Gian nan xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng

27/06/2024 - 07:00

PNO - Nhiều lần cố xác thực “chính chủ tài khoản” bằng gương mặt trên ứng dụng (app) của ngân hàng mà không thành công, chị Phương Trang (quận 3, TPHCM) đành phải gọi điện hỏi tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng. Nghe nhân viên tổng đài trả lời, chị mới biết, có cả ngàn người gặp tình trạng như mình.

Nhiều người gặp lỗi chung

Cụ thể, khi vào app của ngân hàng, chị làm đúng theo hướng dẫn của ngân hàng là đưa căn cước công dân (CCCD) gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu rồi quét gương mặt. Nhưng khi đến bước đọc chip, app tự thoát đăng nhập, điện thoại cũng tự tắt nguồn rồi khởi động lại. Chị không hiểu đó là do lỗi của chiếc điện thoại iPhone hay lỗi CCCD. Thắc mắc thì nhân viên tổng đài của ngân hàng nói nhiều người cũng bị tình trạng tương tự và khuyên tiếp tục lặp lại các bước.

Nhiều khách hàng gặp lỗi khi thực hiện các bước xác thực sinh trắc học  trên ứng dụng ngân hàng - ẢNH: PHÙNG HUY
Nhiều khách hàng gặp lỗi khi thực hiện các bước xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng - ẢNH: PHÙNG HUY

Chị Ánh Ngọc (quận Bình Tân, TPHCM) cũng gặp lỗi ở bước đưa CCCD vào mặt sau điện thoại để quét NFC (công nghệ sử dụng cảm ứng từ trường kết nối các thiết bị đặt gần nhau), ứng dụng hiện lên thông báo “đã có lỗi trong quá trình quét, có thể bạn sử dụng không đúng CCCD đã xác thực tại ví điện tử”. Sau 3 lần quét không thành công, ví điện tử tiếp tục thông báo “quá khó để xác thực bằng NFC, chúng tôi có cách xác thực khác dành cho bạn”. Sau đó, chị Ngọc thử làm theo cách chụp CCCD nhưng vẫn không xác thực thành công.

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt hoặc vân tay.

Để hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học qua CCCD có gắn chip lên hệ thống cơ sở dữ liệu, một số ngân hàng nâng cấp ứng dụng cũ, một số ngân hàng yêu cầu khách phải tải ứng dụng mới, nếu quên thông tin đăng nhập thì phải đến ngân hàng để xin cấp lại mật khẩu.

Nhưng, dù đã tải ứng dụng mới, khách hàng vẫn chưa thể xác thực gương mặt, vân tay do gặp trục trặc ở chip CCCD. Chẳng hạn, khi quét chip CCCD trên ứng dụng của Ngân hàng O., ứng dụng liên tục thông báo “hệ thống chưa nhận diện được chip trên CCCD, đề nghị khách hàng thực hiện lại”. Khi gọi đến tổng đài, nhân viên tổng đài đề nghị đến chi nhánh, phòng giao dịch để được hỗ trợ.

Rắc rối do nhiều nguyên nhân

Ông Vũ Mạnh Hưng - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ ngân hàng số của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345, ban lãnh đạo các ngân hàng và ví điện tử đều chủ động liên hệ với các công ty công nghệ để nâng cấp, cập nhật ứng dụng nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm được vị trí quét chip NFC trên điện thoại, tăng tốc độ quét gương mặt. Tuy nhiên, khá nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thực hiện đến bước cập nhật CCCD, nhất là khách hàng cao tuổi. Những khách hàng chưa làm lại CCCD hoặc có phẫu thuật thẩm mỹ cũng gặp rắc rối do dữ liệu cá nhân không còn khớp với dữ liệu trên CCCD.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được ngân hàng này triển khai từ khá sớm trên kênh online và trực tiếp tại quầy giao dịch để giảm áp lực quá tải cho khách hàng vào thời điểm 1/7. Trong quá trình triển khai cho khách đăng ký sinh trắc học, OCB cũng ghi nhận, khách hàng gặp khó khăn khi quét CCCD do thiết bị di động không có NFC. Với các trường hợp này, OCB đề nghị khách hàng đến phòng giao dịch gần nhà để được hỗ trợ.

