Gian nan bảo vệ cây sa mu giữa đại ngàn

22/02/2024 - 06:14

PNO - Là loài thực vật quý hiếm, nhiều công dụng, sa mu dầu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng...

Là loài thực vật quý hiếm, nhiều công dụng, sa mu dầu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do thường bị các đối tượng phá rừng “dòm ngó” trong khi khả năng tái sinh rất thấp.

Những cây sa mu dầu hàng trăm năm tuổi sừng sững dọc biên giới Việt - Lào - ẢNH: VĂN SINH
Những cây sa mu dầu hàng trăm năm tuổi sừng sững dọc biên giới Việt - Lào - ẢNH: VĂN SINH

Sa mu dầu nằm trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và số lượng không còn nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 1996, các nhà lâm nghiệp tình cờ phát hiện cây sa mu dầu có mặt ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sau đó, hàng ngàn cây sa mu có tuổi đời hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi được phát hiện dọc tuyến biên giới Việt - Lào, từ huyện Quế Phong sang các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Tuy nhiên, số lượng sa mu dầu ở huyện Kỳ Sơn hiện gần như đã bị xóa sổ.

Từ hàng trăm năm trước, sa mu dầu được đồng bào người H’mông ở Nghệ An dùng làm tấm lợp nhà. Ông Hà Văn Hùng - 71 tuổi, trú xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong - cho biết, gỗ sa mu có nhiều tinh dầu, lại rất bền nên người dân dùng để lợp nhà. Gỗ có mùi thơm giúp xua đuổi côn trùng. Trời nắng nóng, các tấm gỗ sa mu cong vênh, tạo khe hở thoáng mát, còn trời mưa thì gỗ tự khít lại nên che mưa rất tốt. Để có những tấm gỗ sa mu lợp nhà, người dân rủ nhau lên vùng biên giới giáp Lào để đốn gỗ, cắt khúc 60 - 80cm, chẻ thành tấm rồi gùi về phơi khô. Giờ đây, để bảo vệ những mái gỗ sa mu, nhiều người đã đưa nó xuống làm trần, hoặc dùng tôn lợp lên mái gỗ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) - thông tin, gỗ sa mu nhẹ nhưng rất bền, không bị mối mọt, có vân, màu sắc đẹp và có mùi thơm rất đặc trưng, được giới chuyên đồ gỗ săn lùng để làm đồ thủ công mỹ nghệ. “Gỗ sa mu có chất phitoxit, có tác dụng kháng khuẩn, thanh lọc không khí, rất tốt cho tim mạch” - ông Sinh lý giải cho câu hỏi “vì đâu gỗ sa mu ngày càng được ưa chuộng, săn lùng”.

Ước tính Nghệ An chỉ còn khoảng vài ngàn cây sa mu cổ thụ. Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) - cho biết, cây sa mu lớn nhất Việt Nam nằm trong vườn quốc gia Pù Mát, có đường kính thân hơn 5,5m, cao hơn 70m, được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Sa mu phân bổ chủ yếu ở các khu rừng nguyên sinh có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển dọc biên giới Việt - Lào, đường đi khó khăn nên công tác tuần tra, bảo vệ gặp nhiều trở ngại. Cũng theo ông Sinh, khả năng tái sinh trong rừng tự nhiên của cây sa mu cũng hạn chế, chúng cần ánh sáng rất cao nên dưới tán rừng rất ít xuất hiện cây sa mu tái sinh. Đây cũng là một thách thức lớn trong công tác bảo tồn loài cây quý hiếm này.

Ông Lê Hải Âu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - nói rằng, chính vì sở hữu những đặc tính hiếm có nên sa mu dầu luôn bị các đối tượng chặt phá rừng nhòm ngó. Do lượng lượng kiểm lâm quá mỏng, diện tích rừng lại quá lớn nên ngoài công tác tuần tra, đơn vị còn tăng cường tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người H’mông về những giá trị khoa học và ký cam kết không chặt phá cây sa mu.

Để bảo tồn giống cây sa mu, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức điều tra, nghiên cứu đặc điểm sinh thái và đánh giá khả năng chống chịu môi trường, thích nghi sinh thái, đa dạng di truyền… của sa mu.

Hiện, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã trồng thử nghiệm hàng trăm cây sa mu ở bản Piềng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong và cây đang lên xanh tốt. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI