“Một họa sĩ “mới nổi”, chỉ riêng trong năm 2022 đã có đến 3 triển lãm, từ canvas, sơn mài đến sáng tạo trên gốm sứ, có là nhiều không?” - tôi hỏi. “Có thể nhiều với người này, người kia nhưng tôi đã đợi rất nhiều năm để có hôm nay. Nhiều loạt tranh đã được vẽ trước đó. Số khác nằm sẵn trong đầu, cứ thế tuôn ra” - Liêm nói.
|
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Liêm |
Suýt trở thành hoạ sĩ lang thang
Nếu chờ đợi một thứ gì đó lớn lao hoặc những gì dữ dội của đời sống nhiều trăn trở, nghĩ suy như phần lớn tranh của các họa sĩ Việt Nam đương đại, bạn sẽ thất vọng khi xem tranh của Liêm - không gian luôn toát ra sự nhẹ nhàng, yên bình. Ngay cả nỗi u hoài cũng dịu êm.
Thế nhưng, đời sống của Liêm kể từ lúc chọn hội họa chẳng dịu êm như thế.
Sinh trưởng trong một gia đình bình thường, cha chạy xe đường dài, mẹ quẩn quanh với tiệm tạp hóa nho nhỏ, vẽ vời tranh ảnh là thứ gì đó vừa xa vời vừa thiếu thực tế. Liêm nói, không biết là may mắn hay vì cuộc sống quá vất vả đến mức không có thời gian, nên chẳng bao giờ cha mẹ cấm cản Liêm. Hay có thể vì trong suy nghĩ của cha mẹ, chỉ cần Liêm sống vui vẻ, được vẫy vùng với sự lựa chọn của anh, đã là niềm hạnh phúc.
Liêm sở hữu ngoại hình chẳng có vẻ gì ra dáng nghệ sĩ như người ta vẫn hình dung. Không tóc dài cũng chẳng thư sinh hay tỏ vẻ bất cần, lạnh lùng, khó gần. Ẩn sau diện mạo có phần khiến người ta thoáng e dè là một thế giới yên bình, nên thơ như câu nói “chỉ có trong tranh”.
Tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật vào năm 2015, Liêm từng trải qua rất nhiều nghề để có thể bám trụ với hội họa. Hết đi bốc vác cho xe hàng thì trở thành thợ nhồi bột tại lò bánh mì, rồi lại tiếp tục suốt hơn một năm ròng bán cà phê và nhiều công việc tay chân khác. Liêm nói, để có thể sống được, để có tiền mua màu vẽ, anh chẳng từ nan công việc gì. Chỉ cần đó là công việc không đòi hỏi quá nhiều suy nghĩ để anh có thể tập trung vẽ.
|
Tranh của Nguyễn Ngọc Liêm trên nhiều chất liệu |
Đôi tay thuôn dài chỉ để vẽ tranh đầy vết chai, vết cứa cắt của những lần sơ sẩy từ nhiều nghề khác nhau. Liêm chưa bao giờ ngừng vẽ hay cũng có thể vẽ đã trở thành liều thuốc an ủi Liêm. Anh vẽ mãi, vẽ vào bất cứ thứ giấy tờ gì trong tầm tay. Tranh to, tranh nhỏ chất đầy trong cái xưởng xập xệ ẩm mốc. Không có ai mua. Cũng không có ai đỡ đầu để tổ chức triển lãm. Đó là thời điểm các phòng tranh ế ẩm, đóng cửa lần lượt.
Ở những khúc quanh cuộc đời, Liêm không ngừng tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình. Không muốn đối diện với gia đình, không muốn để cha mẹ lo lắng, càng không muốn chạy vạy, đuổi mãi theo giấc mơ hội họa, Liêm lóe lên ý định rời Sài Gòn đi Đà Lạt, sống lang thang. Anh ngồi ở bến xe và vẽ tranh cho người qua đường, cho khách du lịch, cũng là để được sống trọn vẹn với hội họa.
Thật may, một bức tranh ký gởi của Liêm nhận được sự chú ý của một người chủ đang muốn đưa nghệ thuật thủ công vào những món quà nhỏ xinh. Người chủ ấy đặt Liêm một bức tranh trang trí và cho Liêm thuê một gian phòng nhỏ trên tầng cao nhất làm xưởng. Lớp vẽ của Liêm ra đời. Mỗi cuối tuần, Liêm cần mẫn chạy chiếc xe máy cà tàng từ quê nhà Đồng Nai lên TPHCM “làm thầy”. Chính nghề dạy vẽ đã tiếp sức và nuôi dưỡng giấc mơ của Liêm, đến khi tranh của anh lần đầu được triển lãm tại Toong vào năm 2020.
Một thế giới tĩnh lặng
Lẽ thường, người ta thường chọn khắc họa, ghi lại những gì đã trải qua; những dữ dội đã nếm; những đớn đau, đắng cay hằn lên da thịt, gương mặt, tiềm thức và hành xử. Nhưng ở Liêm, trong tranh của Liêm, tất cả điều đó hoàn toàn biến mất như thể thế giới của Liêm được chia thành 2 lát cắt rạch ròi, riêng biệt.
Một thế giới thực, dữ dội, đấu tranh và vật lộn với chuyện áo cơm. Một thế giới trong tranh, tĩnh lặng và yên bình đến mức khao khát, nhẹ nhàng như một áng haiku với những sắc độ trong trẻo, thuần khiết nhất. Dù là một phần nhành hoa đang bung nở hay con cá nhảy, dù là một góc mái nhà chằng chịt dây điện hay ấm trà bên bình hoa… tất cả vẫn toát nên vẻ yên bình, xoa dịu và khiến người ta tìm thấy cảm giác được an ủi giữa muôn trùng biến động. Cả những nỗi u hoài cũng nên thơ, bình dị và đằm thắm.
Liêm nói: “Cái đẹp nằm ở mọi nơi, chỉ là mình có đủ chậm rãi và điềm tĩnh để nhìn thấy nó hay không. Tôi thích quan sát xung quanh, từ xa đến gần, từ những góc nhỏ bé của đời sống thường nhật nên thường đưa những góc nhìn đó lên tranh. Với tôi, mọi trạng thái của sự vật đều có giá trị tương đương, không hay không tệ, không sang không hèn. Vạn vật đều có một giá trị nhất định, dù là nụ hoa đang chớm nở hay bông hoa đã lụi tàn”.
Tranh Nguyễn Ngọc Liêm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phong cách của danh họa Hokusai người Nhật. Như giám tuyển tranh Liêm từng nhận xét: “Tranh của Liêm có xu hướng thanh lọc khung cảnh và được khắc họa bằng trải nghiệm thị giác giản đơn. Liêm phóng to những thứ thường bị bỏ quên và thu nhỏ những cảnh vật vĩ đại; cắt xén, đưa nó về một tỉ lệ vừa vặn, đủ để đánh thức sự nhạy cảm đối với những sự hiện diện bình thường trong cuộc sống”.
Quan trọng hơn, cái tinh thần ung dung và mỹ cảm trong tranh Liêm là thứ khó bắt chước được. Chẳng ai có thể khắc họa yên bình nếu trái tim họ, khối óc họ không thể bình thản. Hay chính bởi đi qua quá nhiều gian nan, nhọc nhằn, thứ người ta muốn lưu giữ chỉ là những ký ức đẹp?
“Tôi đã trải qua rất nhiều thứ. Thành thật mà nói, cuộc sống không thể nào không phức tạp nhưng tôi chọn sự đơn giản. Tôi lược bỏ những chi tiết không cần thiết, bình tĩnh giải quyết vấn đề, làm những việc vừa sức mình và sống trọn ngày hôm nay. Sự lựa chọn đó ảnh hưởng đến cách thể hiện tác phẩm. Tôi không nghĩ mình vẽ giỏi nhưng tôi biết mình muốn gì và có thể thể hiện rõ ràng những mong muốn đó” - Liêm bộc bạch khiêm tốn.
Hỏi Liêm về chất liệu, Liêm khẳng định, anh yêu sơn mài cũng như canvas hay gốm sứ. “Dù trên chất liệu nào, thông điệp tôi đưa ra vẫn nhất quán. Tôi không muốn gắn phong cách cá nhân với những mỹ từ như “tối giản,” “hiện thực”. Tôi chỉ là “giản đơn”. Đây là thế giới của tôi và tôi chuyển tải thế giới đó lên bề mặt tác phẩm cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Cuộc sống đã đủ mệt nhoài với bao lo toan, tôi muốn người xem tranh mình tìm được về với bản ngã nguyên sơ của họ, tìm được sự thanh thản, giản dị để tiếp tục tiến về phía trước”.
Hiện tại, tranh của Liêm được rất nhiều người trong nghề đánh giá cao và bán được giá. Liêm nói và cũng là đặt mục tiêu cho bản thân, sẽ tham gia nhiều triển lãm trong khu vực và mở rộng ra thế giới, để sự yên bình trong tranh tỏa năng lượng tích cực đến nhiều người.
Hoàng Linh Lan