Giám đốc một công ty công nghệ chuyên về sinh trắc học cho biết, cách đây 1 tháng, khi xác thực sinh trắc học, nhiều người liên tục gặp lỗi, thường là do điện thoại không có khả năng đọc chip NFC được tích hợp trên CCCD hoặc do khách hàng không biết cách đặt CCCD vào điện thoại để đọc chip. Tuy nhiên, sau khi các ngân hàng nâng cấp, cải thiện hệ thống thì tỉ lệ xác thực thành công cao hơn so với không thành công.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - cho biết, công nghệ NFC vốn rất phổ biến trong thanh toán không dùng tiền mặt như dùng thẻ ngân hàng (Visa, Master…) hay điện thoại (Apple Pay, Samsung Pay) để chạm vào máy tính tiền ở cửa hàng, siêu thị. Do độ phổ biến của NFC nên hầu hết thiết bị điện thoại di động đều được tích hợp sẵn công nghệ này. Chẳng hạn, đầu đọc NFC luôn được kích hoạt trên điện thoại sử dụng hệ điều hành iOS từ iPhone 6 trở lên. Đối với hệ điều hành Android, người dùng có thể tìm kiếm trong phần cài đặt hoặc kéo thanh thông báo xuống để xem tính năng NFC trong trạng thái bật hay tắt. Chỉ khi tính năng NFC được bật và khách hàng đặt đúng vị trí NFC thì thao tác quét CCCD mới thành công. Nếu điện thoại không có công nghệ NFC thì khách hàng nên đến quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ.

“Lợi dụng việc khách hàng đang chạy nước rút cập nhật sinh trắc học hoặc các ngân hàng nâng cấp các ứng dụng, một số kẻ lừa đảo có thể tung các chiêu lừa liên quan nội dung này bằng cách dẫn dụ nạn nhân cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua các trang web hoặc ứng dụng giả mạo, sau đó yêu cầu cung cấp mã OTP, mật khẩu, số thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tiền. Do đó, khách hàng phải thật cẩn trọng” - ông Vũ Ngọc Sơn khuyến cáo.

Các bước xác thực sinh trắc học

Bước 1: Truy cập vào ứng dụng ngân hàng, bấm vào phần “cập nhật khuôn mặt”.

Bước 2: Chụp 2 mặt CCCD gắn chip.

Bước 3: Quét ảnh gương mặt theo hướng dẫn.

Bước 4: Xác thực CCCD gắn chip bằng cách áp vào mặt sau của điện thoại có hỗ trợ NFC. Nếu là hệ điều hành iOS (iPhone), chạm CCCD gắn chip vào phía trên (sát camera) của mặt sau điện thoại. Với hệ điều hành Android, chạm CCCD gắn chip vào vị trí trên, giữa, dưới của mặt sau điện thoại tùy theo cấu hình cài đặt NFC của thiết bị.

Bước 5: Xác nhận xác thực thành công bằng biểu tượng tích xanh kế bên ảnh đại diện tài khoản.

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • DVChuong Cách đây 3 ngày

    Ngân hàng nên xem "XÁC THỰC SINH TRẮC HỌC" là một tùy chọn, chứ không nên bắt buộc, vì:
    1) Ngay bước cài đặt đã gây không biết bao nhiêu rắc rối, trục trặc đối với ngay cả những người rành công nghệ vì nó còn phụ thuộc vào APP trên điện thoại và vào chất lượng điện thoại! Tôi đã sử dụng điện thoại mới mua để cài đặt cho bà xã tôi sử dụng App Vietcombank, nhưng cả chục lần đều báo "hết hạn Token..." gì đấy, mặc dù các bước đều đã thao tác rất nhanh!
    2) Các nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền đa số tự nguyện (tự chuyển qua App, cung cấp OTP, thậm chí tự chạy ra ngân hàng! Bản thân tôi và các thành viên gia đình không bao giờ dính lừa đảo để bị mất tiền, nhưng giờ cảm thấy khó chịu với chính công cụ bảo mật mới này, ,nên quyết định: chuyển nhiều thì ra ngân hàng nhờ chuyển và xác thực chữ ký! Vì lỡ lúc đó mình già, ốm hơn lúc này thì sinh trắc học vô ích!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI