Gian nan đi đòi bảo hiểm sức khỏe

11/07/2018 - 07:01

PNO - Khi mua bảo hiểm sức khỏe nhiều trường hợp khách hàng cứ ký hợp đồng mà không coi kỹ vì thường hợp đồng rất dày, câu chữ trúc trắc, khó có thể hiểu rõ.

Tới lúc đau ốm, cần dùng tới thì mới biết lấy được tiền bảo hiểm cũng trầy vi chóc vảy, nhiều khi bị hành quá đành... bỏ luôn.

Chị P.T.V., 35 tuổi, ngụ tại Q.2, TP.HCM, mua bảo hiểm sức khỏe cho mẹ ruột 58 tuổi ở Thái Bình. Chị nói rõ mẹ mình bị bệnh tiểu đường và hỏi nhân viên bán bảo hiểm tên L. rằng, trường hợp của bà có mua được không. Chị V. rất mừng vì L. trả lời chắc như đinh đóng cột: “em bán hoài”.

Gian nan di doi bao hiem suc khoe
Dù biết rõ nhưng khi làm hồ sơ cô nhân viên bán bảo hiểm vẫn cố tình không khai tình trạng mẹ chị V. bị bệnh tiểu đường - Ảnh: Thanh Huyền

Chị chọn mức phí mỗi năm đóng 3,3 triệu đồng, mẹ chị sẽ thụ hưởng tối đa 2 triệu đồng/ngày nằm viện và 1,2 triệu đồng/lần khám bệnh (tổng mức chi không quá 40 triệu đồng/năm). Tuy nhiên, khi làm xong hồ sơ, nhận thẻ qua đường bưu điện, chị V. gọi hỏi lại cho chắc rằng, L. có khai rõ bà bị tiểu đường không, lúc này cô nhân viên trả lời tỉnh queo: “Không chị ơi, khai là công ty không bán luôn đó. Chị yên tâm không sao đâu, em bán hoài”.

Ngay từ đầu chị V. đã bị cô nhân viên gài để bán được bảo hiểm bằng mọi cách dù biết rõ mẹ chị bị tiểu đường. Đương nhiên sau này khi mẹ chị V. bệnh tật, dùng tới tấm thẻ bảo hiểm sức khỏe con gái mua tặng sẽ khó mà lấy được tiền bồi thường bởi công ty sẽ vin vào cớ có bệnh nhưng không khai báo.

Trường hợp khác là một Mạnh Thường Quân chuyên cùng bệnh viện hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo là chị N.T.X., ngụ tại Q.6. Chị X. mua bảo hiểm sức khỏe của công ty P. cho chồng, tái ký được hai lần, mức phí phải đóng khoảng 5 triệu đồng/năm. Đột nhiên, chồng chị X. phát bệnh ung thư phổi, nhập viện và qua đời không lâu sau đó. Lúc này, chị yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán thì bị từ chối với lý do trong hợp đồng ghi rõ loại trừ bệnh có sẵn. Ung thư được coi là bệnh có sẵn nên chồng chị X. không được bồi thường gì cả.

Chị X. mếu máo chia sẻ: “Bệnh tật ập xuống quá bất ngờ, làm sao biết được chồng sẽ bị ung thư, vậy mà bảo hiểm dùng câu chữ trong hợp đồng để gài khách hàng, nếu họ cố tình bắt bẻ theo kiểu đó thì đương nhiên khách hàng bao giờ cũng là người chịu thiệt. Quyển hợp đồng thì do phía bảo hiểm soạn sẵn, dày cộm, có đọc cũng chẳng hiểu gì, khi mua bảo hiểm hoàn toàn dựa vào nhân viên tư vấn”.

Gian nan di doi bao hiem suc khoe

Ông Lê Minh Hiển - Trưởng phòng công tác xã hội của một bệnh viện đầu ngành tại Q.5 - chứng kiến không ít bệnh nhân bị công ty bán bảo hiểm hành khi họ yêu cầu bồi thường; vẫn có những trường hợp lấy được tiền nhưng trầy vi chóc vảy, nhiều người nản quá nên bỏ.

Ông Hiển kể trường hợp người thân của anh K. nằm viện điều trị gần một tuần. Theo yêu cầu của công ty bảo hiểm, anh phải quay lại xin giấy chỉ định xét nghiệm máu bản chính thì mới bổ sung đủ hồ sơ để được thanh toán tiền. Ông Hiển nhận xét: “Tôi nghe là thấy khó rồi, ví dụ, yêu cầu bệnh viện cung cấp biên lai viện phí thì được, còn giấy chỉ định xét nghiệm thuộc về hồ sơ bệnh án, mà hồ sơ bệnh án thì không cung cấp ra ngoài được”. 

Không thể phủ nhận được những lợi ích của bảo hiểm sức khỏe. Bên cạnh bảo hiểm y tế, nếu có điều kiện mọi người nên mua bảo hiểm sức khỏe để bản thân và gia đình được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Tuy nhiên, ông Lê Minh Hiển lưu ý khi mua bảo hiểm sức khỏe:

- Đừng chỉ quan tâm tới quyền lợi mình được thụ hưởng mà hãy đọc kỹ những hạn chế mình không được hưởng.

- Nếu có thể, trước khi ký hợp đồng, yêu cầu phía bán bảo hiểm đính thêm phụ lục ghi rõ những loại giấy tờ, thủ tục cần bổ sung hồ sơ lúc yêu cầu thanh toán tiền là gì, bao nhiêu lâu nhận được tiền.

- Tốt nhất nên làm việc trực tiếp và tự điền hồ sơ, phòng trường hợp nhân viên tư vấn muốn bán được bảo hiểm nên khi điền hồ sơ đã cố tình giấu những thông tin về tình trạng sức khỏe của khách hàng. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI