Tính đến chiều 26/7, bốn ca dương tính với COVID-19 đã xuất hiện trong cộng đồng đều liên quan đến TP. Đà Nẵng. Hôm công khai ca đầu tiên, tôi ở quê ra. Trên xe, anh tài xế cứ nói: “Thôi chết rồi”. Mất việc làm. Không có khách. Đói.
Những than thở nối nhau: “Liệu rồi sẽ ra sao đây anh? Đang yên bình, thình lình giông sét. Bây giờ mà như lần trước nữa, em nói thiệt anh là chỉ ngồi đếm răng và chờ chết”.
|
Bệnh viện quận Hải Châu ra quân chống dịch và siết kiểm soát người ra vào - Ảnh: Lê Đình Dũng |
Sóng ngầm âm ỉ, nay đã hiện hình
Sáng 26/7, thêm một ca xuất hiện ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Người này cũng không đi đâu xa, không biết vì sao bị nhiễm. Thôi đành chấp nhận họ là F0, và từ đây, biết đâu có nhiều F0 nữa, còn F gì đó, ở đâu rồi mới đến họ, bó tay. Cộng đồng đã bị lây nhiễm rồi. Nhà nước đã kích hoạt các biện pháp ngăn ngừa, điều trị.
Tôi chạy xe, nhìn người ta không khẩu trang, mũ mão, phóng ào ào, không biết họ đang nghĩ gì về dịch bệnh. Lệnh giãn cách xã hội đã được ban bố. Lần này, do trời đang 35 độ C, lại phát lệnh đúng Chủ nhật hay sao mà chiều tôi ra phố, thấy mọi thứ như thể con vi-rút chết chóc không có mặt. Trước Bệnh viện C - nơi đang được phong tỏa từ ngày 24/7 - hàng quán vẫn hoạt động bình thường. Trên đường, rất nhiều người không đeo khẩu trang. Mọi thứ vẫn như chưa hoặc không có dịch.
Bên kia sông Hàn, trên đường Võ Văn Kiệt với nhiều khách sạn lớn sát biển, tấp nập xe, người. Sát vách Bệnh viện C là Bệnh viện Đà Nẵng, hai lối vào cổng đường Hải Phòng đóng kín với thông báo không chữa trị ngoại trú và tiếp nhận điều trị mới (tất nhiên trừ trường hợp cấp cứu), ai có thẻ bảo hiểm y tế thì có thể đến bất kỳ cơ sở nào ở thành phố.
Người nhà tôi vào chữa bệnh ở tầng 5 của Trung tâm Tim mạch, nơi bệnh nhân số 416 từng đến thăm và nuôi mẹ ông. Ai cũng ngại. Chỉ một người thân chăm một người bệnh thôi. Bệnh viện Đà Nẵng đã siết quy định này mấy tháng rồi, nay lại thêm một bước chặt chẽ nữa. Đau thì phải vào bệnh viện, nhưng nếu chỉ bệnh viện siết chặt quản lý, cũng giống như đắp đê be bờ ngăn lũ ở hạ nguồn, chỉ tổ tốn công vô ích...
|
Bệnh viện quận Hải Châu ra quân chống dịch và siết kiểm soát người ra vào |
Nghĩ mà sợ, lần này, hình như có gì đó đáng lo hơn lần trước. Một bác sĩ nói rằng, những người kia rõ ràng bị lây rất nhanh, có thể phát bệnh trong vòng một tuần thôi, bởi tốc độ lây lan của COVID-19 là chóng mặt.
Nguồn lây ẩn mặt, nhưng triệu chứng của họ - nhất là bệnh nhân 418 - là rõ: đi thăm khám từ phòng khám tư đến Bệnh viện quận Hải Châu từ ngày 11/7 rồi lần sau không dứt, lại đến Bệnh viện Đà Nẵng mà vẫn không phát hiện ra bệnh. Cộng hưởng bao điều lâu nay, có lẽ chúng ta đã lơ là, đúng ra là coi thường. Sóng ngầm âm ỉ, nay đã hiện hình.
