Gian nan xử lý web chiếu phim lậu

21/11/2016 - 15:24

PNO - Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ MPA cho biết, VN hiện có hơn 200 trang web chiếu phim lậu, trong đó có 42 trang vi phạm ở mức độ nghiêm trọng.

Tại hội thảo Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn - Giải trí sạch (do Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM và Liên minh các chủ sở hữu quyền) tổ chức hôm 16/11, bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ MPA cho biết, VN hiện có hơn 200 trang web chiếu phim lậu, trong đó có 42 trang vi phạm ở mức độ nghiêm trọng.

Đặc biệt, có trang thu hút hơn bốn triệu lượt người xem/tháng - một con số “khủng”. Theo số liệu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA), 39% quảng cáo trên các trang web lậu ở VN là quảng cáo độc hại như cờ bạc, khiêu dâm.

Vấn đề chống vi phạm bản quyền trên internet từ lâu đã là đề tài nóng ở VN với vô số hội thảo từng được tổ chức, nhưng việc kiểm soát và xử lý triệt để vấn nạn này vẫn còn là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Bà Vũ Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra VTV ngao ngán: “Có trang web khi bị phát hiện còn xin phép được vi phạm thêm một thời gian nữa”. Gần đây, bộ phim truyền hình đang hot của VTV Tuổi thanh xuân (phần 2) đã xuất hiện trên hàng chục trang web lậu, không cách gì ngăn chặn. Những đơn vị chuyên mua bản quyền phim truyền hình Hàn Quốc thì đau đầu “thường trực” vì bất kỳ phim mới nào vừa phát sóng bên Hàn là chỉ vài giờ sau đã xuất hiện trên các trang web xem phim lậu, có phụ đề tiếng Việt hẳn hoi. Tất nhiên là miễn phí cho người xem.

Gian nan xu ly web chieu phim lau
Phim Tuổi thanh xuân 2 vừa lên sóng đã xuất hiện trên nhiều trang web lậu.

Lượng người xem “khủng” trên các trang web lậu chính là thỏi nam châm thu hút các đơn vị làm dịch vụ quảng cáo, nên tiền quảng cáo thu được giúp các trang web này sống khỏe. Dù biết uy tín thương hiệu ít nhiều bị ảnh hưởng khi xuất hiện trên trang web lậu, nhưng cái khó của các nhãn hàng là khi đặt quảng cáo trên mạng thông qua các công ty dịch vụ quảng cáo thì không nắm rõ quảng cáo có bị đặt trên những trang web vi phạm bản quyền hay không.

Vì vậy, một trong những giải pháp mà các “bị hại” đưa ra tại hội thảo là kêu gọi các nhãn hàng yêu cầu các đơn vị dịch vụ quảng cáo không đặt quảng cáo của mình lên các website vi phạm bản quyền. Đây là một giải pháp tiêu cực nhưng cũng không dễ thực hiện vì không có cơ sở pháp lý để phân biệt website nào chính thống, website nào không.

Một kinh nghiệm chống vi phạm bản quyền trên mạng ở London, Anh, được chia sẻ tại hội thảo là chủ sở hữu quyền sẽ gửi danh sách các trang web bất hợp pháp mà họ thống kê được đến cảnh sát London và các công ty quảng cáo, trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ “sờ gáy” đơn vị vi phạm, các công ty quảng cáo thì tránh cộng tác.

Kết quả, doanh thu quảng cáo trên các trang này sụt giảm 73%. Có thể thấy chìa khóa thành công ở đây là có sự phối hợp ”tác chiến” nghiêm túc của cả ba bên: chính phủ, chủ sở hữu bản quyền và các đơn vị quảng cáo.

Ở VN lâu nay chỉ mới có các chủ sở hữu bản quyền nhập cuộc vì “của đau con xót”, chưa hề thấy có sự tham gia của hai bên còn lại. Thực tế, các trang web vi phạm đều thuê máy chủ ở nước ngoài nên cơ quan chức năng dù có muốn xử lý cũng đành chịu. Đơn độc trong cuộc chiến nên việc ngăn chặn các trang web vi phạm của các chủ sở hữu bản quyền đã trở thành chuyện ”biết rồi, khổ lám, nói mãi”.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI