Gian nan bảo tồn tranh gương cung đình Huế

06/06/2017 - 07:00

PNO - Tranh gương cung đình - di sản mang bản sắc riêng của Huế với những giá trị về mỹ thuật, lịch sử, đang đối mặt với nguy cơ mai một khi số lượng tranh hư hỏng rất lớn, việc phục hồi gặp nhiều khó khăn.

Độc đáo tranh gương cung đình

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), cố kinh Huế hiện còn lại gần 100 tranh gương; trong đó, hơn một nửa đã hư hỏng ở nhiều mức độ. Tranh gương cung đình Huế được trang trí và cất giữ tại nhiều di tích như: điện Long An, cung Diên Thọ, điện Sùng Ân, điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm, điện Biểu Đức, điện Ngưng Hy…

Đặc biệt tại điện Long An - nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn, những bức tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm, thếp vàng khá cầu kỳ, treo trên hàng cột nối chính điện và tiền điện vẫn thu hút người xem bởi sự độc đáo của chúng. Sáu bức tranh đều là thơ ngự chế về những cảnh đẹp như Vĩnh Thiệu Phương Văn ngợi ca cảnh đẹp của vườn Thiệu Phương, Khúc Chiểu Hà Huyên là vẻ đẹp của hoa sen hồ Tịnh Tâm...

Gian nan bao ton tranh guong cung dinh Hue
Những thắng cảnh nổi tiếng của Huế xưa được khắc họa rõ nét trên tranh gương cung đình

Tranh gương cung đình triều Nguyễn, mang nội dung và những đặc trưng nghệ thuật riêng có như: tranh thơ ngự chế về 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh xưa do vua Thiệu Trị xếp hạng; tranh thơ vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thi; tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử Nho giáo.

PGS-TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế, cho biết chất liệu để vẽ loại tranh này là bột màu pha keo, hoặc sơn; được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương theo kiểu vẽ âm bản để nhìn mặt trước thành dương bản.

Ông Bình nhận định: “Kỹ thuật vẽ ngược chiều đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức khéo léo và có trí tưởng tượng phong phú. Do kỹ thuật phức tạp, tư duy về mặt hình tượng là rất riêng. Người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải); đòi hỏi sự phối hợp giữa tư duy, kỹ thuật, chất liệu và đặc trưng phản ánh. Trong từng đường nét cũng phải tính toán nét trên hay nét dưới, độ đậm như thế nào, từng mảng màu chồng, phối hợp thế nào để tạo ra hiệu quả của thị giác. Bố cục, không gian, tả về chiều sâu cũng vậy. Tất cả tạo nên nét riêng, độc đáo và tinh tế của tranh gương; cũng chính là những đặc trưng không có loại hình mỹ thuật nào của Huế có được”.

Nguy cơ hư hại 

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết, trước sự hư hại của số tranh; đơn vị đã cố gắng phục chế để tái trưng bày, nhưng kết quả rất hữu hạn. Cách dùng giấy trung tính để bảo quản mặt sau tranh chỉ mang lại hiệu quả trước mắt. Về lâu dài, giải pháp vẫn là chuyển toàn bộ số tranh gương về bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế với các điều kiện giữ gìn, trưng bày tốt hơn.

Tại các cung điện, Trung tâm chủ trương làm các phiên bản tranh gương để tái trưng bày. “Đây là cách làm thông thường của các khu di tích ở các nước. Người ta đưa hiện vật gốc về lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng; ở các khu di tích sẽ thay bằng các phiên bản hoặc bản phục chế để tái hiện cảnh quan” - TS Phan Thanh Hải nói.

Khó khăn lớn nhất trong bảo tồn tranh gương cung đình Huế chính là nguồn nhân lực. TS Hải giải thích: “Tranh gương cung đình chủ yếu gồm các phần: gương kính, hợp chất màu vẽ, gỗ; hợp chất sơn thếp. Cần phải có chuyên môn cao về cấu tạo, đặc điểm hóa lý của tranh mới có thể giữ gìn hoặc phục chế mà không làm hỏng tranh”.

Ngoài giá trị nghệ thuật, tranh gương có giá trị lịch sử rất lớn, nhất là bộ Thần kinh nhị thập cảnh - vịnh 20 cảnh đẹp của đất thần kinh. Một số tranh thắng cảnh còn được vẽ thêm nhiều tiểu cảnh như bộ tranh vẽ các cảnh của vườn Cơ Hạ hay cảnh hồ Tịnh Tâm. Đây là các tư liệu phản ánh trực quan, sinh động phong cảnh thời Nguyễn khi xưa, phục vụ công tác nghiên cứu, trùng tu Huế. 

Thuận Hoá

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI