Giận cha không cho nối tóc, bé gái tự tử bằng 40 viên thuốc Paracetamol

16/08/2019 - 14:06

PNO - Xin đi nối tóc nhưng cha không đồng ý, bé V. hờn dỗi, tự tử bằng cách lấy hũ thuốc Paracetamol 500mg trong nhà ra uống.

Trưa 16/8, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) vừa cấp cứu cho em N.T.H.V. (13 tuổi, ở Tiền Giang) do tự tử bằng thuốc Paracetamol 500mg.

Theo gia đình, ngày 12/8, bé V. xin cha cho đi nối tóc nhưng cha không đồng ý, cả ngày hôm đó em buồn bã, hờn dỗi nhưng vẫn không được đáp ứng việc làm đẹp.

Đến 20g cùng ngày, V. lấy hũ thuốc Paracetamol 500mg để trong tủ thuốc gia đình ra uống. Theo người thân của em V., lúc V. uống, hũ thuốc còn khoảng 40 viên. Sau 2 giờ đồng hồ uống thuốc, V. thấy chóng mặt, buồn nôn, người rất mệt nên nhắn tin cho cha.

Gian cha khong cho noi toc, be gai tu tu bang 40 vien thuoc Paracetamol

Bé V. đang được theo dõi tại bệnh viện

 

Nhận được tin nhắn, cha em V. tức tốc đưa con gái vào bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ đã rửa dạ dày, cho V. uống than hoạt tính nhưng tình trạng diễn tiến ngày càng nặng. Em có biểu hiện lừ đừ, nôn ói, xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao, gấp 20 lần so với bình thường. Bệnh viện lập tức chuyển em đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, V. than mệt, liên tục nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, tay chân lạnh… Em được các bác sĩ hồi sức tích cực, tăng thải độc tính của thuốc mới qua cơn nguy hiểm.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, truyền thuốc giải độc tính Paracetamol, V. dần hồi tỉnh. Hiện men gan của V. đã giảm đáng kể, em tỉnh táo nhưng lo sợ và rất hối hận. Tuy nhiên, để chắc chắn các cơ quan khác không bị tổn thương, em đang được các bác sĩ theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Ngoài ra, các bác sĩ chuyên gia tâm lý tại bệnh viện cũng trò chuyện, giải tỏa tâm lý cho V.. 

Các bác sĩ khuyến cáo: “Giai đoạn vị thành niên, dậy thì là khoảng thời gian trẻ thay đổi tâm sinh lý rất nhiều. Trẻ cần được phụ huynh quan tâm, giải thích và thông cảm, tránh ép buộc, áp đặt, gây xáo trộn tâm lý trẻ, dẫn đến việc trẻ có những suy nghĩ nông cạn, bồng bột, hành động nông nổi, nguy hiểm đến tính mạng”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI