Gian lận trong nghiên cứu y học - Vấn nạn đáng lo ngại

25/02/2023 - 18:56

PNO - Số lượng bài báo khoa học kém chất lượng trong lĩnh vực y khoa xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành tăng cao khiến giới nghiên cứu không khỏi lo ngại.

 

Cầm nhầm dữ liệu của người khác để sử dụng cho công trình nghiên cứu của mình - vấn nạn phổ biến hiện nay - Ảnh: Science Europe
"Cầm nhầm" dữ liệu của người khác để sử dụng cho công trình nghiên cứu của mình - vấn nạn phổ biến hiện nay - Ảnh: Science Europe

Năm 2011, Ben Mol, giáo sư sản phụ khoa tại Đại học Monash (Úc) tình cờ đọc được thông báo về việc rút lại nghiên cứu về u xơ tử cung và vô sinh do một nhà nghiên cứu ở Ai Cập công bố. Bài báo chứa dữ liệu giống hệt với những con số trong một nghiên cứu trước đó về polyp tử cung của nhóm nghiên cứu đến từ Tây Ban Nha. Điều đó có nghĩa là, tác giả đã “cố ý cầm nhầm” dữ liệu của đồng nghiệp để sử dụng cho công trình của mình.

“Kể từ lúc đó, tôi đã bắt đầu cảnh giác”, TS. Mol nói, bởi bản thân ông không chỉ đơn thuần là một độc giả mà còn là là biên tập viên của tạp chí Sản phụ khoa Châu Âu, cũng như thường xuyên là người bình duyệt các bài báo gửi cho các tạp chí chuyên môn khác.

Trong quá trình đó, ông phát hiện hai bài báo chứa dữ liệu “rõ ràng là bịa đặt” khiến ông thẳng tay từ chối. Thế nhưng, chỉ một năm sau, ông tình cờ gặp lại những bài báo với bộ dữ liệu ngụy tạo kia, chỉ khác là chúng được công bố trên một tạp chí khoa học khác.

Đến nay, TS. Mol và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện hơn 750 bài báo khoa học trong lĩnh vực y khoa “có vấn đề” và đã gửi cảnh báo đến các tạp chí đã xuất bản chúng. Tuy nhiên, chỉ có 80 bài báo bị rút lại mà thôi, đồng nghĩa với việc hàng trăm công trình nghiên cứu kém chất lượng vẫn được đưa vào các bài tổng quan hệ thống cung cấp thông tin về thực hành lâm sàng. Và hậu quả của chúng không hề nhỏ khi hàng triệu bệnh nhân có thể được điều trị sai cách.

Số lượng các bài báo khoa học trong lĩnh vực y khoa bị rút sau khi xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành ngày càng tăng - Ảnh: Emily Petersen/Science
Số lượng các bài báo khoa học trong lĩnh vực y khoa bị rút sau khi xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành ngày càng tăng - Ảnh: Emily Petersen/Science

Đáng lo ngại là, số lượng các bài báo bịa đặt một phần hoặc toàn bộ đang được tìm thấy với số lượng ngày càng lớn, nhờ những nhà khoa học nghiêm túc và coi trọng liêm chính học thuật như TS. Mol.

Retraction Watch, một cơ sở dữ liệu trực tuyến đã liệt kê gần 19.000 bài báo về các chủ đề khoa học y sinh đã bị rút từ trước đến nay. Chỉ riêng năm 2022, có khoảng 2.600 bài báo khoa học trong lĩnh vực này đã bị rút - nhiều hơn gấp đôi so với năm 2018.

Giáo sư  Ivan Oransky, một trong những người sáng lập Retraction Watch cho biết, trung bình 50 bài báo thì có một bài báo không đáng tin cậy do bịa đặt, đạo văn hoặc có sai sót nghiêm trọng. Và phần lớn tác giả của những bài báo bị rút này đều là những nhà khoa học cấp cao đang công tác tại các trường đại học hoặc bệnh viện lớn.

TS. John Carlisle, biên tập viên của một tạp chí y khoa Anh quốc cũng đã phát hiện ra hàng trăm bài báo khoa học “có vấn đề”.

“Hầu hết các hướng dẫn lâm sàng sẽ bị ảnh hưởng theo một cách nào đó bởi dữ liệu sai lệch”, TS. John Carlisle bình luận, và nói thêm rằng, những nghiên cứu bịa đặt cũng sẽ đưa những nhà khoa học khác “đi vào ngõ cụt, gây lãng phí hàng triệu đô la”.

“Xuất bản hay là chết” - công thức quen thuộc trong giới nghiên cứu phản ánh một “chân lý học thuật” tồn tại từ trước đến nay. Theo đó, một danh sách dài các công trình nghiên cứu đã được công bố là một yếu tố “cực kỳ quan trọng để ai đó được thăng tiến, hoặc để thay đổi môi trường làm việc tốt hơn”, tờ The Economist bình luận. Chính vì vậy mà nhu cầu xuất bản các bài báo khoa học trở thành một áp lực đè nặng lên các nhà nghiên cứu, và một số tác giả đã nhắm mắt gửi đi những bài báo “kém chất lượng”.

Một ví dụ điển hình cho vấn nạn này là Trung Quốc. Ở quốc gia tỷ dân này, định mức số lượng bài báo được xuất bản “cao ở mức phi thực tế” lại được xem là thước đo cho những cơ hội vị trí công việc tốt trong bệnh viện và trường đại học, đồng thời những tác giả có bài báo xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu cũng nhận được khoản tiền thưởng hậu hĩnh.

Do đó, không hề ngạc nhiên khi Trung Quốc bị “chỉ mặt đặt tên” như là một quốc gia có “ngành công nghiệp chế biến bài báo khoa học” phát triển mạnh mẽ nhất thế giới. Điều tra của tờ The Economist cho thấy, phần lớn các bài báo bị rút đều liệt kê tên các tác giả người Trung Quốc bên cạnh 70 quốc gia khác có bài báo khoa học là “hàng giả, hàng kém chất lượng”, bao gồm cả Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản…

Nguyễn Thuận (theo The Economist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI