Nguyên nhân ban đầu thường chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng do người trong cuộc tích tụ oán giận lâu dài, mâu thuẫn dồn nén, chỉ chờ cơ hội bùng phát.
Thằng rể trời đánh
“Nó đánh vợ ngay trước mặt tôi. Xót con, tôi can ngăn, nó đánh luôn cả tôi. Thứ con rể trời đánh như nó, không thể chấp nhận được”, bà Nguyễn Thị Thanh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) hậm hực kể tội con rể. Ngồi cạnh mẹ, chị Kim Mai im lặng không dám lên tiếng bào chữa cho chồng. Ngay từ thời yêu nhau, anh Hoàng, chồng chị Mai, đã không được lòng nhà vợ. Định kiến vùng miền khiến mẹ chị ghét anh ra mặt.
Vốn tính thẳng thắn, có gì nói nấy nên bà Thanh luôn huỵch toẹt việc không thích con rể tương lai, gặp ai cũng chê bai khiến anh chị em, họ hàng nhà vợ cũng coi thường Hoàng. Khi Hoàng đã thành con rể, tình hình vẫn không cải thiện. Hoàng luôn mang cảm giác lạc lõng, tự ái, nên anh ít qua lại nhà vợ. Mẹ vợ đến chơi anh tìm cách tránh mặt. Bà Thanh thì vẫn quen xúc xiểm con rể. Vì vậy, mỗi lần bà sang chơi rồi về là anh chị cãi vã. Thấy rõ hiềm khích giữa chồng và mẹ, nhưng hễ chị Mai mở miệng khuyên là bà Thanh bù lu bù loa “mày quý chồng hơn mẹ”.
Sự coi thường của nhà vợ khiến Hoàng ngày càng bị tổn thương, nhưng thay vì chia sẻ với vợ, anh lại có thái độ như thách thức để thỏa tự ái của mình. Những ngày tết anh cố tình kéo cả nhà về quê nội, hạn chế việc vợ về nhà mẹ ruột. Những bữa tiệc riêng của gia đình, anh không quan tâm đến sự có mặt của mẹ vợ. Thậm chí khi vợ sinh, anh cũng nằng nặc thuê người, không chịu để bà ngoại chăm cháu. Mẹ vợ - chàng rể không bên nào chịu nhường bên nào, mâu thuẫn ngày một lớn. Đỉnh điểm là trong một lần hai vợ chồng cãi nhau, chị Mai bế con về nhà mẹ ruột, Hoàng sang bắt con về, vợ chồng giằng co, bà Thanh xông vào giành cháu, chửi mắng con rể, anh đã tát vợ, sẵn cơn tức giận còn xô ngã mẹ vợ. Kể từ hôm đó, bà Thanh không cho con gái về, bắt chị phải ly hôn.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Chị Mai hiểu rõ mâu thuẫn giữa chồng và mẹ mình nhưng bất lực không biết làm sao thay đổi được tình hình. Để yên ổn, chị chỉ còn cách cam chịu và nhẫn nhịn, không ngờ càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. Chị tâm sự, buồn nhất là những lúc vợ chồng cãi vã, chị không có ai để làm chỗ dựa tinh thần, tâm sự với mẹ thì chỉ nhận được những lời đay nghiến, xúi giục chị bỏ chồng, như châm dầu vô lửa...
Trong hoàn cảnh mẹ vợ - con rể xung đột, vai trò trung gian để xoa dịu tình hình của người vợ là rất quan trọng. Lúc đó, người vợ trở thành cầu nối, thủ thỉ với mẹ để bà giảm dần ác cảm với con rể, tỉ tê với chồng để anh không “để bụng” oán giận mẹ. Nhưng thực tế, không phải ai cũng làm được như vậy. Để giữ gia đình êm ấm, người trong cuộc thường chọn thái độ nhẫn nhịn, cam chịu cả hai bên, vô tình khiến cả hai đều không thỏa mãn, dẫn đến mâu thuẫn cứ tăng dần.
Ân hận muộn màng
Đã hơn 10 năm nhưng nỗi ám ảnh về cái chết của con gái luôn đeo đẳng bà Nguyễn Thị Biên (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau), khiến bà ân hận khôn nguôi. Vốn gia đình khá giả nên khi con gái đưa người yêu là Trung, một chàng trai nghèo rớt mồng tơi cùng xóm, về ra mắt gia đình, bà Biên đã cự tuyệt ngay. Đến khi con gái trót mang thai, bà mới bấm bụng gả cho Trung. Bất mãn với con rể, bà thường xuyên xúc phạm, chê bai Trung.
Nhà sui gia ở gần nhưng không bao giờ bà qua lại thăm hỏi, thậm chí ngày giỗ, tết cha mẹ Trung đến chơi, bà cũng không thèm tiếp. Trong mắt bà, anh như một thằng ăn bám, cưới con gái bà chỉ để đào mỏ. Thật ra, không như những gì mẹ vợ nghĩ, Trung đầu tắt mặt tối kiếm tiền lo cho vợ con để không phải phụ thuộc nhà vợ. Khổ nỗi, Trung đụng việc gì cũng thất bại, càng khiến bà Biên thêm coi thường con rể. Đi đến đâu Trung cũng có cảm giác như mọi người đang chế nhạo mình, bởi mẹ vợ cứ ra rả khắp xóm những lời không hay về anh.
Buồn chán vì bao phen làm ăn thua lỗ, lại thêm bị gia đình vợ khinh miệt, xúc phạm, Trung chán nản, trở nên bê tha rượu chè, khi say là đánh đuổi vợ chạy khắp xóm, rồi bóng gió chửi mẹ vợ. Một ngày, bà Biên hốt hoảng khi hàng xóm báo tin con gái bị Trung nhốt trong nhà, chốt cửa đánh đập. Khi bà đến nơi, ba đứa cháu ngoại đang gào khóc bên thi thể mẹ, con rể thì đã bị đưa đi. Đứa cháu ngoại khóc kể, ba nó nhậu say về, bắt mẹ quỳ gối, vừa kể tội mẹ vợ vừa đánh vợ. Chị lạy lục van xin, anh vẫn đánh. Ba đứa trẻ sợ hãi khóc la, Trung nhốt vào phòng, tiếp tục tra tấn vợ bằng roi vọt, dù chị chẳng có lỗi gì.
Không chỉ mất con, bà Biên còn mất luôn cả ba đứa cháu ngoại. Ám ảnh bởi những lời cay đắng của cha về bà ngoại, cả ba không dám đến gần bà. Sau ngày cha đi tù, ba chị em lặng lẽ sống với nhau, khước từ sự giúp đỡ của nhà ngoại, đến năm 17, 18 tuổi thì lần lượt bỏ đi lấy chồng Đài Loan. Đã 5 năm mấy chị em không trở về, cũng không liên lạc với họ hàng nội ngoại. Bà Biên đau đớn: “Giá mà ngày đó tôi đừng quá khắc nghiệt thì đâu đến nỗi... Tôi không chỉ làm khổ con gái mình mà còn khiến nó chết oan uổng”.
Tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: khi có bất đồng giữa mẹ vợ với con rể thì người vợ phải đóng vai trò trung gian hòa giải, là trọng tài nhân ái, là nhịp cầu thấu cảm của cả hai bên. Nếu người vợ “bên hiếu bên tình” khó mở miệng thì có thể nhờ sự giúp đỡ của cha hoặc anh chị em, không nên cố chịu đựng làm “cái thớt”, vì vừa không giải quyết được vấn đề, vừa nuôi cho mâu thuẫn lớn thêm. Cần hiểu, hạnh phúc vợ chồng là tổng hòa các mối quan hệ của họ tộc hai bên, chứ không chỉ riêng vợ và chồng. Các mối quan hệ này hài hòa mới là chìa khóa hạnh phúc của vợ chồng.
Đừng nghĩ càng sớm tách mình ra khỏi các mối quan hệ họ tộc, càng sống biệt lập thì vợ chồng sẽ càng hạnh phúc. Với tư cách là vợ, là chồng phải vẹn cả đôi đường một cách thấu tình đạt lý mới mong hạnh phúc vợ chồng bền vững. Muốn vậy, không chỉ con cái phải tôn kính cha mẹ, mà cha mẹ cũng phải chung tay vun vén cho hạnh phúc của con. Hạnh phúc của con cũng sẽ là hạnh phúc của cha mẹ. Dù mẹ cha chẳng sống đời, sống chung với con nhưng vẫn luôn là nhân tố rất quan trọng đối với hạnh phúc của con.
Nhà vợ đâu chỉ có mẹ vợ! Tôi nghĩ, cho dù mối quan hệ giữa con rể và mẹ vợ không tốt, thì với bổn phận làm con rể, anh cũng phải làm tròn trách nhiệm đối với cha mẹ. Không thể vì việc mẹ vợ không thích mình mà “trả đũa” này nọ; ngược lại, anh phải thường xuyên lui tới thăm nom ông bà, yêu thương, kính trọng như chính cha mẹ ruột của mình, đối đãi công bằng giữa hai bên nội ngoại. Trong trường hợp mẹ vợ không đón nhận, anh cũng đừng nên tự ái, và nên nhớ: gia đình bên vợ đâu chỉ có mỗi mẹ vợ, mà còn nhiều thành viên khác. Nếu anh đủ chân thành, về lâu dài, tôi tin dần dần mọi người sẽ có cái nhìn khác về anh và chính họ sẽ làm cầu nối cải thiện mối quan hệ đó. Bên cạnh đó, vợ chồng cũng cần thỏa thuận một vài nguyên tắc chung, chẳng hạn không mang mâu thuẫn về nhà mẹ ruột tỉ tê, bởi nó chỉ khiến mẹ vợ thêm ác cảm với con rể. Anh Vũ Quốc Cường (TP.Quảng Ngãi) Cần tôn trọng cuộc sống riêng của con Đôi khi, giữa cha mẹ với con ruột còn không hợp tính nhau, huống chi là con dâu, con rể. Tuy nhiên, nếu có điểm nào không bằng lòng, chúng ta nên góp ý chân thành, có tính chất xây dựng (nhẹ nhàng, tế nhị chứ đừng chỉ trích). Nếu mẹ vợ không đủ vui vẻ, thoải mái khi trò chuyện với con rể thì nên nhờ người nào đó giúp đỡ. Về phía con rể, khi mẹ vợ ác cảm với mình, nên nhẫn nại thay vì nóng nảy phản kháng. Cha mẹ nào cũng thích được con cái quan tâm, chăm sóc; vì vậy, nếu chịu khó quan tâm, nhẫn nhịn thì mối ác cảm này cũng sẽ được hóa giải. Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng cần tôn trọng cuộc sống riêng của con, đừng nên “can thiệp sâu”. Tôi nhớ có một câu nói vui thế này: “Nếu mẹ chồng thương con dâu thì có thêm đứa con gái, ghét con dâu thì mất thằng con trai”. Tôi nghĩ, với con rể cũng vậy, chắc hẳn không ai muốn “mất con”. Vậy nên, vì hạnh phúc của con cháu mình, ta nên rộng lượng với con rể. Chị Kim Lan (Q.Thủ Đức, TP.HCM) |
Linh Giang