Gián điệp kinh tế - Bài 3: Cú ngã cuối đời

14/09/2013 - 16:41

PNO - PN - Những thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Dick Holm (tên đầy đủ là Richard L. Holm) khá sơ sài: tham gia CIA từ thập niên 1960, làm nhiệm vụ đầu tiên ở Lào, kế đó là chiến trường Việt Nam.Dick Holm suýt chết tại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiệm vụ nặng nề

Khi Holm giữ chức trưởng phòng CIA ở Paris năm 1993, Mỹ đang tiến hành chiến dịch ăn cắp thông tin quân sự, không gian và đặc biệt là kinh tế của Pháp. Nhiệm vụ của Holm là nắm bắt chiến lược kinh tế của Pháp, giúp Mỹ thương lượng ở thế thượng phong với Pháp về GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại) vào năm 1994. Lúc đó, Mỹ đang gặp khó khăn trong thương lượng. Chiến tranh lạnh kết thúc, kinh tế trở thành ưu tiên một nên dù là đồng minh, tình báo Mỹ và Pháp cũng “dòm ngó” nhau về thương mại và công nghiệp. Holm nhận lãnh nhiệm vụ phá gián điệp kinh tế của Pháp ở Mỹ.

Gian diep kinh te - Bai 3: Cu nga cuoi doi

Dưới tay Holm có bốn điệp viên nam đóng vai nhân viên sứ quán và một bóng hồng hoạt động dưới danh nghĩa giám đốc chi nhánh Dallas Market Center tại Pháp, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên vận động hành lang về nông sản.

Người phụ nữ nói trên được Holm đặc biệt chú ý vì năm 1991 từng bị CIA triệu hồi về Mỹ do “phạm quy”: yêu một người nước ngoài mà không báo cáo với cấp trên. Không chỉ vậy, cô còn tiết lộ thân phận và tìm cách thuyết phục người yêu làm nội gián. Nhiều người bất bình muốn sa thải cô nhưng nhiều người lại sợ bị cô thưa ngược về tội “kỳ thị giới tính”. CIA đành chọn giải pháp an toàn là ký tiếp hợp đồng nhưng cấm quay trở lại Paris. Hợp đồng ký chưa ráo mực, cô ta lại sang Pháp.

Biết rõ điểm yếu của cấp dưới, nhưng Holm vẫn sử dụng nữ điệp viên duy nhất của CIA ở châu Âu sau khi thuyết phục thành công cấp trên. Theo quy định, Holm báo cáo nhanh chiến dịch với đại sứ Mỹ tại Pháp là bà Pamela Harriman nhưng che giấu mức độ rủi ro. Lo ngại mang tiếng “chơi xấu” với đồng minh, bà đại sứ phản đối chiến dịch này nhưng không thành, vì các quan chức phòng thương mại Mỹ muốn biết chiến lược nông sản của Pháp khi gia nhập GATT (ở châu Âu, Pháp là nước khó chịu nhất đối với các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ).

Lụy vì tình

CIA và truyền thông giấu kỹ tên tuổi của nữ điệp viên CIA nói trên sau khi chiến dịch của Holm đổ vỡ. Theo truyền thông Pháp, người đẹp đó là Mary-Ann Baumgartner. Cô lập thành tích xuất sắc là câu được “con cá bự” có tên Henri Plagnol, 32 tuổi, thành viên nội các thủ tướng Pháp Edouard Balladur, đặc trách văn hóa.

Họ gặp nhau lần đầu trong một bữa tiệc ở trụ sở UNESCO năm 1992. Sau đó là những cuộc hẹn hò ở nhiều nơi khác và cuối cùng là ngay tại nhà người đẹp Mỹ, khi tình yêu lên ngôi.

Gian diep kinh te - Bai 3: Cu nga cuoi doi

Mary-Ann Baumgartner

Quan hệ giữa Plagnol và Baumgartner không thoát khỏi tầm mắt của Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DST). Điệp viên người Mỹ đã bị theo dõi từ lâu. Cuối thập niên 1970, tại New York, nữ điệp viên quyến rũ này từng “hạ gục” Francois Heisbourg, cố vấn chính phủ Pháp về quốc phòng và trang bị vũ khí, thành viên của phái đoàn đại diện thường trực Pháp tại Liên Hiệp Quốc.

Nicolas Bazire, chánh văn phòng thủ tướng Pháp - bạn thân của Plagnol, đã cảnh báo bạn: “ông đang đùa với lửa vì bạn gái ông là CIA”. Một tháng sau, DST giao Plagnol “tương kế tựu kế” cung cấp thông tin dỏm cho đối phương. Plagnol cũng được thăng chức quốc vụ khanh đặc trách cải cách kinh tế để củng cố lòng tin của CIA.

Kết quả, Pháp đạt nhiều lợi thế hơn Mỹ khi ký hiệp định GATT năm 1994. Nhưng, người Pháp không dừng lại ở chiến tích đó. Tháng 2/1995, trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp mà ông Balladur là ứng cử viên, Bộ trưởng Nội vụ Charles Pasqua bất ngờ ra lệnh trục xuất năm nhà ngoại giao Mỹ vì dính líu đến gián điệp kinh tế của CIA đồng thời triệu tập bà Harriman. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, CIA “ngậm bồ hòn” thừa nhận có tiến hành chiến dịch “đạo chích” bí mật kinh tế của người anh em Pháp, rút Dick Holm về Washington.

Thân bại danh liệt

Đòn đánh trả nói trên đã hạ gục Dick Holm. Trong báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 3/1996, lãnh đạo CIA quy kết Holm tội thiếu trách nhiệm làm hỏng chiến dịch tình báo kinh tế ở Pháp. Holm biết mối tình “trái phép” của cấp dưới nhưng không đánh giá hết hệ lụy của nó khiến CIA “mất mặt” trên bình diện quốc tế, nhất là ở châu Âu.

Gian diep kinh te - Bai 3: Cu nga cuoi doi

Henri Plagnol

Từ một người hùng, Dick Holm trở thành kẻ chẳng ai ưa. Trong những ngày cuối cùng ở Paris, ông thấy rất nhục nhã. Khi viếng thăm Paris, Giám đốc CIA John Deutch không thèm nhìn mặt ông. Holm gọi điện cho David Cohen, Trưởng ban chiến dịch, ông này cũng không bắt máy. Trong khi đó, tổng thanh tra CIA Frederick Hitz phê bình như “xát muối” vào mặt Holm. Chịu hết xiết, tháng 4/1996, ông xin từ nhiệm, kết thúc sự nghiệp tình báo 35 năm trong ê chề. Năm 2004, ông viết quyển hồi ký The American Agent. Tháng 8/2011, ông xuất bản quyển thứ hai The Craft We Chose: My Life in the CIA.

Holm thiệt một, CIA thiệt đến mười. Bị “bắt tận tay, day tận trán”, CIA buộc phải đình chỉ mọi hoạt động trên lãnh thổ Pháp. Điều này đồng nghĩa với việc CIA vắng mặt ở Paris, một trung tâm tình báo quốc tế thời hậu chiến tranh lạnh. Hậu quả, CIA mất luôn khả năng thu thập thông tin về khủng bố, buôn lậu vũ khí và Trung Đông không chỉ ở Pháp mà còn khắp châu Âu. CIA cũng bị các cơ quan tình báo khác ở Tây Âu như Đức, Ý nhìn với cặp mắt thiếu thiện cảm.

 TRỌNG NGHĨA

Kỳ tới: kỳ án Xue Feng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI