Gian bếp có làm đàn ông… mất giá?

13/02/2017 - 10:56

PNO - Căn bếp có thể là cung điện nơi người vợ trưng bày nhan-sắc-thứ-hai của mình, nhưng cũng có thể là ngục tù do người chồng hoặc chính họ dựng lên.

“Con trai mà lại giỏi nấu ăn”, nhiều khán giả xuýt xoa khi quán quân Vua đầu bếp nhí Việt mùa đầu tiên là cậu bé 13 tuổi Đinh Thanh Hải. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều gia đình, hiếm khi thấy người cha lui cui trong bếp, lại không thiếu những bé trai vẫn ngạc nhiên: “Sao bố lại phải rửa chén?”. Dễ thấy nhất là cảnh cha vợ kéo chàng rể tương lai lên nhà trên: “Lên đây bác cháu mình lai rai, bếp núc là chuyện của đàn bà”. Chính các bà mẹ, các cô con gái cũng giục: “Anh cứ ngồi đấy để phụ nữ lo, đàn ông ai lại vào bếp!”.

Gian bep co lam dan ong… mat gia?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ bao đời, trong xã hội ta, nhiều người vẫn quan niệm chuyện vào bếp làm hạ giá người đàn ông, khiến họ trở nên tầm thường, nhỏ mọn. Bàn tròn giữa nhà thơ Trần Tiến Dũng, TS Nguyễn Hoài Vũ (Chủ tịch Viện phát triển đào tạo và quản lý Việt Nam, Q.1, TP.HCM) và anh Nguyễn Văn Út (chủ xưởng cơ khí ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã nhìn lại hình ảnh người đàn ông mang tạp dề…

Phóng viên: Theo các anh, với người đàn ông hiện đại, gian bếp có còn là “vùng cấm”?

Nhà thơ Trần Tiến Dũng: Thực ra, nhà bếp là nơi rất quyến rũ đối với bé trai. Đó là một không gian có chiều sâu ký ức, nơi bé trai chạy vào ôm chân mẹ hay len lén nhón một mẩu thức ăn. Thường thì bé trai vàp bếp chỉ để hưởng thụ, còn bé gái vào bếp là gắn với nghĩa vụ, với công việc, là học “nghề” để sau này làm bà chủ gia đình. Quan niệm này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của xã hội, khiến mọi người luôn cảm thấy như “có gì sai sai” khi đàn ông đứng bếp.

Theo tôi, ngày nay định kiến này đã giảm nhiều. Nếu như trước những năm 1980, ai đến nhà chơi thấy ông chồng đang nấu ăn thì chỉ nghĩ: “Thằng này sợ vợ”, hay “Chắc vợ nó tệ lắm nên nó phải nấu nướng”… nhưng giờ thì không ít người tự lý giải: Chắc vợ anh ta bận công việc hay đang phải chăm con”, hoặc “tích cực” hơn: “Anh này cưng vợ quá!”.

Bản thân tôi trước đây, khi có mặt mẹ thì tôi không nấu ăn, mặc vợ một mình “múa may quay cuồng” trong bếp, để tránh gây tâm lý khó chịu cho mẹ tôi đối với con dâu vì có thể nghĩ con trai mình phải “hầu” vợ, bởi mẹ tôi vốn cả đời cơm bưng nước rót cho ba tôi. Nhưng, nếu tránh né mãi cũng không ổn vì sẽ càng củng cố thêm cho định kiến. Sau này, dù có mặt mẹ tôi vẫn vào bếp, thủ sẵn câu đối phó kiểu như “Vợ bận, con nấu giúp một chút...”.

Anh Nguyễn Văn Út: Tôi ít vào bếp, nhưng không phải vì nghĩ bếp là nơi cấm kỵ của đàn ông mà chỉ do tôi không biết nấu nướng. Những lúc vợ vắng nhà, tôi tự nấu thì đúng là… không giống ai. Tôi chỉ ăn tạm được một ít “sản phẩm” của mình để chống đói, chờ vợ về, sau đó là cho… chó mèo xử. Tôi cũng cố để ý cách mẹ và vợ làm bếp như xắt mỏng hay dày, đổ nước bao nhiêu, cho gia vị vào lúc nào… thậm chí thuộc làu “quy trình” nhưng chẳng hiểu sao vẫn nấu không ra món.

Tôi biết thẩm định món ăn, thích ăn ngon, thích tự phục vụ nhưng đành chịu. Tôi đã bị nhiều người trêu ghẹo vì cái kiểu thà đói bụng nằm chờ chứ không phụ nấu với vợ, nhưng thật tình đó là những lúc tôi đã quá mệt mỏi vì công việc và cũng tự ti với khả năng nấu nướng của mình. Vợ tôi nấu thì hết chỗ chê, tại sao tôi phải tranh lấy việc đó cho thêm rắc rối, trong khi bản thân lại làm chẳng ra hồn?

Các bà vợ có luôn vui vẻ, sẵn sàng nhường căn bếp cho chồng?

Nhà thơ Trần Tiến Dũng: Tôi biết có những ông thật tình đã rất cố gắng mà vẫn không học được kỹ năng làm bếp, nhưng lại có những ông "giả thiểu năng" để không phải vào bếp. Khi đó, dù có đi đâu, bận việc gì thì đến bữa người vợ cũng phải vội vàng về lo nấu ăn cho chồng con. “Chỉ có mình tôi nấu chồng tôi ăn được thôi”, không ít người vợ tự hào như thế, mà không biết mình đã bị chồng “diễn”, bị ép thêm gánh nặng.

Căn bếp có thể là cung điện nơi người vợ trưng bày nhan-sắc-thứ-hai của mình, nhưng cũng có thể là ngục tù do người chồng hoặc chính họ dựng lên. Cái nếp nghĩ vào bếp là chuyện riêng của đàn bà không chỉ do người đàn ông lười mà còn do chính các bà vợ. Có bao nhiêu người phụ nữ xem cái bếp là mảnh đất chung và sẵn sàng buông bếp cho chồng? Đôi khi người vợ còn có cảm giác sợ mất “ngôi”, mất đặc quyền của mình đối với căn bếp.

Thay vì khuyến khích, mời gọi các thành viên khác trong nhà cùng làm, không ít bà chủ bếp tự phong đã phản ứng thái quá khi thấy chồng con vụng về khi vào bếp, nêm nếm không đúng, đặt xoong nồi chén bát lộn xộn... Có bà, chồng con vừa rửa chén xong là quẹt tay “kiểm định” đã thật sạch chưa. Như thế thì ai chẳng tự ái mà buông luôn!

TS Nguyễn Hoài Vũ: Dù vợ chồng tôi đều rất bận (vợ tôi là doanh nhân), gia đình lại có người giúp việc, nhưng chuyện chế biến thức ăn vẫn do cả hai vợ chồng đảm nhiệm. Tôi thường giữ vai chính trong bếp vì thích cái cảm giác nấu cho vợ con ăn ngon, ăn nhiều. Tôi muốn chăm sóc vợ con bằng những bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng và qua đó gửi gắm tình thương yêu của mình.

Cảm nhận được cái tình tôi gửi gắm nên các con ăn cứ hào hứng khen ngon, còn vợ tôi thì hơi bị… siêng “quảng cáo” những món tôi nấu trên facebook, thỉnh thoảng còn mời các cô bạn đến chơi để chồng có dịp trổ tài bếp trưởng. Những lúc ấy, tôi thấy vợ cười nói rôm rả rất hạnh phúc.

Đôi lúc vợ nhẹ nhàng bảo: “Em không nấu đâu, anh nấu giùm đi”, tôi không nghĩ cô ấy lười hay ỷ lại mà là đang mệt hoặc tranh thủ làm nũng với chồng. Từ chối bớt những độ nhậu, ở nhà vào bếp cùng vợ con là một trong những cách tôi vun đắp cho gia đình nhỏ của mình.

Gian bep co lam dan ong… mat gia?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các anh, trong mắt người vợ và cộng đồng, hình ảnh người đàn ông mang tạp dề sẽ như thế nào? Gian bếp phản chiếu được điều gì lên bức tranh hôn nhân?

Anh Nguyễn Văn Út: Đàn ông thường thích chế biến những món ăn khác lạ, độc đáo hơn so với phụ nữ. Việc này không dễ được vợ chấp nhận ngay, nhưng nếu vợ chồng cùng hợp tác êm đẹp trong bếp, luân phiên nấu nướng thì thực đơn gia đình sẽ đa dạng và hấp dẫn hơn nhiều.

Người đàn ông không nấu nướng được thì cũng phải có thái độ thế nào đó để mát lòng vợ. Có thể làm phụ bếp, làm những việc đơn giản như lặt rau, gọt củ quả, chặt xương… hoặc đứng bên cạnh chờ vợ… sai vặt. Nếu chỉ ngồi xem ti vi, đòi hỏi phải có món ngon vật lạ trong khi vợ lu bu công việc, con nhỏ, tài chính lại eo hẹp thì chắc chắn sẽ tạo áp lực, khiến vợ tâm tư, rất phiền. 

TS Nguyễn Hoài Vũ: Không thể kết luận người đàn ông mang tạp dề hay chỉ ra ngoài làm ăn, mỗi tháng quăng cục tiền cho vợ ai là người mạnh mẽ hơn. Người đàn ông vừa kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp, vừa biết vào bếp cùng vợ sẽ tạo được những cảm nhận tốt đẹp trong lòng người bạn đời.

Tôi nghĩ, đàn ông không vào bếp thì sẽ gia trưởng hóa rất nhanh, cái nhìn dễ bị thiên lệch. Bạn có tin, vào bếp cũng là lúc người đàn ông thư giãn và rèn nhân cách. Tâm lý hướng về gia đình giúp các ông chồng lấy lại tâm trạng cân bằng trong cuộc sống; từ đó có thể nhạy bén, sáng suốt hơn trong công việc.

Nhà thơ Trần Tiến Dũng: Từ nhỏ, bé trai ăn theo khẩu vị của mẹ, nên khi lấy vợ, xung đột đầu tiên trong hôn nhân là xung đột về chuyện ăn uống. Nếu người chồng áp đặt ngay cái khẩu vị đã hình thành từ bé của mình, người vợ sẽ không đáp ứng được. Khi vợ chồng cùng vào bếp, chia sẻ và điều chỉnh khẩu vị của nhau qua từng món ăn thì sẽ tiến dần được đến sự hài lòng, thỏa mãn. Tôi nhớ có lần, khi nghe tôi nói “đàn ông vào bếp phụ giúp vợ thì cũng vui, cũng tốt”; một người bạn người Việt nhưng sống ở nước ngoài của tôi lập tức nói ngay là tôi đã sai.

Theo bạn, mọi sự đóng góp, chia sẻ trong gia đình phải diễn ra một cách tự nhiên như bản chất vốn có của mối quan hệ này. Nói “phụ giúp” là ít nhiều hàm nghĩa ban ơn, ngầm khẳng định đó là trách nhiệm của vợ và chỉ của vợ mà thôi. Nhiều phụ nữ khăng khăng ôm lấy căn bếp, xem không gian đó là của riêng mình, chẳng cho ai động vào, thì không phải là thiên chức, là hy sinh mà là chính họ đang tước đi cái quyền của chồng.

Tư duy này phải được xác định ngay từ khi thiết kế căn nhà, chọn vị trí bếp ở không gian chung, rộng thoáng chứ không nhét vào xó để người đàn ông không cần ngó tới. Trong không gian lý tưởng như thế, hình ảnh người đàn ông sẽ nổi lên như một người hùng đầy phong độ, với vũ khí là xoong nồi, tô chén. Dời gian bếp ra không gian chung, trả bếp cho cả gia đình, cũng là một trong nhiều cách có thể làm thay đổi chất lượng cuộc sống hôn nhân, thậm chí biến chuyển cấu trúc xã hội.

Tô Diệu Hiền

(Thực hiện)

Họa sĩ Đặng Ái Việt:

Chồng tôi, cố NSND Phạm Khắc, khi sinh thời nấu ăn là số một! Tôi cũng số một nhưng là ở khâu… dọn dẹp. Nhờ gương của cha và nhờ được mẹ phân công đi chợ, nấu ăn từ lúc bảy-tám tuổi nên các con trai tôi đều giỏi nội trợ. Nhiều người hỏi, là mẹ chồng, tôi có chạnh lòng khi thấy con mình nấu ăn cho vợ, tôi hỏi tại sao phải chạnh lòng khi con trai mình đang hạnh phúc?

Thậm chí tôi còn dặn vui, lớn lên “làm Ôsin” cho vợ càng nhiều càng tốt nghen các con! Tôi quan niệm, con dâu là người đồng hành với con trai mình, giúp chồng có sự nghiệp, có cuộc sống yên vui chứ không phải là bảo mẫu cho con mình. Người đàn ông không thể thay vợ trong chuyện sinh đẻ, cho con bú… thì phải choàng gánh những việc khác.

Để phụ nữ phải vừa sinh đẻ, chăm sóc con, vừa nấu ăn, đi làm kiếm tiền… trăm công ngàn việc như vậy sao được. Gắn phụ nữ với cái bếp là một quan niệm bất công, vì thật ra đàn ông thuận lợi hơn trong việc nấu nướng nhờ không bị thay đổi vị giác theo chu kỳ kinh nguyệt kiểu đầu tháng thèm chua, cuối tháng thèm mặn như phụ nữ. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI