Gián điệp kinh tế - Bài cuối: Đánh cắp từ công nghệ đến thông tin

22/09/2013 - 07:40

PNO - PN - Đánh cắp công nghệ hoặc thông tin từ những vụ thương thảo được xem là phạm tội gián điệp kinh tế. Hai vụ cáo buộc đối với Hua Jun Zhao (Trung Quốc (TQ) và Yeon Kim (Hàn Quốc) là những điển hình.

“Cầm nhầm” công nghệ

Mới đây, Hua Jun Zhao, một nghiêu cứu sinh người TQ làm việc tại ĐH Y khoa Wisconsin (Mỹ) đã bị cáo buộc là gián điệp kinh tế do đánh cắp ba mẫu thí nghiệm tế bào ung thư.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường ĐH Zhejiang ở TQ, Hua Jun Zhao nhận học bổng nghiên cứu sinh của ĐH Wisconsin. Chuyên môn cao, sử dụng tiếng Anh lưu loát, Zhao được giáo sư Marshall Anderson nhận làm phụ tá cho những công trình nghiên cứu về tế bào của ông.

Ngày 22/2/2013, ông Anderson báo với bộ phận an ninh của ĐH Wisconsin là ba lọ chứa những hợp chất dạng bột, ký hiệu C-25 trong công trình nghiên cứu về tế bào của ông đã biến mất khỏi phòng thí nghiệm. Theo ông Anderson, chất C-25 là sản phẩm đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Bộ phận an ninh lập tức vào cuộc. Băng ghi hình cho thấy, Zhao là người duy nhất đi vào và ra khỏi phòng thí nghiệm của ông Anderson trong thời gian ba chiếc lọ chứa chất C-25 biến mất.

Trong thời gian tiến hành điều tra, Zhao từng về TQ hồi tháng 12/2012 và công bố trên website ResearchGate, cổng thông tin về các nghiên cứu khoa học, rằng trong thời gian nghiên cứu tại Mỹ, anh đã phát minh một hợp chất có khả năng diệt tế bào ung thư mà không hủy hoại tế bào lành mạnh khác. Đó chính là công trình giáo sư Anderson đã thực hiện và đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.

Sau khi vụ mất cắp xảy ra, các nhân viên FBI lục soát nơi ở của Zhao và tìm thấy biên nhận bưu kiện Zhao gửi về TQ cho vợ cùng một vé máy bay lộ trình Chicago-Bắc Kinh được mua sẵn với ngày khởi hành là một ngày sau vụ mất cắp. Không chỉ thế, người ta còn phát hiện vài ngày trước, Zhao đã bán chiếc xe hơi đang dùng. Những điều đó khiến FBI tin rằng Zhao đã chuẩn bị sẵn cho việc trở về TQ cùng công trình nghiên cứu của giáo sư Anderson mà không hẹn ngày trở lại Mỹ. “Cuộc điều tra chưa hoàn tất, nhưng theo tôi, Hua Jun Zhao đã phạm tội làm gián điệp kinh tế”, nhân viên Gerald Shinneman của FBI ghi nhận trong báo cáo gửi tòa án. Tòa án quận Milwaukee đã chấp nhận cáo buộc Zhao tội “gián điệp kinh tế” và tạm giam anh trong thời gian chờ xét xử. Nếu các quan tòa đưa ra phán quyết phạm tội, Zhao sẽ phải ngồi tù với mức án tối đa 15 năm.

Trường hợp của Zhao đã làm dậy lên nỗi lo về việc công dân TQ thâm nhập những công ty lớn để đánh cắp thông tin và bí mật công nghệ. Trước đó không lâu là vụ Kexue Huang, nhà nghiên cứu của Công ty Dow AgroSciences, bị phạt bảy năm ba tháng tù vì đánh cắp bí mật công nghệ trong lĩnh vực sinh học để chuyển giao cho một trường ĐH ở TQ.

Gian diep kinh te - Bai cuoi: Danh cap tu cong nghe den thong tin

Hua Jun Zhao - ảnh: MSN

Chuyển thông tin “nhạy cảm”

Khi cuộc thương thảo giữa Úc và Hàn Quốc về hiệp định thương mại tự do đang tiến hành thì một scandal gián điệp kinh tế xảy ra khiến đôi bên cùng khó xử.

Trước đó, cơ quan tình báo Úc (ASIO) cảnh báo “có dấu hiệu cho thấy tình báo Hàn Quốc đang tiếp cận các chuyên gia người Úc để tìm những thông tin nhạy cảm”. Tuy nhiên, mãi đến khi ASIO phát hiện ra những hành vi của tiến sĩ Yeon Kim, cảnh báo này mới được công nhận là thật.

Ông Yeon Kim, người Hàn Quốc có quốc tịch Úc, là chuyên gia trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp; làm việc tại Cục Tài nguyên kinh tế và khoa học của Bộ Nông nghiệp Úc. Ông được phép tham khảo hồ sơ của vụ thương thảo đang diễn ra giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, để đưa ra góp ý chuyên môn cho hiệp định thương mại tự do này. Không chỉ thế, ông Kim còn có tên trong đoàn Úc tham dự các cuộc đàm phán.

Giữa năm 2010, ASIO phát hiện ông Kim tiếp xúc với một nhân viên ngoại giao Hàn Quốc không chỉ một lần. Trên danh nghĩa, người này làm trong bộ phận tùy viên thương mại của Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Sydney, nhưng ASIO khẳng định, người này là nhân viên tình báo Hàn Quốc núp dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao. Dù ông Kim cho rằng những lần gặp các nhân viên Hàn Quốc của Lãnh sự quán chỉ mang tính xã giao và đồng hương, nhưng ASIO vẫn khẳng định, đó là những lần ông Kim chuyển giao thông tin “nhạy cảm” về tiến trình thương thuyết hiệp định thương mại tự do giữa Úc và Hàn Quốc.

Gian diep kinh te - Bai cuoi: Danh cap tu cong nghe den thong tin

Cả Hàn Quốc và Úc đều không muốn làm lớn chuyện ông Yeon Kim

Cả hai nước đều không muốn làm lớn chuyện, nên biện pháp xử lý các nhân vật liên quan rất nhẹ nhàng. Cơ quan tình báo Hàn Quốc đề nghị ASIO không công bố chi tiết vụ việc, cũng như không tiết lộ danh tính của những người Hàn Quốc bị cho là hoạt động tình báo tại Úc. Phía Úc chấp thuận yêu cầu đó, vì thật ra, có làm lớn chuyện, họ cũng chẳng được lợi lộc gì trong tiến trình thương thảo. Thậm chí, phía Úc còn muốn “làm êm” vụ này để có lợi hơn trong việc giao thương.

“Sai phạm của ông Yeon Kim là đã tiếp xúc với nhân viên tình báo nước ngoài mà không báo cáo lại theo quy định của chính phủ Úc”, báo cáo chính thức về cuộc điều tra của ASIO viết. Hệ quả của vụ tình báo kinh tế này chỉ là tiến sĩ Kim bị cho thôi việc ở Bộ Nông nghiệp Úc chứ không bị truy tố. Các nhân viên của Lãnh sự quán Úc tại Sydney thì bị trục xuất về Hàn Quốc một cách êm thắm. Việc thương thảo giữa Úc và Hàn Quốc vẫn tiếp tục và cuối cùng, hai nước đã ký kết chính thức hiệp định này.

 THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI