Gian nan đòi tiền cấp dưỡng giữa mùa dịch

27/12/2021 - 12:08

PNO - Sau khi ly hôn, hầu hết các món tiền cấp dưỡng nuôi con bỗng biến thành... nợ khó đòi. Đặc biệt khi người cha có lý do thu nhập giảm vì dịch giã.

Chị Ngọc (Q.8, TPHCM) có hai đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Ngày chia tay chồng cũ, tòa giao chị được nuôi hai con và chồng cũ của chị phải chu cấp 2 triệu đồng mỗi tháng cho 2 đứa trẻ đến năm 18 tuổi.

Mức 2 triệu đồng cho 2 đứa trẻ là con số quá thấp, không thể nuôi con ở vùng nông thôn chứ đừng nói đến ở TPHCM. Chị đồng ý, vì với chị được nuôi con mới là điều quan trọng và với số tiền khiêm tốn đó, chắc anh sẽ chủ động gửi tiền phụ chị nuôi lũ trẻ.

Không phải người đàn ông nào cũng sẵn sàng chi tiền cho con sau ly hôn (Ảnh minh hoạ)
Không phải người đàn ông nào cũng sẵn sàng chi tiền cho con sau ly hôn (Ảnh minh họa)

Nhưng cuộc đời nào có ai biết trước được chữ ngờ. Nếu biết trước chị đã không bao giờ lấy anh, càng không bao giờ muốn con có một người cha vô trách nhiệm đến vậy.

Thời gian đầu anh có chu cấp, song gửi tiền rất muộn, anh cứ thích dồn đến khi nào đó hứng lên "thích thì chuyển", mặc dù biết chị khó khăn. Chưa kể, anh còn bần tiện khi tính toán đến cùng với vợ cũ: trừ mỗi tháng 100 ngàn đồng quản lý phí căn nhà đang tranh chấp mà chị không còn ở nữa.

Biết anh keo kiệt từ ngày còn sống chung, cũng vì cái tính “đếm củ dưa, so củ hành” của anh mà chị đã chán ngán, nên chị không màng đến việc anh trả đủ hay thiếu, nhanh hay chậm, miễn thỉnh thoảng anh gửi chút tiền để chị xoay xở, mua thêm sữa hay quần áo mới cho con.

Anh có cách tính toán và suy nghĩ rất lạ đời. Anh cho rằng khi nhận nuôi con thì trách nhiệm thuộc về mẹ, nhắm nuôi được thì nuôi. Anh lý giải rằng, vì anh đang sống cùng với người phụ nữ khác, cũng có con riêng, làm sao có thể nuôi thêm con chị, dẫu chỉ một đứa. Hơn nữa, anh cho rằng con là con chung nên mỗi người mỗi chịu nửa trách nhiệm. Với 2 triệu đồng phần anh, chị phải góp vào 2 triệu nữa là 4 triệu, 4 triệu đồng cộng gộp đó thì đủ để nuôi 2 đứa con.

Anh cố tình không gặp con, không thăm hỏi, nên anh không biết 4 triệu đó còn không đủ các chi phí học hành, chứ đừng nói chi ăn uống, quần áo hay những hôm con ốm vặt.

Mấy tháng dịch bệnh anh không gửi đồng nào phụ nuôi con, chị nghĩ chắc anh cũng khó khăn nên không hỏi. Cho đến khi một người bạn gửi cho tấm hình cô người yêu của anh khoe được anh dẫn ăn nhà hàng, cho tiền, tặng hoa hôm sinh nhật, thì chị thấy chua chát và xót xa. Chị đến cơ quan Thi hành án Q.8 làm đơn xin thi hành án. Từ đó anh mới đưa đủ 2 triệu đồng một tháng mà không chậm ngày nào. Bởi chỉ cần gửi chậm thì số tiền đó sẽ tính ngay lãi suất.

Chuyện của chị Minh (Q.5) lại mang màu sắc khác. Chị vốn là giáo viên mầm non, có thể chăm sóc được bé Duyên một mình mà không cần tiền cấp dưỡng. Anh Nam chồng chị là một nhà thầu xây dựng và cũng dư tiền để không chấp nhặt vài đồng với con. Thế rồi dịch COVID-19 xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ.

Con cái vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi sau khi ba mẹ ly hôn (Ảnh minh hoạ)
Con cái chịu nhiều thiệt thòi sau khi ba mẹ ly hôn (Ảnh minh hoạ)

Chị Minh ở nhà trọ với bé Duyên và công việc ở trường mầm non đã bắt đầu bấp bênh. Chủ trường cũng buộc phải cho nhiều giáo viên nghỉ việc lúc giãn cách xã hội toàn thành phố. Cảm thấy lo lắng và bất an trước tương lai quá nhiều biến động, chị chủ động xin nghỉ việc và về quê sống với ông bà ngoại.

Từ lúc mẹ con chị về quê, chồng chị không được gặp bé Duyên thường xuyên nữa. Anh viện cớ dịch bệnh cho nên không gửi tiền nuôi dưỡng. Lúc đầu, chị cũng như chị Ngọc, nghĩ rằng vì dịch bệnh nên anh khó khăn, nên đành nín nhịn.

Việc chuyển nhà làm chị mất một khoản trong tiền tiết kiệm. Chị về quê dù không phải lo tiền nhà, tiền ăn nhưng cũng không có thu nhập thành ra tiền để tiêu dùng không có, trong khi con chị có rất nhiều thứ cần tiền như sữa, quần áo, tiền khám bệnh…

Chị Minh khó hơn chị Ngọc ở chỗ, chồng chị có thu nhập bấp bênh chứ không cố định như chồng chị Ngọc. Thêm nữa, đường xá xa xôi nên chị không lên cơ quan Thi hành án quận 5 để yêu cầu anh thực hiện việc cấp dưỡng được. Chồng chị biết vậy nên cũng ngừng luôn việc chu cấp, cho rằng đến khi nào anh có thể thường xuyên tới lui thăm nom bé Duyên thì mới tính tiếp.

Có một thực tế, sau khi ly hôn đàn ông ít gánh nặng hơn phụ nữ. Các chị thường chọn nuôi con và trách nhiệm lo cho con đổ dồn về người mẹ, còn người bố chỉ trông vào sự tự giác mà thiếu sự chế tài, cưỡng chế của pháp luật. Nếu người bố có việc làm cố định, không đóng tiền cấp dưỡng cũng chỉ bị cưỡng chế ở mức thấp, mà trên thực tế có thể không đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của con.

Kim Khuê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI