PNO - Ngày 5/9 vừa qua, hàng chục triệu học sinh cả nước đã chính thức bước vào năm học mới. Thế nhưng, với không ít trẻ khiếm khuyết (tự kỷ, chậm phát triển, tăng động…), hành trình tìm cơ hội “chạm tay” vào cánh cửa trường học của các em gặp vô vàn gian nan.
Hôm 25/8, chỉ ba ngày sau khi con trai chính thức nhập học lớp Một, chị T.U. (ngụ Q.Tân Phú, TPHCM) được đại diện nhà trường mời vào để trao đổi riêng. Tại buổi làm việc, nhà trường đã “động viên” phụ huynh trả lại đồng phục, rút hồ sơ, chuyển con sang trường khác. Hôm ấy, người mẹ đã đứng trước cổng trường òa khóc. Đường đến trường của một đứa trẻ sao mà gian nan đến thế?
Chị T.U. kể, khi con trai chị là cháu M.P., hai tuổi, thấy cháu chậm phát triển, chưa biết nói nên chị đã đưa con đi khám bác sĩ. Lúc này, chị mới biết cháu mắc bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, cũng nhờ phát hiện sớm, gia đình chị T.U. thường xuyên đưa con đi điều trị nên bệnh tình của M.P. đã thuyên giảm rất nhiều. Bây giờ cháu có thể nghe, hiểu và trả lời những câu hỏi giao tiếp của người lớn. Sự phát triển dù là rất chậm chạp của cậu con trai cũng phần nào thắp lên hy vọng cho người mẹ trẻ. Chị luôn ao ước một ngày nào đó M.P. sẽ hòa nhập với bạn bè nên luôn quan tâm và tìm các liệu pháp để cải thiện tình trạng của con.
Từ đầu năm 2022, gia đình chị T.U. đã rất cân nhắc việc sẽ cho con vào lớp Một hay chậm lại một năm. Cuối cùng, được sự động viên của bạn bè, chị vẫn quyết định sẽ cho con mình đến trường đúng tuổi. Chị kể, thời điểm làm hồ sơ nhập học, gia đình đã lân la đến rất nhiều ngôi trường Q.11, Tân Phú, Tân Bình… để xin cho con đi học. Tuy nhiên, sau khi xem hồ sơ và thực hiện một bài kiểm tra ngắn đối với M.P., nhiều trường đã từ chối.
Khi M.P. được một trường tư thục ở Q.Tân Bình nhận vào học, gia đình chị T.U. rất vui mừng. Chị cho con đến trường theo hình thức “học thêm”, trước thời điểm nhập học một tháng để con được làm quen trường, dễ hòa nhập. Gia đình cũng đã mua đồng phục, sách vở theo yêu cầu của nhà trường. “Thế nhưng, hôm gọi tôi đến trường, thầy hiệu phó cho biết, dù lớp của cháu chưa tới 15 học sinh nhưng do M.P. hay quấy rối, đánh bạn nên cô chủ nhiệm không thể dạy được. Nhà trường trả lại các khoản tiền đã đóng, đề nghị tôi rút hồ sơ, tìm ngôi trường phù hợp hơn với cháu. Tôi đã đi cả chục trường rồi, giờ chẳng biết nơi nào sẽ nhận con mình”, chị T.U. tâm sự.
Chuyên viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (Q.3) đang kiểm tra, đánh giá trẻ hòa nhập - ẢNH: TTCC
Tương tự, với chị T.T.M.T. (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM), ngày đi làm thủ tục nhập học lớp Một cho con cũng là ngày chị giàn giụa nước mắt. Người mẹ kể, khi thấy trong hồ sơ có giấy xác nhận bị tự kỷ, nhà trường đã yêu cầu gia đình phải cam kết là nếu xảy ra những điều ngoài ý muốn, nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm. Bởi theo giải thích của nhà trường, lớp học rất đông nên giáo viên không thể dành sự chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ.
“Nghe nhà trường nói vậy, tôi vừa tủi thân vừa lo lắng, sau khi bàn với gia đình, tôi quyết định không ký giấy mà sẽ cho con mình đi học chậm một năm. Thực sự, gia đình rất lo không biết đến năm sau con có thể đi học hòa nhập hay không”, chị M.T. thở dài.
Phải thay đổi từ nhận thức
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (GDHN) cho người khuyết tật (Q.3, TPHCM) - nhận xét: Khó khăn của TPHCM là đa phần trường học quá tải, sĩ số đông. Cho nên, giáo viên rất áp lực nếu phải “ôm” thêm 1-2 học sinh hòa nhập và cũng khó có thể quan tâm, hỗ trợ đặc biệt cho các em.
Bên cạnh đó, nhiều trường học, giáo viên vẫn chưa nhận thức đúng về GDHN. Cần xác định trẻ học hòa nhập là theo khả năng và nhu cầu của trẻ, không thể lấy chương trình phổ thông và cách đánh giá của học sinh bình thường để đánh giá trẻ khuyết tật. Việc học văn hóa, kiến thức chỉ là một phần trong hòa nhập chứ không phải tất cả, mà thông qua việc đi học, trẻ còn học kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng khác để phát triển. Việc đánh giá trẻ khuyết tật phải trên tinh thần động viên, ghi nhận, dù trẻ tiến bộ ở bất kỳ mặt nào cũng là tín hiệu đáng mừng.
Nhiều thầy cô do không hiểu nên nghĩ trẻ đến trường cũng không học được gì, không bằng các bạn. Không ít học sinh hòa nhập bị bạn bè xa lánh, cô lập. Thậm chí có phụ huynh không muốn con em mình học cùng lớp với trẻ hòa nhập vì sợ bị ảnh hưởng. Điều này đã khiến con đường hòa nhập của trẻ khiếm khuyết vốn không dễ dàng lại càng trở nên gian nan. Do đó, nhà trường và giáo viên cần thay đổi nhận thức, đồng thời chủ động làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh, học sinh để thấu hiểu, mở lòng và sẻ chia với trẻ hòa nhập.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, quy định về GDHN là nhà trường không bắt trẻ thay đổi, mà chính hệ thống giáo dục phải thay đổi, giáo viên phải điều chỉnh nội dung, phương pháp và cách đánh giá học tập phù hợp với từng trẻ. Hiệu trưởng nhà trường xây dựng chương trình giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật và được quyền giảm bớt hoặc thay thế nội dung học phù hợp... Nếu thực hiện hiệu quả, trẻ hòa nhập dễ dàng hơn, còn nhà trường, thầy cô cũng không quá áp lực trong việc tiếp nhận các em.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - nguyên Trưởng bộ môn giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng: Hiện nay, giáo viên chỉ được đào tạo 2 tín chỉ (30 tiết) về GDHN nên chỉ nắm chung chung, chứ không đủ chuyên môn, kỹ năng dạy cho trẻ khiếm khuyết. Đối với giáo viên mầm non không được đào tạo chuyên sâu về phát hiện và can thiệp sớm, trong khi đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi lứa tuổi mầm non là giai đoạn “vàng” để phát hiện và can thiệp sớm các khiếm khuyết của trẻ. Chính vì không có chuyên môn nên nhiều trường, nhiều giáo viên e ngại trong tiếp nhận trẻ hòa nhập.
Do đó, muốn làm tốt công tác GDHN, trước hết phải bắt đầu từ đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường có học sinh hòa nhập. Bên cạnh đó, cần có chính sách, chế độ tương xứng cho giáo viên dạy học sinh hòa nhập.
Cần làm tốt công tác phát hiện và can thiệp sớm
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, hiện thành phố có hơn 5.600 học sinh hòa nhập tại 685 trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Ông Nguyễn Thanh Tâm góp ý, để công tác GDHN thực sự hiệu quả, nhà trường, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn để kiểm tra, phát hiện và can thiệp sớm đối với các trẻ có dấu hiệu khiếm khuyết. Đội ngũ chuyên môn sẽ đánh giá được độ tuổi phát triển thực sự của trẻ, IQ của trẻ, những khó khăn các em gặp phải...
Hằng năm, Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN cho người khuyết tật tiếp nhận khoảng 1.200 trường hợp gặp khó khăn trong học tập (thuộc các dạng khuyết tật trí tuệ, khuyết tật học tập) từ các trường gửi đến. Trên cơ sở kiểm tra, phát hiện và sàng lọc, trung tâm trả kết quả để nhà trường điều chỉnh, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, hỗ trợ các em trong học tập. Ngoài ra, mỗi năm trung tâm cũng tiếp nhận can thiệp trực tiếp đối với khoảng 200-250 em đang theo học các lớp mầm non, tiểu học.
Giáo viên không giúp được gì nhiều dù rất muốn
Cô giáo Bích Hạnh (ở Q.Tân Phú) cho biết, 12 năm dạy tiểu học, cô đã làm chủ nhiệm của ít nhất bốn học sinh được xác định là khiếm khuyết do tự kỷ, tăng động, chậm phát triển. Theo cô, ở trường, các giáo viên sẽ dành cho các em học sinh này sự quan tâm đặc biệt nhưng các em vẫn thường lạc lõng, khó hòa nhập. Nguyên nhân là học sinh trong một lớp khá đông, hơn nữa, giáo viên ở tiểu học cũng ít kỹ năng trong việc tiếp cận, chăm sóc, dạy dỗ trẻ khiếm khuyết.
“Nếu dạy lớp có em bị tăng động hay tự kỷ, giờ ra chơi tôi phải theo rất sát vì sợ em sẽ đánh hay quấy rối các bạn khác. Cũng có một số em hiền lành hơn, ra chơi chỉ thường đến ghế đá nằm một mình hay tìm một góc nào đó ngồi. Thấy như vậy chúng tôi rất thương nhưng cũng gần như bất lực, chẳng giúp gì được nhiều”, cô tâm sự.