Quá coi thường và vô trách nhiệm
Xã hội bước sang trạng thái “bình thường mới”. Câu khẩu hiệu này được nhà chức trách nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng nó như bao lời hô hào khác, sự lo lắng chỉ dừng đâu đó, còn lại như… hớt váng. Dân Quảng Nam, Đà Nẵng mấy ngày qua cứ truyền nhau câu hỏi “những người nhập cảnh trái phép trên, ai tiếp tay?”.
Anh Nguyễn Như Phương - ở phường Hòa Xuân, quận Ngũ Hành Sơn - phẫn nộ: “Mình ra đường có khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Kỹ cho lắm, chừ (giờ) cũng “chết lây” theo mấy ông nớ (đó), là răng (sao)? Hai ông kia không đi đâu, sao bị? Vi-rút không phải tự nhiên mà có. Vậy thì ai?”.
Tôi không biết, ông nói như hét rằng, tới ngày 25/7, cả tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng phát hiện 73 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Đi có tổ chức, đường dây? Ai dám nói mấy người đó không mang mầm bệnh vào và làm lây nhiễm ở xứ mình? Nhà nước quản lý kiểu này là sao? Câu trả lời cho ông là: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trong ngày 25/7 đã khẳng định, có lơi lỏng trong kiểm soát xuất nhập cảnh.
Công an đã bắt được ba người cầm đầu, trong đó có hai người Việt Nam. Không có “tay trong tay ngoài”, đố mà lọt. Họ đâu chỉ đi một, hai người. Cửa khẩu, biên giới không mở thì đường tiểu ngạch, nhưng đi hơn 70 người như thế là thế nào? Và còn bao nhiêu nữa đang ấn nấp mà công an chưa khui ra? Họ vào, dân mình lại mở cửa chứa chấp không khai báo, cũng chỉ vì lòng tham mà chứa bom trong nhà.
|
Đà Nẵng bắt đầu siết kiểm dịch ở bệnh viện, sân bay, khẩn trương xét nghiệm mẫu ở trung tâm cdc và đưa người đi cách ly |
Chưa nói đến an ninh quốc gia, lúc dịch bệnh tứ bề thế này thì công sức chống dịch bao ngày tháng qua trở về zero. Giờ thì mọi thứ coi như trôi sông đổ biển rồi. Không đóng cửa phong tỏa hết, nhưng tất cả quay về vạch xuất phát, khi điểm âm đã ngạo nghễ diễu hành trong giấc ngủ bao doanh nghiệp, bao người đã và đang suốt ngày chờ tiền hỗ trợ do dịch, rồi tiếp tục cúi xuống điền vào tờ giấy khai thất nghiệp để chờ trợ cấp.
Đã có sự coi thường, quá coi thường và vô trách nhiệm với cộng đồng. Một thứ cảm xúc kỳ lạ và không ít tiêu cực đang ngự trị. Lần này lại giãn cách. Đã qua tập dượt rồi nên người ta không hốt hoảng rối tung lên. Dân không náo động, nhưng nhà nước giật mình. Bộ Giao thông Vận tải ra công văn khẩn cho các sân bay, yêu cầu siết kiểm dịch. Bình chân như dân hay giật mình như nhà nước, chẳng khác chút nào cả, bởi cùng một điểm chung là đã cười phớt lờ, say sưa thắng lợi.
May mắn không đến nhiều lần
Thật là sợ. Hãy nhìn sự thoi thóp của nền kinh tế, những khốn khó bao vây người dân. Con vi-rút này liệu có làm thức tỉnh ai không, khi nó có thể đêm nay, ngày mai lại xuất hiện nơi mình đang ở, không cần báo trước. Chỉ rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang thôi mà xem quá khó khăn, thì một ngày đẹp trời, sẽ thở máy. Mấy tháng rồi, truyền hình đưa tin người chết do SARS-Cov-2 ở đâu đâu bên Âu Mỹ chứ đâu phải ở mình, đúng Việt Nam mình giỏi thiệt.
Tôi nói thẳng, không chết không có nghĩa là do mình giỏi hơn thiên hạ. Sự cố gắng đôi khi đi kèm cơ may. Nhưng, may mắn không đến nhiều lần. Xin đừng nhắc lại cái gọi là “thành công trong chống dịch” nữa mà hãy nói dùm là khống chế thành công tạm thời. Khi thuốc đặc trị cho nó chưa có thì nó vẫn nhởn nhơ, chưa gọi tên mình đó thôi.
Lệnh ban ra đầu giờ chiều thì phải đêm nay hoặc ngày mai, mọi thứ mới bắt đầu rục rịch, bởi còn phải để cho bàn dân thiên hạ thu xếp. Cháu tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp III, hỏi: “Giờ làm sao đây? Nếu không phải bốn người dương tính mà là hàng chục, thì sao?”.
Chị Nguyễn Thị Đào - giáo viên một trường trung học phổ thông ở TP. Đà Nẵng - nói: “Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo quá chủ quan, giống như thấy dịch không còn nên rề rà cho học đủ mới thi, trong khi có thể rút gọn chương trình lại”.
Tôi nhớ lại rằng, ở xứ mình, suốt ngày rút kinh nghiệm. Đi đường này bị xóc, rút kinh nghiệm qua lối kia, lại dính bùn. Bây giờ, cả thành phố bước vào “bình thường mới”, rút kinh nghiệm cái gì đây? Rồi Hà Nội, TPHCM, cả nước, rút tỉa được cái chi từ cơn sóng bất ngờ này bên bờ sông Hàn?
|
Đà Nẵng bắt đầu siết kiểm dịch ở bệnh viện, sân bay, khẩn trương xét nghiệm và đưa người đi cách ly |
Một người uống cà phê trên đường Ông Ích Khiêm - gần địa chỉ nhà bệnh nhân 418 - hỏi ngơ ngác với giọng vẻ địa phương chủ nghĩa: “Sao lại là Đà Nẵng chứ?”. Thưa, đừng thuyết âm mưu hay duy tâm duy vật chi ở đây, vì đâu cũng sẽ bị nếu “coi giặc cũng như không”.
Đà Nẵng mà phong tỏa cứng thì không riêng thành phố này chao đảo mà cả miền Trung với bao phận người, bao dự định, toan tính cũng lao đao theo, bởi bây giờ không ai một mình một cõi.
Ông hàng xóm tôi có vợ ở TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, đã mua vé máy bay tuyến Đà Nẵng - Cần Thơ, ngày 27/7 xuất phát. Ngày 26/7, TP. Cần Thơ phát lệnh ai từ Đà Nẵng vào, sẽ bị cách ly 14 ngày. “Thôi rồi Lượm ơi”. Ông chồng cười hớ hớ, nhưng bà vợ thì méo mặt, giọng miền Tây dài ra như câu hò bị phụ bạc trên kinh Ngã Bảy: “Sao kỳ dzậy chời?”.
Chẳng nói trước được điều chi cả. Có người ví bệnh nhân 416 như bệnh nhân thứ 17 ở Hà Nội lần trước, mở màn cho đợt dịch kéo dài, lan rộng. Nhưng lần đó, nguồn lây cho người kia được xác định, còn lần này, con vi-rút như ma. Đó là hiểm nguy không thể lẩn tránh.
Với trường hợp “nguồn lây không xác định”, thế giới đã có nhiều. Điều đó vừa đáng sợ, vừa không đáng phải lo quá đáng, nếu như ta tích cực phòng thủ. Bài học thì đầy ra đó, vấn đề là có chịu thuộc và làm theo hay không thôi.
Trung Việt