PNO - Thành lập từ năm 1879, các vở diễn của đoàn ca kịch thống nhất Quảng - Triều luôn là món ăn tinh thần đặc biệt cho đồng bào người Hoa tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Thế nhưng việc thiếu dần khán giả, không có lực lượng kế thừa đang là khó khăn lớn trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này.
Đoàn ca kịch thống nhất Quảng - Triều được thành lập trên cơ sở hợp nhất đoàn ca kịch Quảng Đông và đoàn ca kịch Triều Châu - 2 đoàn ca kịch có truyền thống lâu đời trong cộng đồng người Hoa tại TPHCM. Nhiều năm qua, những vở tuồng cổ như: Khuất Nguyên, Phụng Nghi Đình, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thất tiên nữ, Quách Tử Nghi chúc thọ… và cả những tuồng chuyển thể từ cải lương sang, như: Lôi vũ, Câu thơ yên ngựa, Tấm Cám, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu… của đoàn đã được đồng bào người Hoa tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam đặc biệt yêu thích. 2 vở diễn mới nhất của đoàn là vở tuồng cổ Quảng Đông Liễu nghệ truyền thư và vở tuồng cổ Triều Châu Hoa Mộc Lan vừa được đoàn trình diễn.
Trong vở Hoa Mộc Lan, phần lớn các vai nam đều do nữ nghệ sĩ đảm nhận. Một số người phải đóng 2, 3 vai cùng lúc vì thiếu diễn viên
Bà Trương Tứ Muối - Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM - cho biết, 2 vở diễn này được dàn dựng lần này nhằm chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu TPHCM, dự kiến tổ chức vào tháng 4/2024. “Đoàn đã diễn trước 2 suất để người trong nghề, khán giả xem nhằm đánh giá, góp ý giúp các nghệ sĩ hoàn thiện tác phẩm, sẵn sàng cho hội diễn sang năm. Đây là dịp rất ý nghĩa khi đánh dấu sự trở lại của đoàn ca kịch thống nhất Quảng - Triều ở một liên hoan sân khấu sau 22 năm” - bà Trương Tứ Muối chia sẻ.
Bà Trần Ánh Thư - Trưởng đoàn ca kịch thống nhất Quảng - Triều - cho biết các nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện hơn 1 tháng qua. Trong đó, vở Triều kịch Hoa Mộc Lan, tuy là phục dựng nhưng cũng gần như dựng mới hoàn toàn khi đổi mới toàn bộ cảnh trí, phục trang và nhất là thay đổi các vai diễn do một số nghệ sĩ đã mất sau dịch COVID-19, trong đó có trụ cột của đoàn là Nghệ sĩ ưu tú Lâm Bửu Sang. “Lâu lắm rồi, ca kịch Quảng - Triều không có cơ hội tham gia các liên hoan sân khấu. Đây là điều rất thiệt thòi cho những nghệ sĩ bao năm cống hiến nhưng lại không có huy chương để xét danh hiệu. Lần này, các nghệ sĩ phấn khởi lắm” - bà Trần Ánh Thư nói.
Bài toán bảo tồn
Bà Trần Ánh Thư cho biết, hằng năm, ngoài các suất diễn phục vụ đồng bào tại các dịp lễ hội như tết Nguyên tiêu, vía bà Thiên Hậu… đoàn còn được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM hỗ trợ khoảng 20 suất diễn. “Chi phí không nhiều, chỉ gói ghém, nhưng cũng là nguồn động viên cho anh chị em nghệ sĩ bám trụ với nghề. Với nhiều người, được hát phục vụ khán giả đã vui rồi” - bà Ánh Thư chia sẻ.
Cảnh trong vở Triều kịch Hoa Mộc Lan – các nữ Triều kịch đều đóng tốt vai đào lẫn kép.
Thực tế ít người biết là biểu diễn gần như chỉ là nghề tay trái đối với các nghệ sĩ trong đoàn. Hằng ngày, mỗi người phải tất bật mưu sinh bằng đủ thứ nghề: bán nhang, bán quần áo, làm công nhân, chạy xe ôm… Vì thế, đoàn hầu như chỉ có thể tranh thủ tập vào ban đêm. Có những dự án đặc biệt, được thành phố đầu tư, các nghệ sĩ phải đeo bám sàn tập từ 19g30 đến hơn 23g, suốt 3-4 tháng ròng.
Vấn đề nan giải hiện nay của đoàn là các nghệ sĩ đều đã lớn tuổi. Theo bà Trần Ánh Thư, người trẻ nhất cũng đã sắp 40 tuổi, với khoảng 20 năm lăn lộn trong nghề. Có đợt, đoàn đăng báo tìm người học nghề, chỉ 1 học viên đăng ký rồi sau đó cũng nhanh chóng rời đi.
“COVID-19 lại cướp mất của đoàn 5 người, có cả nghệ sĩ gạo cội lẫn triển vọng. Tình hình khó càng thêm khó. Giờ nhắc đến vấn đề bảo tồn, thực sự rất đau đầu. Các hội quán có thể tài trợ tài chính, nhưng lại không tìm ra được người học nghề” - bà Trương Tứ Muối cho biết.
Cũng như nghệ sĩ, khán giả của đoàn cũng ngày một già đi, khán giả trẻ ngày càng thưa vắng. “Tụi nhỏ giờ không thích coi tuồng cổ, nhiều khi nghe mà không hiểu được nữa rồi” - bà Mã Dục Anh - khán giả đến xem vở Hoa Mộc Lan - nói. Đi quãng đường khá xa từ trung tâm quận 1 đến rạp Hồng Liên (Trung tâm Văn hóa Hậu Giang, quận 6) để xem tuồng, ngoài niềm đam mê, bà Mã Dục Anh còn đến ủng hộ cô con gái là Trần Mỹ Linh - nhạc công của đoàn. Theo mẹ xem hát từ nhỏ, Mỹ Linh đam mê hồi nào không hay và tự học đàn, đã tham gia lớp đào tạo và trở thành nhạc công của đoàn 2 năm nay.
Tuy nhiên, đây vẫn là trường hợp cá biệt và ca kịch Quảng - Triều vẫn phải đối mặt nguy cơ mai một khi thưa vắng dần khán giả lẫn thiếu nhân lực kế thừa. “Hiện tại, hát Quảng vẫn thu hút khán giả nhiều hơn. Ở Việt Nam mình, người Hoa sử dụng tiếng Quảng nhiều. Các nhóm người Hoa khác, kể cả người Tiều, thường nghe được tiếng Quảng. Nhưng ngược lại, chỉ người Tiều mới nghe được ca kịch Triều Châu, còn người Quảng hay nhóm khác lại ít nghe hiểu được. Cho nên, nhóm Triều kịch trong đoàn càng khó khăn hơn, việc bảo tồn càng gian nan hơn, dù chất lượng nghệ thuật được đánh giá cao” - bà Trương Tứ Muối chia sẻ.