PNO - PN - Dù UBND TP.HCM có quy định cấm chôn cất người chết trong khu dân cư từ nhiều năm nay nhưng tình trạng lén lập mồ mả trong đất vườn vẫn âm thầm diễn ra. Nhiều gia đình đã ngụy trang hoặc lén chôn người nhà lúc nửa đêm đến...
edf40wrjww2tblPage:Content
Lén lút chôn người chết
Cuối tháng 3/2015, nhiều hộ dân trong hẻm 353 đường HT 13, KP.3, P.Hiệp Thành, Q.12 gửi đơn đến lãnh đạo UBND Q.12 kiến nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn, không để tái diễn tình trạng chôn cất người chết trong khu dân cư. Gặp chúng tôi, chị T.T., người sống trong hẻm bức xúc cho biết: ngày 23/3, trong hẻm có bà cụ mất. Người dân gọi điện báo cán bộ phường vì gia đình có dấu hiệu đào huyệt để chôn bà cụ ngay trong khu dân cư.
Ngày 24/3, người dân tiếp tục làm đơn gửi phường yêu cầu ngăn chặn, cán bộ phường đến vận động gia đình không chôn cất trong khu dân cư, gia đình đồng ý và cho biết sẽ hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. “Đi viếng đám, chúng tôi thấy cáo phó cũng ghi hỏa táng. Thế nhưng, đến trưa 25/3, gia đình bà cụ đóng cửa, dỡ rạp, không còn kèn trống, giống như đã hỏa táng rồi mà nhìn kỹ quan tài vẫn nằm trong nhà. Đúng 0 giờ ngày 26/3, người nhà đã âm thầm mang quan tài chôn trong khu đất gia đình. Người dân chỉ biết khi ba hôm sau, gia đình đến khu đất này xây mộ…”, chị T. rùng mình kể.
Tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi gặp ông Ba T. - chồng của bà cụ, ông Ba T. rầu rĩ: “Bản thân tôi đã ký cam kết không chôn người thân trong khu dân cư. Làm trái cũng ngại lắm, tôi cũng muốn hỏa táng vợ, nhưng do các con khó khăn, chi phí hỏa táng lớn, hơn nữa gia đình có sẵn đất mộ thì chôn cho tiện…”. Khu mộ này rộng gần 200m2 do ông T. quản lý, bên trong có gần chục ngôi mộ, vẫn còn nhiều đất trống. “Thực tình phải ngụy trang, lén lút chôn cất nửa đêm cho người thân, tôi cũng chua xót lắm, hỏa táng thì tốn tiền, mua huyệt mộ của tư nhân hay Nhà nước phải vài chục đến cả trăm triệu đồng, tiền đâu mà mua. Qua chuyện này, tôi sẽ thông báo cho dòng tộc biết không được chôn cất ở đây nữa”, ông Ba T. trần tình.
Ở tổ 10, KP.3, P.Thới An, Q.12 cũng có một mộ tộc rộng khoảng 150m2, trước đây chỉ có hơn chục ngôi mộ của dòng họ, nay đã lên tới vài chục mộ và có cả mộ của người ngoài. Tính từ cuối năm 2013 đến nay, chủ khu mộ đã cho chôn bốn người chết, hầu hết đều chôn lén lút lúc mờ sáng hoặc nửa đêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có một chỗ chôn cất ở đây phải chi 25 - 35 triệu đồng mua đất của chủ khu mộ.
Bà N.T.T. (tổ phó tổ 10, KP.3, P.Thới An, Q.12) cho biết, bà nhiều lần vận động, tuyên truyền với chủ khu mộ không để phát sinh mộ mới, không bán cho người ngoài bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước khi toàn bộ người dân khu vực này đều sử dụng nước giếng khoan. Thế nhưng, việc lén chôn người chết vẫn diễn ra. Quá lo lắng cho nguồn nước, ngày 10/5, các hộ dân viết đơn gửi lãnh đạo phường yêu cầu có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Mồ mả xen kẽ khu dân cư là chuyện thường thấy tại nhiều vùng ven TP.HCM (trong ảnh: Khu nhà ở xen cài với nghĩa địa ở xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn)
Trắc trở đường hậu sự
Mới đây, ông Trần Văn Q. (ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) mất do bệnh. Thể theo tâm nguyện của ông, người nhà chạy vạy tìm chỗ mua huyệt mộ. Trong lúc gia đình bối rối, người hàng xóm đến chia buồn ngỏ ý để lại huyệt mộ của gia tộc với giá 10 triệu đồng. Mừng rỡ, gia đình ông Q. lập tức đến đào huyệt, xây kim tĩnh tốn gần 15 triệu đồng. Đến ngày chôn cất ông Q., những người thân trong gia tộc và hàng xóm phản đối vì cho rằng người này không thông qua ý kiến họ, tự ý bán. Vợ ông Q. phải van xin, nài nỉ, nhưng vẫn không được, cuối cùng, dù đau xót nhưng gia đình phải đưa ông Q. đi hỏa táng.
Ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, cũng từng xảy ra chuyện căng thẳng vì chôn cất người chết trong khu dân cư. Ông T.V.C. mua miếng đất hơn 200m2 để làm mộ tộc. Lúc đó, khu vực này thưa thớt nhà cửa, nhưng sau vài năm thì dân cư đông đúc. Năm 2013, mẹ ông C. mất và được đưa về khu đất trên để yên nghỉ. Thế nhưng, khi chuẩn bị hạ huyệt, người dân xung quanh phản đối gay gắt vì sợ ô nhiễm. Quá giờ hạ huyệt, người dân vẫn quyết ngăn cản. Phải nhờ sự can thiệp, vận động của chính quyền địa phương, vài giờ sau quan tài mới được hạ xuống.
Việc chôn cất người chết trong khu mộ tộc còn bị chính người thân trong gia đình phản đối. Điển hình như trường hợp ông B.T. (ấp 2, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn), ông là người trông coi khu mộ của gia tộc vốn là mảnh đất sát nhà ông và ngay trong khu dân cư.
Đầu năm 2014, em trai ông B.T. mất và theo nguyện vọng sẽ chôn trong khu mộ này. Do lo ngại ô nhiễm, các con ông B.T. phản đối quyết liệt nhưng vì tình thâm, ông B.T. đành chấp nhận thiệt thòi. “Toàn bộ khu này đều sử dụng nước giếng, chôn cất người thân trong khu dân cư, tôi cũng ái ngại lắm nhưng biết làm sao, gia đình nó khó khăn, không đủ tiền mua huyệt mộ nơi khác, trong khi đất mộ thì có sẵn, chính quyền không nói gì thì nhắm mắt cho qua”, ông B.T. giãi bày.
Bi hài tìm huyệt cho mình
Chính vì lo không có chỗ chôn cất nên nhiều câu chuyện bi hài, khó tin đã diễn ra, đó là tình trạng nhiều người chạy đôn chạy đáo tìm chỗ an nghỉ cho mình. Như trường hợp cụ Đinh Thị Tâm (76 tuổi, ấp 2, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn), ý thức tuổi cao sức yếu, nhiều năm nay cụ yêu cầu các con đi tìm nơi an nghỉ cho mình. “Hỏi các khu đất mộ tư nhân gần nhà thì họ không dám bán vì Nhà nước cấm, còn vào các chùa gần nhà thì giá quá cao từ 80 - 100 triệu đồng/mộ, tôi kham không nổi. Các con tôi vẫn phải đi tìm, nếu bí quá thì về nghĩa trang Đa Phước - tuy xa nhà nhưng không phải hỏa táng”, cụ Tâm nói.
Có điều kiện như cụ Tâm, việc chuẩn bị cho “chuyến đi xa” còn vất vả, với nhiều người nếu không muốn hỏa táng thì phải tính sao? Tất nhiên là phải chôn cất lén lút trong đất mộ tộc, đất vườn dù trong khu dân cư.
Dẫn chúng tôi đến khu nhà xen mộ, mộ xen nhà giữa khu dân cư tại ấp 2, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, ông Hồng Xuân Diệp - trưởng ấp 2, cho biết: Trước đây, dân cư thưa thớt, mồ mả phát sinh các hộ không phản ứng, nhưng bây giờ dân cư đông rồi, tuyệt đối không được chôn cất trong khu vực này. Nói vậy, nhưng hơn một năm trước, đích thân ông Diệp cùng cán bộ xã đứng ra năn nỉ, vận động để người dân thông cảm cho chôn cất một trường hợp bởi mộ người chồng có sẵn từ lâu, nay người vợ mất, các con muốn chôn sát bên.
Mỗi lần đứng ra hòa giải những vụ việc kiểu này, ông Diệp rất ngại. Theo ông, địa phương và người dân đều mong muốn có nghĩa trang nhân dân để tiện chôn cất người thân. “Như quy hoạch nghĩa trang tại cầu Rạch Tra (xã Đông Thạnh) đã nghe từ lâu, nhưng chờ mãi không thấy đâu. Vấn đề quan trọng nữa là có nghĩa trang rồi, người dân phải trả phí thế nào, có hợp túi tiền không, hiện nay nhiều nghĩa trang thu phí quá cao, người dân không thể kham nổi”, ông Diệp nói.
Khảo sát một vòng các nghĩa trang nhân dân của TP.HCM, chúng tôi giật mình khi hầu hết giá huyệt mộ đều lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Tại nghĩa trang Đa Phước, giá một huyệt mộ đơn phổ thông trọn gói (đất, xây kim tĩnh, xây mộ, phí chăm sóc sáu năm đầu) rẻ nhất cũng 44 triệu đồng, còn trung bình là 69 triệu.
Ngoài Đa Phước, đa số các nghĩa trang còn lại đều có giá “chạm tới là phỏng tay”, như công viên Phúc An Viên (Q.9). Liên hệ qua điện thoại, một nhân viên tên Phúc cho biết giá mộ đơn phổ thông mềm nhất là 170 triệu đồng, lý giải nguyên nhân giá cao, Phúc cho biết do ý tưởng, vị trí và nhiều tiện ích trong công viên như khu cây xanh, công chăm sóc, công trình phụ về tâm linh.
“Choáng” hơn khi nhiều nghĩa trang khác như Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương (tỉnh Bình Dương), An Viên Vĩnh Hằng (tỉnh Đồng Nai) giá cho một khu mộ phải tính từ hàng trăm triệu đến tiền tỷ.
Trong khi người dân loay hoay tự giải quyết bài toán chôn cất người thân thì đến nay các sở, ngành của TP.HCM vẫn đang triển khai Đề án quy hoạch nghĩa trang cho toàn thành phố.
THU HỒNG
Quỹ đất có, chỉ cần sắp xếp lại
Theo quyết định 24/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, trong đó có mục quy hoạch về nghĩa trang được bố trí như sau: Đất cho nghĩa trang phải đáp ứng nhu cầu thực tế với tỷ lệ chôn cất 60% (năm 2015) và 40% (năm 2025). Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng và đầu tư xây dựng các nhà hỏa táng tại các nghĩa trang xây dựng mới theo hướng công viên nghĩa trang.
Trong đó, sẽ cải tạo, nâng cấp ba nghĩa trang sẵn có gồm nghĩa trang Đa Phước diện tích 67,5ha, nghĩa trang Thành phố tại H.Củ Chi diện tích 105ha, nghĩa trang Liệt sĩ tại Q.9 diện tích 25ha. Ngoài ra sẽ xây mới bốn nghĩa trang gồm nghĩa trang Long Thạnh Mỹ tại Q.9 diện tích khoảng 6ha, nghĩa trang Đông Thạnh tại H.Hóc Môn diện tích 10ha, nghĩa trang Nhơn Đức tại H.Nhà Bè diện tích 50ha và thêm một nghĩa trang ở H.Củ Chi diện tích khoảng 100 ha.
Để cụ thể hóa quy hoạch này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được UBND TP.HCM giao hoàn tất Đề án quy hoạch nghĩa trang cho toàn TP.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc - cho biết: Sở này căn cứ theo quyết định 24 để quy hoạch các nghĩa trang trên địa bàn TP, về cơ bản quỹ đất đã có sẵn, chỉ cần sắp xếp lại cho ổn mà thôi. Hiện Sở Kế hoạch - Đầu tư đang đấu thầu chọn đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch trên, về phương án đầu tư sẽ kêu gọi xã hội hóa, khi xã hội hóa rồi, Nhà nước vẫn phải giám sát kỹ để nhà đầu tư không vì lợi nhuận mà làm trái hợp đồng, bởi đầu tư nghĩa trang có lợi nhuận rất cao. Tôi nghĩ không mất quá lâu để đề án đi vào thực tế.
Đây là đề xuất của ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trước thực tế nhiều sản phẩm quảng cáo hiện nay không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới người dùng.
Hội thi “Bàn tay vàng công nhân cấp nước TPHCM” do SAWACO thực hiện đã giúp người lao động có sân chơi luyện tay nghề và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.