Gian khó dạy mình thương nhau

25/07/2021 - 06:06

PNO - Vợ chồng học cách thương nhau, thương cả những khiếm khuyết. Người ta dễ cảm thông, lòng trắc ẩn được khơi lên. Bởi vì bình an là quan trọng nhất.

Má gọi cho tôi, báo rằng chú Năm được đưa vô khu cách ly, vì cậu Toàn con chú dương tính với COVID-19. Khổ là vô đó chú bị tăng huyết áp, phải đưa vô bệnh viện mà không có thím theo cùng. 

Tôi lo, dặn ba má nhớ cẩn thận. Nhà có sẵn rau trái gà vịt, má đừng đi chợ. Tôi hỏi thăm ba, má nói ngày nào cũng vậy, ba tưới rau tưới kiểng xong thì “lo hầu hạ mấy cục vàng của ổng”.

Mấy cục vàng má nói, là đàn bồ câu của ba. Má tặc lưỡi: “Thôi kệ. Giờ không dám đi đâu, có đàn bồ câu cho ổng vui”. Tôi cười thầm, mừng là trong lúc dịch giã ba má ít gây nhau, còn biết nghĩ cho nhau.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trước giờ, nhắc tới đàn bồ câu của ba là má bực. Ba mua cả bầy về rồi lo đóng chuồng cho chim ở, mua lúa cho chim ăn. Lâu lâu “tụi nó” buồn tình kéo nhau bay mất. Ba tốn tiền gầy lại đàn khác. Má đi chợ, dặn ba tưới rau xong nhớ kéo rào lại, kẻo đàn gà vô vườn quậy tanh banh.

Ba ờ ờ, nhưng lúc má về thấy ba đang mê mải tỉa lông, lót ổ cho bồ câu. Trong vườn rau, đàn gà đang mở tiệc, rượt đuổi chí chóe. Đêm hôm mưa gió, ba lọ mọ bắc thang coi chuồng bồ câu có bị dột, ướt. Bữa ba trượt chân té, bị gãy xương, phải bó bột cả tháng. Má la trời, đòi bán đàn bồ câu. Tôi can mãi má mới thôi.

Giờ dịch giã, thấy ba loay hoay với đàn bồ câu, má lại mừng. Thôi thì, miễn ba yên lành ở đó, ba vui là được.

Trước giờ tôi chẳng phải bực chồng vì đam mê nào đó, nhưng cuộc hôn nhân hơn mười năm khiến bao cảm xúc với chồng dần nguội lạnh. Tôi cũng chẳng màng “hâm nóng” như cách các chuyên gia hay khuyên bảo. Cơm áo cũng đủ mệt đầu.

Sáng nào tôi đi làm chồng cũng dắt xe ra. Anh đi sau để đóng cầu dao điện, khóa cửa nẻo. Hơn mười năm đều đặn như thế. Tư duy kiểu đàn ông thì bao quát hết trong ngoài nên tôi chẳng việc gì phải cảm động, biết ơn chồng.

Hơn một năm nay dịch giã, lần nào tôi lên xe, chồng cũng nhắc: “Có khẩu trang dự phòng chưa”, “chai sát khuẩn còn không?”. Giờ thì chồng thêm: “Em đừng ghé chợ lung tung, nguy hiểm. Văn phòng em ở lầu ba, đi thang bộ cho lành”.

Tôi đi một đoạn, ngoái lại thấy chồng còn đứng trông. Tôi mủi lòng nghĩ, có khi nào chiều nay vợ chồng con cái không còn được gặp nhau vì một ca F0 lang thang nào đó, để rồi sáng mai phải thức giấc ở một nơi xa. Tôi sẽ không còn cảnh được chồng dắt xe, đóng cửa an lành như mọi ngày.

Tôi chợt rưng rưng, bấy lâu tôi được chồng thương, chồng chiều, vợ chồng tình nghĩa là đây chớ đâu, thế mà tôi chưa từng cảm kích anh. Bất chợt tôi chỉ muốn quay lại ôm lấy chồng, thầm thì: “Cảm ơn anh bấy lâu luôn ở đây, yêu thương em vô điều kiện”. Câu nói thương nhau, có thể dìu nhau đi qua giông gió mà sao khó bật ra.

Nhỏ bạn tôi trước giờ hay than “chắc tao ly hôn chồng. Ổng tiêu xài vô tội vạ, chẳng nghĩ đến tương lai của con”. Chồng bạn thì kể: “Bả lúc nào cũng kiểm soát tiền nong, còn khen gã hàng xóm giỏi kiếm tiền. Vợ mà quản chồng như con, ai chịu nổi”. Cũng vì bất đồng quan điểm nên chẳng mấy khi gia đình bạn yên ấm.

Tối qua bạn điện, vừa cười vừa khóc, nói: “Ổng đưa tao sổ tiết kiệm những 500 triệu đồng, số này ổng dành dụm trước giờ. Mình nổi điên, hỏi giấu tiền tính cho gái hay gì. Ổng nói đàn ông phải có tiền phòng thân mới có cảm giác an toàn. Giờ thấy mình lo lắng quá, ổng không đành lòng, mới xì ra. Chắc mai mốt hết dịch mua chiếc xe mới cho ổng. Xe cũ xì ổng còn chạy hoài, tội ghê”.

Tôi trêu bạn: “Thế không ly hôn nữa à?”. Bạn bật cười, tiếng cười nghe lẫn niềm hạnh phúc.

Dịch bệnh mang đến những thử thách khắc nghiệt, khiến nhiều người đã thay đổi, biết nâng niu, trân quý những điều giản dị. Cùng một sự việc, trước kia người trong cuộc có thể xem đó là tầm thường, thậm chí là tiêu cực, giờ chỉ nhìn thấy mặt tích cực.

Vợ chồng học cách thương nhau, thương cả những khiếm khuyết. Người ta dễ cảm thông, lòng trắc ẩn được khơi lên. Bởi vì bình an là quan trọng nhất. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI