Sợ tin nhắn
Chị Đ.C.T. (40 tuổi, ngụ Q.7, TPHCM) cho biết kể từ khi giãn cách, chị mắc phải hội chứng sợ âm báo tin nhắn trong các nhóm trò chuyện. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cơ quan chị T. chuyển sang hình thức làm việc tại nhà đã gần hai tháng nay. Để tiện trao đổi công việc, nhiều nhóm trò chuyện được tạo ra (nhóm thành viên các tổ công tác, nhóm toàn cơ quan, nhóm riêng lẻ giữa vài thành viên...). Cứ thế, âm báo tin nhắn liên tục phát ra từ điện thoại bất kể giờ giấc khiến chị T. bị stress nặng. Nhiều đêm đang mơ màng ngủ, nghe điện thoại báo có tin nhắn, sợ nhỡ việc quan trọng, chị vội vã vùng dậy chộp điện thoại mở xem. Ai dè chỉ là một thành viên vào nhóm “tám” chuyện, chẳng liên quan gì tới công việc.
Nhiều lần bực bội, lắm khi mệt mỏi, những tiếng chuông báo tin nhắn vẫn tiếp tục tràn ngập điện thoại, dần trở thành nỗi ám ảnh đến mức chị tắt hết âm thanh, thậm chí cất điện thoại vào tủ để khỏi phải nhìn hay nghe thấy. Thế nhưng được một lúc, chị lại cảm thấy bất an, sợ chẳng may bỏ qua thông tin quan trọng sẽ bị cấp trên khiển trách nên đành mang điện thoại ra cài lại âm báo. Những ngày qua, chị T. luôn sống trong trạng thái thấp thỏm khiến người bải hoải, có cảm giác kiệt sức.
Sợ con
Trong khi nhiều gia đình coi thời gian giãn cách là cơ hội để được gần gũi, chăm sóc con cái, một số phụ huynh lại cảm thấy quá tải khi ngày nào cũng phải chịu đựng tiếng ồn ào từ lũ trẻ. Anh P.M.T. (45 tuổi, ngụ Q.10, TPHCM) cho biết ngày nào anh cũng phải làm việc online kể từ khi thành phố áp dụng quy định giãn cách tới nay.
Ngoài ra, do yêu cầu công việc, nhóm anh thường xuyên họp trực tuyến. Anh T. có hai con trai: bảy tuổi và năm tuổi. Các con anh hay chơi những trò mạnh mẽ, gây tiếng ồn lớn như ném banh, bắn súng trong nhà, thậm chí còn giẫm lên sofa, trèo lên giường nhảy xuống đất huỳnh huỵch. Vừa làm việc, anh T. vừa phải liên tục nhắc con. Trẻ con vốn hay quên, nhất là khi giữa “cơn” nô đùa, sau một lúc yên lặng, bọn trẻ lại tiếp tục nghịch ngợm ồn ào khiến anh T. không thể tập trung, công việc bị gián đoạn liên tục, hiệu quả giảm sút.
Chỉ sau vài hôm làm việc tại nhà, anh T. rơi vào trạng thái cáu gắt, chán nản, thậm chí có ý định bỏ đi khỏi nhà để khỏi phải nghe tiếng la hét của chính các con mình. Chưa hết, dịch bệnh khiến thu nhập của anh T. giảm hẳn, anh phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền của một trụ cột gia đình. Những bức bối khiến anh T. bỗng dưng cảm thấy… sợ con.
Khó kiểm soát huyết áp do chế độ ăn uống
Bên cạnh những bất ổn về tâm lý khiến một số người bỗng dưng sợ một thứ gì đó hoặc một đối tượng nào đó, giãn cách xã hội còn vô tình làm sinh hoạt thường nhật của nhiều gia đình bị đảo lộn, từ đó dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
Anh N.Đ.N. (50 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TPHCM), làm nghề giao hàng, cho biết anh có tiền sử tăng huyết áp nhưng vẫn đang điều trị ổn định nhờ uống thuốc. Tuy nhiên, kể từ khi giãn cách tới nay, dù vẫn uống thuốc đều đặn, huyết áp của anh luôn cao hơn mức bình thường. Anh gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn thì biết huyết áp tăng là do thực đơn ăn uống của anh quá nhiều muối.
Dù vậy, anh N. rất khó điều chỉnh chế độ ăn vào lúc này. Thu nhập của vợ chồng anh hiện tại đều giảm, nhà anh còn có hai con nhỏ, cha mẹ già phụ thuộc. Các món ăn của gia đình anh trong những ngày này đều mặn, chủ yếu là thịt kho, cá khô, mì gói do chúng rẻ, để được lâu, phù hợp với việc tích trữ. Nhà anh không thể ngày nào cũng đi chợ mua đồ tươi sống như trước đây do sợ bị lây nhiễm bệnh; chưa kể hiện tại, nhiều khu chợ đang bị đóng cửa. Trong khi đó, hàng hóa ở siêu thị giá thành thường cao hơn nên không phải là sự lựa chọn tối ưu của gia đình anh…
Tăng cân, thừa cân
Tăng cân, thừa cân là vấn đề lớn đối với nhiều người trong giai đoạn giãn cách xã hội. Chị P.T.T.H. (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ cả nhà chị ai cũng bị tăng cân, bằng chứng là mặc quần áo thấy bị chật vùng nách và bụng. Bình thường, vợ chồng chị thường xuyên cùng nhau chạy bộ, con trai chị ngày nào cũng chơi bóng rổ nhưng những ngày này, mọi người ở lì trong nhà, không dám ra đường, cũng không thể ra đường vận động do yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch.
Con trai chị nay nằm suốt trong phòng nghịch điện thoại, xem ti vi cả ngày. Nếu có phụ việc nhà cũng chỉ là phơi đồ, rửa chén. Về phần mình, chị H. tự nhận thấy mỗi lần lo lắng chuyện gì, chị sẽ ăn nhiều hơn. Các loại đồ ngọt như kẹo, bánh, chocolate… giúp chị thấy dễ chịu. Đó là lý do chị bị tăng cân nhiều nhất nhà. Trước thời điểm giãn cách xã hội, chị 55kg nhưng nay đã 59kg trong khi chiều cao của chị chỉ 1,5m. Ở nhà rảnh rỗi, ngoài thời gian nấu ăn, dọn dẹp, chị chỉ biết ăn uống rồi lại nằm nghĩ vẩn vơ, lo lắng về tương lai, mong sao mau hết dịch...
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết: “Một kết quả khảo sát với 7.700 người trên thế giới đã cho thấy sau các đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ tăng cân là 27,5% và nhóm người béo phì bị tăng cân là 33,4%. Các rối loạn này là tiền đề dẫn đến các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường type 2, bệnh khớp…”.
Không chỉ thế, theo bác sĩ Niên, người thừa cân cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược, khuyên: “Khi cảm thấy không kiểm soát được cảm xúc, quá lo lắng, hồi hộp, bạn hãy hít thở sâu. Hít thở khiến hô hấp bình ổn trở lại, giúp ta bình tĩnh hơn. Cố gắng sinh hoạt điều độ, ăn ngủ đúng giờ để giữ cơ thể trong trạng thái khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn nhất. Khi cảm thấy quá bức bối, bạn có thể chia sẻ với người thân, gọi điện cho bạn bè để giải tỏa.
Đã có nhiều người tập boxing, tập thể dục tại gia theo các hướng dẫn từ YouTube để cố giữ cơ thể tráng kiện. Với sức khỏe tốt, khả năng đề kháng của bạn đối với bệnh tật cũng cao hơn và hơn hết là bớt thời gian “rảnh”, có thể khiến bạn trầm cảm.
Có những nỗi sợ xuất hiện trong thời gian ở nhà giãn cách quá lâu. Hãy cố gắng duy trì chế độ sinh hoạt khoa học và hít thở sâu mỗi khi khó kiểm soát cảm xúc.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Sống khỏe thời giãn cách
Để sống khỏe mạnh trong giai đoạn giãn cách xã hội, nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, đủ chất đạm, sử dụng chất bột đường tốt, đủ chất xơ, sử dụng chất béo lành mạnh (hạn chế chất béo bão hòa có trong mỡ; chất béo có trong thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn). Bên cạnh đó, nên ăn nhiều rau quả để cung cấp vi chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch. Ngoài ra, cũng nên duy trì lối sống tích cực, kiểm soát căng thẳng. Mỗi ngày, nên vận động ít nhất 30 phút. Điều này vừa giúp rèn luyện thể chất vừa kiểm soát cân nặng và stress.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
|
Trâm Anh