Gian lận thi cử: Kẻ cắp đang ở trong nhà!

04/08/2018 - 12:53

PNO - Xin nói thẳng, nguyên nhân của những ‘mất cắp’ ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình… đều là do ‘kẻ cắp’ đang được dung túng trong ‘ngôi nhà giáo dục’, và đang được gia chủ tin tưởng giao cho tay hòm chìa khoá.

Liên quan đến những gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và nay là Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm cá nhân và ‘đổ thừa’ cho phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở có thể bị lợi dụng; công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương còn sơ hở, chưa sâu sát.

Giải pháp mà ông Bộ trưởng đưa ra là Bộ sẽ rút kinh nghiệm để khắc phục, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh kiểm tra đối với các Hội đồng thi.

Gian lan thi cu: Ke cap dang o trong nha!
Vụ nâng điểm cho hơn 100 thí sinh tại Hà Giang bị phanh phui.

Nếu xem kết quả (thật) của kỳ thi là một thứ ‘tài sản’ cần phải được bảo quản kỹ lưỡng trong ‘ngôi nhà giáo dục’ thì các khâu tổ chức coi thi, chấm thi (gồm cả phần mềm chấm thi trắc nghiệm), thanh kiểm tra và bảo vệ kỳ thi, bảo vệ kết quả… chính là những ‘ổ khoá’ của căn nhà.    

Chúng ta thường có thói quen đổ thừa cho cái ổ khóa mỗi khi bị kẻ trộm bẻ khoá đột nhập. Ổ khoá thì luôn cần. Nhưng dân gian đã nói, chỉ khóa người ngay chứ không khoá được kẻ gian. Với kẻ gian, khoá có chắc chắn đến mấy chúng cũng mở được. Đến như cuộc bầu cử tổng thống ở một quốc gia đi đầu về công nghệ như Mỹ mà vẫn bị tin tặc tấn công thì cái “phần mềm chấm thi trắc nghiệm” liệu có xá chi!

Cho nên xin nói thẳng, nguyên nhân của những ‘mất cắp’ ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình và có thể còn những nơi khác nữa, đều là do ‘kẻ cắp’ đang được dung túng trong ‘ngôi nhà giáo dục’ và đang được gia chủ tin tưởng giao cho tay hòm chìa khoá.

Rất nhiều vụ tiêu cực thi cử, thậm chí gian lận có tổ chức như kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, cũng chẳng còn xa lạ. Trước đây từng xảy ra nhiều vụ tiêu cực thi đình đám như vụ Phú Xuyên A (Hà Nội) gắn liền với tên tuổi thầy giáo Đỗ Việt Khoa, vụ Nam Đàn 2 (Nghệ An), vụ Đồi Ngô (Bắc Giang), vụ Quang Trung (Hà Nội)…

Gian lan thi cu: Ke cap dang o trong nha!
Vụ gian lận thi cử đình đám tại Hội đòng thi Đồi Ngô (Bắc Giang) một thời.

Nhiều người mỉa mai: những vụ bị bại lộ là do xui xẻo, chứ gian lận thì còn nhiều. Làm bậy đã quen tay nên làm ngay không được nữa!

Vụ tiêu cực năm nay, nếu không nhờ cộng đồng mạng lên tiếng thì ngành giáo dục cũng chẳng phát hiện được dù công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hết sức rầm rộ.

Cũng không ý kiến cho rằng, những thói xấu như làm việc qua loa, giả dối, trí trá... đang hoành trong các cơ quan giáo dục. Có vẻ bi quan nhưng không vô cớ. Bên ngoài cái vỏ bọc ‘sư phạm, giáo dục’ đẹp đẽ thì bên trong không ít các đơn vị giáo dục đang ủ rất nhiều những ‘tế bào ung thư’ gây tổn hại cho sự phát triển của ngành. Không biết có còn kẻ gian nào to hơn còn núp trong bóng tối, nhưng với một ông Phó Giám đốc Sở GD-ĐT như ở Sơn La là người ‘chủ xị’ cho vụ ‘đánh cắp’ thì ‘khoá’ nào giữ nổi!

Gian lan thi cu: Ke cap dang o trong nha!
Ông Trần Xuân Yến- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La bị khởi tố ngày 31/7.

Nhưng với ‘kẻ cắp’, tài sản của ‘ngôi nhà giáo dục’ không chỉ là điểm thi mà còn bao thứ khác như kinh phí chi cho các hoạt động thường xuyên và mua sắm cơ sở vật chất, mặt bằng cho thuê, cơ hội vào biên chế, cơ hội hợp tác với các tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục…

Do ‘kẻ cắp’ đang được nuôi dưỡng, tin tưởng, được trao trọng trách giữ tay hòm chìa khoá, nên ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều thứ ‘tài sản’, trong đó có cả cả niềm tin vào giáo dục, vẫn hàng ngày bị đánh cắp.   

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI