Giám tuyển Ace Lê: “Sau Sotheby’s, các nhà đấu giá quốc tế sẽ mạnh dạn vào Việt Nam hơn”

08/07/2022 - 15:08

PNO - Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s tổ chức một triển lãm phi thương mại đầu tiên tại Việt Nam và mời Ace Lê - một chuyên gia người Việt - làm giám tuyển. Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ (từ 11 - 14/7 tại Park Hyatt Saigon, TP.HCM), một sự kiện nghệ thuật đặc biệt đang được giới chuyên môn lẫn công chúng chờ đợi.

Thời điểm cần thiết để vào Việt Nam 

Phóng viên: Đây là lần đầu tiên, có một nhà đấu giá lớn trong top đầu của thế giới bước chân vào Việt Nam. Theo anh, điều này có ý nghĩa ra sao?

Giám tuyển Ace Lê: Nó cho thấy rất nhiều điều. Tiềm năng của thị trường mỹ thuật Việt Nam là điều mà tôi không cần phải nói nhiều nữa, vì nó đã được chứng thực qua việc tranh Đông Dương liên tục phá kỷ lục trong mười năm qua. Sotheby’s là một đơn vị kinh doanh, xét ở khía cạnh thương mại, thấy tiềm năng thì họ mới vào. Quyết định có mặt tại Việt Nam theo một dạng thức nào đó, trong trường hợp này là một triển lãm phi thương mại, là một quyết định tương đối chiến lược với họ. Động thái của họ thể hiện sự quan trọng của thị trường Việt Nam trong các thị trường mà họ đặt chân đến. Đồng thời, cũng thể hiện vị thế đứng đầu của họ (đủ tiềm lực thì mới tổ chức được một triển lãm thế này; các nhà đấu giá nhỏ hơn thì khó hơn). Hơn nữa, đây cũng là thời điểm đúng và cần thiết.

* Tại sao lại là thời điểm này và là phi thương mại, thưa anh?

- Thời gian qua, tranh giả/nhái và các vấn đề liên quan đến thẩm định tranh được xem là vấn đề số một với tranh Đông Dương. Tất cả các nhà đấu giá đều vướng lùm xùm liên quan. Sotheby’s cũng không ngoại lệ. Từ đó, tạo ra một thành kiến: Các nhà đấu giá chỉ quan tâm tới lợi nhuận, không quan tâm đến chuyên môn, nghiên cứu, văn hóa bản địa và không tôn trọng con người cộng đồng bản địa. 

Trước các phiên đấu giá, các nhà đấu giá thường tổ chức triển lãm, nhưng nó chỉ dành cho các khách hàng VIP. Sotheby’s cũng thế. Họ chưa bao giờ làm một triển lãm nào phi thương mại cả. Tôi đã thuyết phục họ nên làm một cuộc triển lãm phi thương mại ở Việt Nam, để hướng tới cộng đồng nhiều hơn, để ai cũng có thể xem được. Không dễ nhưng cuối cùng, họ đã đồng ý. 

Tác phẩm Hai mỹ nữ của Mai Trung Thứ trưng bày tại triển lãm Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ

* Những năm qua, có không ít vụ tranh Đông Dương bị khui là tranh giả. Giả dụ, điều này rơi vào triển lãm này, ban tổ chức sẽ ứng xử ra sao?

- Việc này cần một đối thoại cởi mở. Tôi nghĩ đây là điều cần thiết, là điều nên có đối với các triển lãm về tranh Đông Dương. 

Trong vai trò giám tuyển, tôi đã cố gắng thẩm định một cách chặt chẽ nhất có thể. Sau khi kết nối để mượn tranh, chọn ra những bức cảm thấy tự tin nhất, có lai lịch rõ ràng nhất; rồi thu thập thêm thông tin từ các nhà sưu tập; sau đó thẩm tra độc lập lại từ nhiều nguồn và kết hợp với đánh giá về mặt thị giác. Cuối cùng ngồi lại với ban thẩm tra của Sotheby’s để chọn lại. Từ 200 bức tranh đề cử, lựa ra 56 bức có mặt trong triển lãm lần này. Đồng thời, cũng lấy thêm ý kiến chuyên gia tại Việt Nam. Họ có thể là người quen biết với gia đình cố họa sĩ, có thể là người thuộc giới nghiên cứu.

Đây là lần đầu tiên, một nhà đấu giá lớn tin tưởng người Việt làm giám tuyển và thẩm định giúp họ. Tôi không muốn chỉ có một mình mình tham dự vào câu chuyện này. Nói có vẻ khá to tát, nhưng cũng là thật lòng, tôi mong muốn bắc cầu để các nhà đấu giá quốc tế tin tưởng giới chuyên gia người Việt nói chung. Qua đây, tôi cũng cảm ơn các chia sẻ của các nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, Phạm Long, Phạm Quốc Đạt, Kevin Vương, anh Lý Đợi… 

Tác phẩm Hai mỹ nữ của Mai Trung Thứ (ảnh phải) và tác phẩm Thiếu nữ vuốt tóc của Lê Phổ (ảnh trái) là hai trong số nhiều tác phẩm nổi tiếng được trưng bày tại triển lãm Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ
Tác phẩm Thiếu nữ vuốt tóc của Lê Phổ  tại triển lãm Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ

Sau Đông Dương sẽ tới hậu hiện đại, đương đại 

* Anh có cho rằng, sự kiện lần này tạo ra một tầm mới cho thị trường mỹ thuật đương đại của Việt Nam không?

- Ở khu vực Đông Nam Á, thị trường đấu giá tại một số nước đã đi trước mình rất lâu rồi. Chẳng hạn, tranh của họa sĩ người Philippines Ronald Ventura (sinh năm 1973) đạt mức khoảng 2 triệu USD từ vài năm trước - tương đương mức giá cho danh họa thời kỳ Đông Dương ở ta (từ 100 năm trước). Mà hiện tại ở ta, về tranh đương đại, chưa ai vượt qua mức 100.000 USD. Tôi hy vọng, điều bạn nói sẽ là chương tiếp theo của câu chuyện này. 

Việt Nam có thể trở thành điểm đến của giới sưu tập quốc tế?

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang là thị trường tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Nhiều nhà sưu tập trong khu vực đã bắt đầu để ý và mua tác phẩm của ta rồi. Vì sức bật của thị trường mỹ thuật Việt Nam quá cao. Trong giai đoạn vừa rồi còn tăng phi mã. Họ nhìn nó dưới dạng một kênh đầu tư có tính thanh khoản cao.

Nếu Việt Nam đi được những bước đi chiến lược, tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường, đồng thời, tạo điều kiện để các nhà đấu giá quốc tế có mặt ở đây, chắc chắn thu hút được đầu tư không nhỏ từ nước ngoài. 

Giám tuyển Ace Lê

Hiện tại, tất cả thanh khoản của các nhà đấu giá đang dồn hết về tranh Đông Dương. Sau giai đoạn Đông Dương, sẽ là giai đoạn hiện đại, hậu hiện đại, sau đó mới đến đương đại. Rồi cũng đến lúc, thị trường tranh Đông Dương sẽ cạn nguồn cung, người ta chỉ mua vào mà không bán ra nữa. Giá càng ngày càng bị đẩy lên, nhiều người không có điều kiện để mua. Họ sẽ chuyển qua mua tác phẩm ở những giai đoạn khác. Họ sẽ tràn sang cổ vật, qua giai đoạn kháng chiến, hậu hiện đại, đương đại… Đó là những khả năng tiếp theo của thị trường. Tôi mong muốn sẽ đến bước sau là đương đại, để những nghệ sĩ hiện nay của ta có thể sống bằng tác phẩm của họ. 

Trước sự kiện này, chưa có nhà đấu giá quốc tế nào vào nước ta cả. Các giao dịch đều diễn ra ở nước ngoài. Ta bị chảy máu thanh khoản ra bên ngoài rất nhiều. Sau triển lãm này, nếu họ quyết định thành lập chi nhánh ở Việt Nam, người Việt không phải đi đâu để giao dịch tranh nữa. Chưa kể, cũng thu hút các nhà sưu tập nước ngoài vào Việt Nam. Hiện ta cũng có các nhà đấu giá, nhưng họ cũng có những hạn chế nhất định. Chưa có nhà nào bứt lên được như nhà đấu giá quốc tế. Cách nhanh nhất để tạo đà cho thị trường tốt hơn, là sự hiện diện của các nhà đấu giá lớn, mà Sotheby’s có thể là nhà đầu tiên. Sau Sotheby’s, có thể có những nhà đấu giá khác cũng mạnh dạn vào Việt Nam.

* Theo anh, sự xuất hiện của Sotheby’s có kích hoạt hoạt động đấu giá nội địa trở nên chuyên nghiệp hơn không?

- Là một đơn vị quốc tế hoạt động lâu đời, có chi nhánh rộng khắp, họ sẽ mang đến những trải nghiệm chuẩn hơn về mặt dịch vụ, từ đó tạo ra tính cạnh tranh cao hơn. Ví dụ: Bảo hiểm cho tranh. Trong khi đây là một quy trình hết sức cần thiết, thì ở nước ta hiện nay, tất cả nhà đấu giá, các triển lãm, đều không có bảo hiểm cho tranh. Hoặc, quá trình vận chuyển tranh cũng phải theo chuẩn. Ở ta có không ít vụ ồn ào liên quan đến quá trình vận chuyển tác phẩm gây hư hại, ảnh hưởng tới tác phẩm. 

* Lâu nay, các nhà đấu giá quốc tế không sử dụng chuyên gia người Việt để thẩm định tranh Đông Dương, nhưng sự kiện lần này cho thấy động thái ngược lại của Sotheby’s. Anh nghĩ lý do là gì? 

- Họ là những người làm kinh doanh, rất thông minh. Những gì có ý nghĩa lâu dài về mặt thương mại, họ sẽ đầu tư vào. Việc cần có mặt của chuyên gia người Việt để thẩm định tranh Đông Dương là chuyện một sớm một chiều. Nhưng với người làm kinh doanh, muốn thuê thêm một người khác dành riêng cho thị trường Việt Nam thì phải cân đo đong đếm rất nhiều vì liên quan đến chi phí kèm theo. Chỉ khi nào thị trường đó chứng minh nó đủ tiềm năng, thì người ta mới đầu tư vào. Tôi nghĩ, đây là thời điểm đúng, và họ đi trước như thế, cũng là điều đáng động viên. 

* Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, đội ngũ chuyên gia ở ta hiện nay còn rất nhiều hạn chế…

- Đúng là có nhiều vấn đề cần bàn. Nhiều bạn trẻ có khả năng nhưng thích làm mảng đương đại hơn. Trong khi đó, các nhà đấu giá cần chuyên môn bên mảng hiện đại. Các chuyên gia thuộc thế hệ đầu, có người đã về hưu, nhiều người không thành thạo ngoại ngữ, cũng không nắm được cách thị trường quốc tế vận hành. Còn thế hệ trẻ hơn, có kiến thức về thương mại, nhưng cần trau dồi kiến thức về lịch sử văn hóa nghệ thuật. Đó là thách thức, mà cũng là cơ hội. Nhưng tôi luôn muốn các bạn trẻ thử sức mình nhiều hơn.

* Cảm ơn anh! 

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI