Nếu hôn nhân của ai đó nổi tiếng với những phút giây ngọt ngào, thì hôn nhân của bác tôi lại “đi vào truyền thống gia đình” với những lần giận dỗi.
Mỗi lần buồn, tôi lại gọi điện cho bác Hai, hỏi: “Hổm rày hai bác có giận gì nhau không?”. Lần nào bác Hai cũng cười: “Giờ bác đi kể chuyện giận chồng cho mày giải sầu hả?”.
Năm ngoái, có lần, bác trai đi uống cà phê với bạn về trễ, bác gái giận. Đang giận đúng trọng tâm, bác gái chợt nói một câu bất cần, đụng chạm tự ái, thế là thiện chí dỗ dành của bác trai sụt hẳn. Bác trai chuyển sang hành động, xuống nấu một nồi canh chua “thương hiệu”.
Tới giờ ăn, bác gái lại nấu một nồi canh khác. Trước sự ngơ ngác của ông chồng, bác gái nói: “Hôm nay bụng dạ em không tốt, chỉ ăn được canh rau với thịt bò”. Bác trai tẽn tò. Nồi canh thương hiệu tưởng… xịn sò, vậy mà ra đời không đúng lúc thì cũng chịu. Lỗi là tại bác không trao đổi, giao tiếp. Truyền thông nội bộ bị gián đoạn thì hậu họa khôn lường.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Ba tôi là con trai út, gia đình tôi sống chung với nội. Có hôm, tôi nghe bà nội nói vào điện thoại với bác gái: “Sao chồng bây nói cuối tuần nay về?”. Giọng nội khá… cà khịa, vì nội cũng biết tỏng vợ chồng “thằng lớn” của nội đang… diễn tuồng. Nội cười khì: “Vậy cuối tuần nay thằng chồng về, rồi cuối tuần sau con vợ về đúng không?”.
Cả nhà chẳng ai thấy chuyện giận dỗi của bác Hai là nghiêm trọng. Bà nội tôi thỉnh thoảng buồn tình còn lôi cháu ra hỏi: “Hổm rày hai bác nhà mày có giận nhau không?”. Khi được là người đầu tiên “đánh mùi” giận nhà bác, bà nội vô cùng hào hứng.
Hôm bác Hai gọi điện báo lịch về thăm, nội hớn hở thông báo với cả nhà: “Không biết giận gì mà mới tiếng trước anh chồng gọi bà, nói cuối tuần này về thăm thì tiếng sau vợ nó lại gọi, hẹn như đinh đóng cột là tuần sau mới về.
Nội hỏi sao không về chung, cô vợ nói: “Con không biết ảnh tính thế nào, thôi phần con là tuần sau nha mẹ”. Ừ thì tụi nó cứ giận nhau rồi chia lịch ra, tuần nào bà cũng có con cháu về thăm”. Nội vừa nói vừa vỗ đùi cười khoái chí.
Từ lúc về hưu, hai bác có giao ước mỗi năm sẽ du lịch bốn chuyến trong nước. Điểm đến sẽ phụ thuộc vào từng mùa, và được hai bác thống nhất dựa trên gợi ý của con cháu. Nhưng mùa xuân năm kia, sau khi tôi được bác trai nhờ đặt phòng ở Sa Pa xong thì bác gái lại gọi điện nhờ đặt một resort ở vùng đất “hoa vàng cỏ xanh”.
Tôi bất ngờ: “Ủa, sao bác trai nói đi Bắc, mà bác gái lại đặt phòng ở Phú Yên?”. Bác gái lạnh lùng: “Bác trai mày muốn đi đâu là tự do của ổng, mà ổng đi ngày nào đó?”. Sau khi được tôi thông tin đầy đủ về lịch trình của “phe kia”, bác gái vẫn đọc ngày cho tôi đặt phòng ở Phú Yên. Và ngày đó cách ngày đi Sa Pa của bác trai một tháng.
Nhưng hai bác làm gì có khả năng giận nhau đến ngày thứ ba. Cuối cùng, năm ngoái, họ có năm chuyến du lịch hết thảy. Còn cái hôm chia lịch về thăm nội, thì cả nhà bác Hai lại hớn hở có mặt nhà nội “đúng hẹn” của cả vợ lẫn chồng. Bà nội tôi sướng rơn khi thấy con dâu khệ nệ xách quà theo sau con trai.
Thật thiếu sót nếu chỉ kể chuyện hai bác giận nhau, mà không kể về nghệ thuật làm lành. Đợt rồi, cả nhà tôi bị cách ly cùng nhau khi hai bác về thăm ngay trước dịp phong tỏa. Thế là bà nội tôi được sống quây quần với gia đình hai cậu con trai, đầy đủ con dâu và các cháu. Trong dịp này, hai bác lại giận nhau.
Bác gái trò chuyện mà tránh nhìn mặt chồng. Nhưng họ giận vì lý do gì thì không ai biết. Đợt đó đang có giải bóng đá Euro, mấy bác cháu tôi thức xem không sót trận nào. Một hôm, đang coi đến cuối trận thì bác trai vỗ đùi: “Tụi nó sắp đá luân lưu kìa mấy đứa? Bác gái bây khoái coi đá luân lưu lắm!”.
Nói xong, bác chạy thẳng vào phòng để lay vợ dậy. Chúng tôi ngỡ ngàng: “Ủa, đang giận mà?”. Khi cả đám còn ngơ ngác thì đã thấy bác gái ngái ngủ bước ra. Bác trai đi hớn hở thuyết minh: “Lẹ lên, tụi nó sắp đá từng trái vào lưới nhau rồi đó!”.
Thế rồi trong cơn cố nín cười của đám con cháu, bác trai tôi quên hết giận dỗi, cứ thế nhiệt tình thuyết minh cầu thủ đang đá tên gì, của đội nào, nếu nó vào trái này thì sao, nếu nó thua thì cục diện thay đổi thế nào. Bác gái đang ngáp cũng nhào đến gào lên và đập tay với chồng khi có trái bóng vào lưới. Giận dỗi trôi qua không tăm tích.
Hèn gì mỗi lần hỏi bí quyết làm lành, bác trai lại ra vẻ hợm hĩnh: “Giận thì giận, chứ yêu thương thì làm sao kiềm chế được?!”.
Thủy Lê