Hậu trường làm sách: 1.001 chuyện chưa kể

Gian nan cuộc "săn" bản quyền

15/07/2021 - 07:17

PNO - Một cuốn sách được ra đời, đẹp đẽ trọn vẹn trên tay bạn đọc nhưng phía sau đó có khi là cả hành trình dài của những người làm sách. Có những thành công nhưng cũng có những thất bại.

LTS: Một cuốn sách đến tay bạn đọc có thể là cả một hành trình dài của những người làm sách trong cuộc tìm kiếm bản thảo, thương thuyết bản quyền. Những cuộc “đấu giá” căng thẳng, phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài; có khi mất hàng năm ròng để thuyết phục tác giả đồng ý in sách, rồi bị “phỗng tay trên” đối với tác phẩm ăn khách… Thậm chí, có những cuốn sách mà bản thảo gốc lưu lạc trăm năm từ nửa vòng trái đất, cuộc tìm kiếm để mang được những giá trị trở về với độc giả hôm nay là cả một hành trình không hề dễ dàng. Đằng sau những cuốn sách, là 1.001 những chuyện chưa kể của người làm sách… 

Nhiều nhà làm sách dùng cụm từ “phải nỗ lực rất lớn mới có thể có được bản quyền” khi nói về những tựa sách ăn khách ở nước ngoài, hoặc bản thảo của những tên tuổi “hot” trong nước. Không ít lần ba, bốn đơn vị cùng muốn khai thác một bản thảo, phải tham gia mấy vòng đấu giá cạnh tranh mới có thể giành được quyền chuyển ngữ, phát hành tác phẩm. Hoặc phải đứng trước “nguy cơ” đơn vị bạn lôi kéo tác giả ăn khách. Cuộc “săn” bản quyền luôn gay gắt phía sau những cuốn sách best-seller.

Những tựa sách mà nhà làm sách phải đấu giá, thương thuyết, theo đuổi đến cùng mới giành được quyền xuất bản
Những tựa sách mà nhà làm sách phải đấu giá, thương thuyết, theo đuổi đến cùng mới giành được quyền xuất bản

Cạnh tranh đến cùng

Khi cuốn sách Cuộc Duy Tân Minh Trị (1858-1881) - Một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử vừa về từ nhà in, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - thở phào nhẹ nhõm và chia sẻ ngay trên trang cá nhân: “Tác phẩm thương thảo trong cả năm COVID-19 mới ký xong hợp đồng”. Cuốn sách của tác giả Banno Junji - Ohno Ken-ichi, dịch giả và chú giải là giáo sư - tiến sĩ Đặng Lương Mô. Không riêng Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, cùng thời điểm, phía đối tác Nhật Bản cũng nhận được lời đề nghị mua bản quyền từ một đơn vị xuất bản khác ở Việt Nam.

“Cuộc thương thuyết bản quyền cuốn sách này khá gian nan, mất khoảng hơn một năm mới thỏa thuận xong hợp đồng. Ngoài những yêu cầu khắt khe về giá bản quyền, đối tác cũng yêu cầu chi tiết về thời gian phải in ấn, phát hành, rồi bản quyền hình ảnh, bản quyền bìa, thời hạn hợp đồng, quảng cáo, báo cáo doanh thu, bảo mật…” - chị Vũ Yến, người trực tiếp thương thuyết bản quyền cuốn sách, cho biết.

Chỉ riêng việc phải đáp ứng được tất cả yêu cầu của đối tác nước ngoài đã là rất khó khăn, thêm việc phải cạnh tranh với các đơn vị làm sách trong nước khác càng là áp lực lớn. Phải nói là Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã nỗ lực, kiên quyết đấu tranh đến cùng để có thể giành được quyền in cuốn sách giá trị này. 

 

Nhà xuất bản Kim Đồng cũng từng phải trải qua ba vòng đấu giá căng thẳng với ba đơn vị xuất bản trong nước để giành được bản quyền khai thác bộ truyện tranh đình đám toàn cầu: Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính (tựa tiếng Anh: Good Night Stories for Rebel Girls). “Cuối cùng chúng tôi giành được bản quyền khai thác nhờ đưa ra mức giá cạnh tranh hơn hẳn, cùng cam kết đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe khác của chủ sở hữu bản quyền. Không chỉ bộ truyện trên, Nhà xuất bản Kim Đồng từng phải cạnh tranh với ba, bốn đơn vị khác để “chiến thắng” trong các cuộc đấu giá bản quyền với những cuốn sách như: Sống như những cái cây, Kết nối yêu thương, Đồi gai, Vật chất tối của ngài, Grimgar - Ảo ảnh và tro tàn…” - bà Phan Thanh Lan, cán bộ phòng Bản quyền, Nhà xuất bản Kim Đồng, kể lại.

Những tựa sách “hot” luôn là “đối tượng” cạnh tranh của các nhà làm sách. Thậm chí ngay cả khi đã đàm phán được đến giai đoạn thương thảo hợp đồng, thì nhà xuất bản vẫn có thể “trắng tay” nếu như có một đơn vị khác trả giá bản quyền cao hơn và nhanh tay “chốt” trước.

“Đó cũng là tín hiệu tốt cho thấy sự phát triển lành mạnh của thị trường. Cạnh tranh buộc các đơn vị xuất bản phải chứng minh được năng lực xuất bản, khả năng tiếp cận thị trường, phải luôn tự hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn để có thể thuyết phục được đối tác. Cạnh tranh cũng là cơ hội để các đơn vị nhìn lại định hướng/bản sắc thương hiệu của mình” - bà Trần Hoài Phương, Giám đốc sản xuất, Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam, chia sẻ.

Nhưng cũng có những cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm đau đầu người làm sách. Như một trường hợp mà Chibooks chia sẻ: đơn vị đã cất công đầu tư chăm chút bản thảo từ khi tác giả chưa được nhiều người biết đến. Ngay khi tác phẩm có được một giải thưởng, trở nên nổi tiếng thì đơn vị khác lập tức lôi kéo, dụ dỗ tác giả in sách với những lời hứa hẹn về phần trăm nhuận bút cao hơn, nhiều chính sách tốt hơn…

“Săn” bản thảo trong nước

Các đơn vị thường in sách theo hai hình thức: kế hoạch A tức là in sách và trả tác quyền cho tác giả, kế hoạch B là tác giả trả tiền cho nhà xuất bản để in sách. Với các sách thuộc kế hoạch B, nhà xuất bản chỉ có nhiệm vụ là thẩm định nội dung bản thảo, cấp phép in hoặc đảm nhiệm luôn khâu thiết kế, in ấn cho tác giả. Riêng kế hoạch A, sẽ dễ dàng hơn trong trường hợp tác giả tự nguyện gửi bản thảo, hợp tác với nhà xuất bản. Nhưng cũng có không ít trường hợp, chính nhà làm sách phải tự tìm kiếm nguồn bản thảo hay, thậm chí có thể mất vài năm ròng chỉ để thuyết phục tác giả đồng ý cho xuất bản sách. 

Mới đây nhất là trường hợp bộ sách Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to, viết về vấn đề tâm lý - tình dục rất duyên dáng của bác sĩ Nguyễn Lan Hải. Bà Dương Ngọc Hân - Tổng Biên tập Saigon Books - tâm tình, để in được bộ sách này, đơn vị mất gần… sáu năm thuyết phục mới nhận được sự đồng ý của tác giả.

“Bác sĩ Nguyễn Lan Hải viết rất nhiều, viết rất tốt trên Facebook nhưng lại không thích ra sách. Tôi biết bộ sách này nếu được in ra sẽ rất có ý nghĩa, giúp ích cho cộng đồng rất nhiều, nên vẫn kiên nhẫn thuyết phục tác giả hiểu được ý nghĩa của việc làm sách. Bộ sách này hiện đã phát hành được ba tựa, ba tựa còn lại đang hoàn thiện” - bà Dương Ngọc Hân cho biết.

Đau đầu tìm dịch giả

Không chỉ vất vả ở khâu “săn” bản quyền, đôi khi điều khiến các nhà làm sách đau đầu chính là tìm được dịch giả phù hợp. Người dịch không chỉ phải giỏi ngoại ngữ mà còn cần phải giỏi về chuyên môn, lĩnh vực mà cuốn sách đó đề cập. Để làm sao chuyển ngữ một cách dễ hiểu mà vẫn giữ được linh hồn của bản gốc.

Đại diện một nhà xuất bản tâm sự, có những tác phẩm đã mua được bản quyền nhưng lại không tìm ra người dịch, thậm chí thử đến 10 người vẫn không được. Hoặc dịch quá tệ, hoặc sai kiến thức và cuối cùng bản dịch không thể sử dụng.

Nếu không xuất bản được theo đúng hạn trong hợp đồng, nhà xuất bản phải nộp phạt cho phía đối tác, thậm chí có thể bị thu hồi bản quyền và mất toàn bộ số tiền đã đặt cọc. 

Một cuốn sách được ra đời, đẹp đẽ trọn vẹn trên tay bạn đọc nhưng phía sau đó có khi là cả hành trình dài của những người làm sách. Có những thành công nhưng cũng có những thất bại. “Có một tác giả rất “hot”, trang cá nhân có hàng trăm ngàn người theo dõi, cũng từng có sách bán chạy trước đó. Bản thảo gửi về cho chúng tôi khá hay, nhưng lại theo kiểu giả khoa học, nghĩa là không có dẫn nguồn. Tôi biên tập lại, chú thích nguồn đầy đủ thì tác giả phản ứng. Cho rằng làm như thế thì rườm rà, độc giả không thích. Cuối cùng chúng tôi không in được, sau đó một đơn vị khác nhận in” - bà Dương Ngọc Hân nói thêm. Nhiều tác giả nổi tiếng đôi khi đặt ngược lại những yêu cầu khắt khe với đơn vị làm sách: không được cắt sửa nội dung, can thiệp vào cả phần kỹ thuật dàn trang, yêu cầu số lượng bản in, kế hoạch truyền thông phải như thế nào…

“Mệt mỏi nhất là với những bản thảo của tác giả đã mất và có… nhiều dòng con. Người con này ký hợp đồng với nhà này, còn người con khác lại mang bản thảo gửi ở nhà khác. Hoặc có tác giả đã ký hợp đồng với nhà xuất bản này, sách vẫn đang phát hành và chưa hết thời hạn hợp đồng, thì lại ký tiếp với đơn vị khác. Khi các bên biết ra thì mọi sự đã rồi” - một nhà làm sách nói.

Nhưng những vấn đề rắc rồi này cũng thường được du di bằng sự thông cảm và tình cảm. Nói như tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ: “Việc cạnh tranh nhau trong khai thác bản quyền có những vấn đề rất đau đầu, nhưng quá trình làm việc cho tôi một bài học rất rõ ràng, ứng xử của mình như thế nào thì sẽ nhận được kết quả như thế đó”. Nhà xuất bản Trẻ cũng từng phải đối diện với việc sách đơn vị mình mua bản quyền, đầu tư phát hành, truyền thông… đến khi best-seller thì hai, ba đơn vị khác tự ý in lại, vi phạm bản quyền. 

Lê Mậu Lâm - Lục Diệp

Bài 2: Làm sách trong đại dịch

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI