn cởi mở vì tình bạn, dễ dàng thích nghi với tình huống bất ngờ, công khai nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình, sẵn sàng giúp đỡ, tôn trọng người khác.

Và Kevin có khả năng hòa hợp với người lạ một cách hoàn hảo, như ông chủ cửa hàng đồ chơi - ông già có biệt danh “sát thủ Xẻng Tuyết”, hay người phụ nữ vô gia cư ở công viên. Ở tuyến nhân vật này, bây giờ mà xem lại phần hai Lạc ở New York, bạn sẽ còn thú vị hơn nữa, với một “người lạ” quá sức đình đám: Donald Trump. Tổng thống Mỹ đương nhiệm xuất hiện vài giây trong phim với tư cách chủ tòa nhà Trump Tower ở Nữu Ước để chỉ đường cho Macaulay Culkin.

Ngay cả khi gia đình quay trở lại sau kinh nghiệm chia lìa, cuộc gặp vỡ òa với cái ôm chầm của mẹ, ngay lập tức Kevin tiếp tục trở về với thực tại khi sự nhạo báng, chế giễu diễn ra.

- Hôm qua con đã tự đi mua sắm - cậu khoe với mẹ về sự “trưởng thành” trong thời gian lạc nhau.

- Con đi shopping?

- Dạ, con đã mua sữa, trứng và nước giặt xả. 

- Hả, cái gì?

Rồi hàng loạt giọng cười đến từ xung quanh:

- Giỡn chơi à! Đúng là thằng khéo đùa. Kể xem còn làm gì nữa khi cả nhà đi vắng nào…

- Đi lang thang khắp nơi chớ gì!

- Đi mua sắm á? Thậm chí nó còn không biết buộc dây giày...

Đến đây, có lẽ Kevin lại vẫn “ở nhà một mình”. Nỗi cô đơn thực sự bắt đầu với cậu khi cha mẹ, anh chị em trở về. Phải chăng, họ phải đi vắng, Kevin mới có thể sống cuộc sống bình thường của một kẻ đang tìm kiếm tình cảm và sự sẻ chia?

Những người lạ mà cậu gặp cũng cùng chung số phận bị từ chối. Ông già “sát thủ Xẻng Tuyết” bị tách khỏi cuộc đời con trai mình, người phụ nữ yêu chim sống lang thang cũng có một trái tim tan vỡ. Kevin bước vào cuộc sống của họ bằng những hỗ trợ giản dị nhưng chân thành của cậu.

Thắt mở trong điện ảnh để rốt cuộc khán giả phải thấy được phép mầu trong một câu chuyện Giáng sinh. Người ta tin rằng chính Kevin là phép mầu thực sự với tâm hồn thanh khiết và trái tim rộng mở cho những ai cần sự giúp đỡ, dù đó chỉ là một lời an ủi hay ánh mắt trắc ẩn. Cuối phần hai, Kevin rời khỏi gia đình đang bận rộn mở những món quà Giáng sinh, cậu bé tìm đến công viên để chúc mừng người phụ nữ vô gia cư và tặng bà món đồ hình chim bồ câu như dấu hiệu của tình bạn.

Thông điệp từ một bộ phim Giáng sinh có vẻ như muốn nói với người xem: hãy nhìn xung quanh, có người thân nào của bạn đang “ở một mình”, bị từ chối, bị kết án, hoặc cô lập trong chính gia đình mình như Kevin? Đừng tiếp tục nổi giận với họ nữa, mà hãy cho mọi người cơ hội để yêu thương nhau, không chỉ trong mùa bình an này. 

Bình phim cũ

LTS: Những bộ phim đã từng xem trong quá khứ, có thể từ rất lâu, cũng có thể vào một ngày chưa xa lắm, nhưng nó đọng lại đâu đó trong tiềm thức của bạn. Để chỉ cần khẽ chạm vào, là mọi ký ức về nó được dịp trở về, nhắc nhở chúng ta về những bài học, những thông điệp từ phim, mà ở thời đại này nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị. 

“Bình phim cũ” là mục dành cho tất cả mọi người, cho những thôi thúc được chia sẻ cảm nhận của mình sau khi xem lại một tác phẩm kinh điển - bạn sẽ làm gì, nếu không phải là trải lòng mình ra.

Bài 1: Tên tôi là Forrest... Forrest Gump

Đoàn Phó Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI