Triển lãm đa chất liệu, đa loại hình nghệ thuật, là triển lãm đương đại Việt Nam đầu tiên do giám tuyển độc lập người Việt và gallery tư nhân tổ chức tại Paris, khơi mở những dấu mốc mới trong việc tiếp cận nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Pháp.
Các nghệ sĩ tham gia triển lãm lần này gồm: Bùi Công Khánh, Hoàng Thanh Vĩnh Phong, Lê Thúy, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thúy Hằng, Phi Phi Oanh, Richard Streitmatter-Tran, Võ Trân Châu.
Phóng viên: Các nghệ sĩ tham gia triển lãm lần này đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại Việt Nam. Phải chăng chị đang muốn tạo một cái nhìn bao quát nhất làm tiền đề cho những triển lãm tiếp theo?
Giám tuyển Lê Thiên Bảo: Nghệ thuật đương đại Việt Nam vô cùng đa dạng. Lần này, tôi làm việc với thế hệ nghệ sĩ sinh ra trong thập niên 1970-1980, đang sống và làm việc tại Đà Nẵng, TPHCM nên không thể nói là bao quát hết được. Tôi chọn họ với mong muốn mở ra cho công chúng Pháp một cái nhìn đa chiều hơn về cách tiếp cận các chất liệu tạo hình truyền thống của Việt Nam. Tôi nghĩ mình đã chọn đúng, vì phản hồi của giới chuyên môn sau đêm khai mạc rất tốt.
* Làm thế nào để thuyết phục họ cùng tham gia trong một triển lãm đa chất liệu và không có điểm chung về quan điểm sáng tác?
- Mỗi nghệ sĩ có tư duy sáng tạo riêng là việc đương nhiên và rất bình thường. Nhiệm vụ của giám tuyển là xâu chuỗi những cá tính đó lại trong một triển lãm để tạo nên một tổng thể hài hòa và bổ trợ cho nhau. Một môi trường nghệ thuật lý tưởng là khi ở đó mọi người chấp nhận sự bất đồng quan điểm và tôn trọng sáng tạo của người khác.
Tất cả nghệ sĩ trong triển lãm này tôi đều đã từng làm việc hoặc đã quen biết từ ít nhất 6-7 năm nay. Tôi theo dõi và tin tưởng vào con đường họ đang đi. Tôi nghĩ các nghệ sĩ cũng ưu ái và tin tưởng mình trong công việc nên khi tôi đưa ra concept V.I.E… tiếp cận nghệ thuật một cách gần gũi như đời sống, họ đều cảm thấy thích thú và đồng ý tham dự.
* Chỉ chọn 1 hoặc 2 tác phẩm của mỗi nghệ sĩ thì làm sao có thể cho công chúng thấy hết hành trình sáng tạo của họ?
-Khán giả muốn thấy hết thì phải đọc và tự tìm hiểu thêm. Chúng tôi có bài viết giới thiệu, có tên tuổi nghệ sĩ, có thông tin tác phẩm, có Google và website nghệ sĩ. Trừ khi đó là triển lãm cá nhân hoặc hồi cố (retrospective), thông thường triển lãm nhóm chỉ mang tới một series/vài tác phẩm liên quan đến chủ đề chung của cả show. Tôi luôn quan niệm rằng nghệ thuật cần phải cởi mở và có lối dẫn cho tất cả mọi người tiếp cận được, nhưng nghệ thuật không có nhiệm vụ phải trở nên dễ dãi hay phục vụ người xem. Người xem muốn hiểu thì phải cố tìm hiểu. Đó luôn là một quan hệ 2 chiều.
|
Tác phẩm The Youth (Tuổi trẻ) của nghệ sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, màu nước và bột màu trên lụa tại triển lãm V.I.E… |
* Để tổ chức một triển lãm tư nhân như thế cần chuẩn bị những gì? Theo chị, để giới thiệu nhiều nghệ sĩ Việt ra thế giới, đâu là cách tối ưu mà nhà giám tuyển có thể làm?
- Việc đầu tiên là phải tìm được một đối tác dám đầu tư vào quy mô triển lãm như thế và tin tưởng vào tiềm năng của dự án. A2Z Art Gallery tiếp cận tôi trước và ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật đương đại của Việt Nam, vì Anthony Phuong (tên thật là Phương Hiếu Tín) vốn sinh ra ở Chợ Lớn, cùng gia đình đến Paris từ đầu năm 1980. Tôi soạn danh sách các nghệ sĩ mình nghĩ là phù hợp, 2 bên cùng lên ý tưởng. Đương nhiên, khi làm với một gallery thương mại thì vẫn phải nghĩ đến phản hồi của thị trường. Mỗi gallery có một tệp khách hàng khác nhau nên cần cân nhắc tất cả khía cạnh này trước khi chọn ra nghệ sĩ. Quá trình chuẩn bị, lên ý tưởng, chọn tác phẩm và chuyển tác phẩm từ xưởng nghệ sĩ sang Paris mất khoảng 7 tháng.
Đây là triển lãm đương đại Việt Nam đầu tiên do giám tuyển độc lập người Việt và gallery tư nhân tổ chức tại Paris, không phải dưới danh nghĩa ngoại giao hay làm thương hiệu cho nhãn hàng nào, cũng không phải do nghệ sĩ tự thuê chỗ triển lãm. Điều này mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới về nghệ thuật đương đại Việt Nam cho công chúng ở đây, cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tiếp cận thị trường và các bộ sưu tập ở Pháp.
* Có vẻ việc mang tác phẩm Việt ra thế giới là tâm huyết lớn của chị? Sau V.I.E…, chị đang ấp ủ những kế hoạch nào?
- Ước mơ lớn nhất của tôi là được làm việc với những nghệ sĩ mình ngưỡng mộ, kết nối tác phẩm với các nhà sưu tập tốt. Không có nền nghệ thuật non trẻ nào có thể thành công nếu thiếu lực lượng các nhà sưu tập tư nhân hợp tác với gallery tốt để đồng hành với nghệ sĩ. Không phải bảo tàng nước ngoài, không phải giám tuyển quốc tế mà chính mình phải tự nâng đỡ nền nghệ thuật của mình thì mới có thể phát triển lâu dài.
Sau V.I.E…, tôi cùng với Clair Luna, Elena Posokhova và Justine Daquin đồng giám tuyển triển lãm sắp tới tại POUSH vào cuối tháng 3/2023 (trong khuôn khổ Art Paris Weekend). Ngoài ra, tôi đang cùng cô Quinnie TAN mở Galerie BAQ dành cho những đối thoại liên quan đến nghệ thuật đương đại Đông Nam Á.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Thư Hiên (thực hiện)