Gian lận thuế được “quan” thuế bảo kê

28/06/2020 - 13:11

PNO - Ngành thuế tìm mọi cách để ngăn các doanh nghiệp FDI trốn thuế nhưng vụ việc doanh nghiệp Nhật nhận đã hối lộ cán bộ hải quan tỉnh Bắc Ninh 5 tỷ đồng để trốn khoản thuế lớn cho thấy những kẽ hở của ngành này từ lâu đã thành nơi kiếm chác của "quan" thuế.

Gian một ly, đi tiền tỷ
Theo thông tin từ báo chí Nhật Bản, Công ty sản xuất nhựa Tenma Việt Nam (Tenma VN) chuyên nhập khẩu vật liệu thô, tiền thuế giá trị gia tăng đối với vật liệu nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng. Để được miễn khoản thuế này, Tenma VN đã hối lộ 5 tỷ đồng cho cán bộ thuế tỉnh Bắc Ninh khai man hồ sơ nhập vật liệu. Kết quả, lần đầu vào tháng 6/2017, công ty này được miễn 400 tỷ đồng. Lần thứ hai vào tháng 8/2019, Tenma VN tiếp tục được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng. 

Công ty Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ hải quan 5 tỷ đồng để trốn thuế nhập khẩu
Công ty Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ hải quan 5 tỷ đồng để trốn thuế nhập khẩu

Không riêng Tenma VN, thời gian qua không ít doanh nghiệp nhập khẩu đã khai man hồ sơ để được giảm thuế. Thường gặp là các doanh nghiệp khai sai mã hàng hóa (còn gọi là mã HS). Chẳng hạn, tấm bản in Flexographic, tấm bản in Toyobo Printight, có mã số hàng hóa nhập khẩu là 8712.00.30, chịu thuế suất nhập khẩu là 10%. Tuy nhiên, để giảm số tiền thuế phải nộp, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ V.Y. (TP.HCM) đã khai trong hồ sơ sản phẩm có mã số hàng hóa là 8712.00.10 với thuế suất 5%. Như vậy chỉ cần khai gian một con số từ “30” thành “10”, công ty này đã trốn được 5% tiền thuế với giá trị 1,5 tỷ đồng.

Hoặc như Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu N.Đ. (TP.HCM) khai trên tờ khai hải quan là nhập khẩu đồ chơi trẻ em các loại để hưởng thuế suất nhập khẩu từ 10-20%. Nhưng qua kiểm tra, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện trong đó có xe mô tô đồ chơi trẻ em, xe đạp trẻ em, có thuế suất nhập khẩu là 45%. Nếu lô hàng được nhập trót lọt thì doanh nghiệp trốn được 20-35% tiền thuế. 

Một chiêu thức nữa để giảm thuế mà các doanh nghiệp thường áp dụng là sử dụng chứng từ giả về xuất xứ hàng hóa (C/O). Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thương mại V.T.Đ. (TP.Cần Thơ) 311 triệu đồng vì sử dụng giấy C/O giả. Công ty này nhập khẩu 5 container dầu cọ qua cảng Cát Lái và đã xuất trình C/O mẫu D (hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định CEPT) nên được hưởng thuế suất 0% thay vì 30%. Tổng số tiền thuế gian lận từ việc sử dụng C/O giả trên là 311 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn dùng chiêu kê khai giá sản phẩm thấp hơn thực tế để được hưởng mức thuế thấp. Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất săm lốp ô-tô cho biết, tình trạng khai giá thấp để trốn thuế xảy ra rất nhiều ở các ngành hàng có thuế suất cao như bia rượu, linh kiện điện tử, ô-tô, xe máy… Chẳng hạn, săm ô-tô 11R20 nhập từ Trung Quốc có giá tính thuế là 317,6 USD/cái. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại ghi trong tờ khai có giá chỉ từ 61,5-119 USD/cái, thấp hơn thực tế từ 256,1-198,6 USD/cái.

“Lấy số chênh lệch này nhân với mức thuế suất nhập khẩu là 50% thì Nhà nước thất thu lượng thuế không hề nhỏ. Đó là chưa kể, với giá nhập khẩu thấp, khi bán ra doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn khống, ghi giá bán thấp hơn với thực tế thì sẽ trốn thuế thêm lần nữa”, vị doanh nhân này nói. 

Gian lận nhiều, lộ chẳng bao nhiêu

Theo Cục Hải quan TP.HCM, để đơn giản hóa thủ tục hải quan, hiện Luật Hải quan quy định doanh nghiệp được quyền tự khai báo hàng hóa trên tờ khai hải quan và tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Lợi dụng điều này, các doanh nghiệp đã khai báo sai tên hàng, mã số sản phẩm, giá trị thật sản phẩm để trốn thuế. Nhưng qua vụ Công ty Tenma phải hối lộ cán bộ thuế để không bị truy thu thuế sản phẩm nhập khẩu có thể thấy rằng, một số vụ việc khai man hồ sơ trót lọt để trốn thuế phải chăng có sự “chung chi”, “thỏa thuận” và “hỗ trợ” từ cán bộ hải quan? 

Giám đốc một công ty sản xuất khuôn mẫu tại TP.HCM kể rằng, ông biết có một số doanh nghiệp nhập sản phẩm khuôn mẫu từ Trung Quốc với giá kê khai thuế rẻ hơn thực tế rất nhiều, khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khó cạnh tranh. Theo ông, doanh nghiệp kê khai gian nhiều lần, số lượng lớn nhưng vẫn trót lọt chắc có “thỏa thuận”. Còn doanh nghiệp nào bị kiểm tra và xử phạt có thể là do không chịu “chung chi” hoặc “chung chi” không đẹp. 

Đồng quan điểm trên, phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, tình trạng gian lận thương mại xuất nhập khẩu để trốn thuế đang ở mức báo động, không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, tạo môi trường cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp. Nhưng ngoài chiêu trò của doanh nghiệp, không ít vụ việc phải có sự tiếp tay của cán bộ hải quan. Bằng chứng là sản phẩm hàng lậu, hàng cấm đang nhan nhản ngoài thị trường, nếu không có sự thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp và cán bộ hải quan thì các sản phẩm này không thể lọt qua được các cửa khẩu. 

“Thời gian qua, không ít cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu, nhập lậu bị bắt; không ít doanh nghiệp khai gian lận thương mại xuất nhập khẩu bị phát hiện và xử phạt nhưng con số này còn rất nhỏ. Vụ việc Tenma VN chính là một lời cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước vì môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã bị xấu đi phần nào trong mắt bạn bè quốc tế, nhất là trong bối cảnh một số doanh nghiệp ngoại đang có ý định dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Ngoài tăng cường kiểm tra, cần phải xử phạt thật nặng để doanh nghiệp và cả cán bộ hải quan tiếp tay không dám vi phạm nữa”, tiến sĩ Ngô Trí Long đề xuất. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI