Thông tin về việc có một số bản khác nhau của cùng một tác phẩm Trà đàm (1971) của danh họa Mai Trung Thứ, trong đó, có một bức sẽ có mặt trong phiên sắp tới của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) trên trang Facebook cá nhân của giám tuyển Ace Lê đang thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật lẫn giới sưu tập tranh Việt Nam. Từ Singapore, Ace Lê nói, anh muốn đưa ra một lời “kêu gọi mở” đối với vụ việc này nói riêng và hiện trạng tranh Đông Dương bị làm giả nói chung, vốn đã nhức nhối nhiều năm qua.
Ace Lê là thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và thực hành giám tuyển (người trực tiếp phụ trách việc sưu tập, giám định, phục chế, bảo quản, trưng bày, tổ chức triển lãm cho các bảo tàng hoặc nhà trưng bày nghệ thuật) tại Đại học Công nghệ Nanyang, đồng sáng lập nhóm giám tuyển Of Limits, đồng thời đang làm nghiên cứu ở trung tâm nghệ thuật NTU CCA Singapore.
* Phóng viên: Giá tranh Đông Dương lũy tiến liên tục trong vài thập niên gần đây. Theo anh, lý do là gì?
Giám tuyển Ace Lê: Tranh Đông Dương ngày càng có giá vì đã trải qua phép thử của thời gian suốt một thế kỷ. Nhiều nhà sưu tập Việt vẫn thiên về gu duy mỹ và xu hướng hoài cổ, nên chuộng tranh hiện đại với quy tắc thẩm mỹ cổ điển.
Giá tranh càng lên, càng thu hút thêm nhóm đầu cơ đón sóng tranh kiếm lời, ngoài khách Việt, gần đây có thêm khách từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đông Nam Á và Tây phương.
|
Bức Trà đàm (1971) đấu giá ở nhà Sotheby’s năm 2020 và 2004 Bức Trà đàm (1971) đấu giá ở nhà Aguttes cuối tháng Chín này
|
Ở giữa hai bên mua - bán, cánh môi giới, gồm cả sàn đấu giá, được hưởng lợi nhiều. Đây là bài toán kinh doanh, chúng ta không thể ngăn cản họ, có điều việc giao dịch bất chấp thật giả vẫn là một vấn nạn lớn. Những nhà sưu tập nghiêm túc thường sưu tập theo chủ đề, với tầm nhìn dài hạn, bỏ nhiều công nghiên cứu, ấn bản và triển lãm. Ở ta, số lượng này chưa nhiều, nhưng tôi đã thấy ngấp nghé một thế hệ nhà sưu tập mới, trẻ, ở cả phân khúc hiện đại và đương đại, có năng lực tài chính và cống hiến nghiêm túc, đây là niềm hy vọng mới cho nghệ thuật nước nhà.
* Những giao dịch tranh giả diễn ra ở nước ngoài gây tổn hại đối với mỹ thuật Việt Nam ra sao?
- Trường hợp họa sĩ Bùi Xuân Phái là một ví dụ cay đắng. Thật giả lẫn lộn khiến người ta e ngại giao dịch tranh cả trong và ngoài nước, làm giảm giá đáng kể. Tôi tin có những đường dây, những “lò” làm tranh giả quy mô lớn, nhái từ tranh Đông Dương tới kháng chiến, đã hoạt động nhiều thập niên qua. Nhiều vụ bị phơi bày ra ánh sáng, rồi chìm vào quên lãng. Chỉ có nền mỹ thuật Việt Nam chịu tai tiếng, thanh danh họa sĩ và gia đình bị tổn hại. Còn những người đứng sau, bên môi giới và đấu giá tranh giả, vẫn hưởng lợi sau mỗi giao dịch.
* Được biết, người thân của các tác giả đã mất cũng có quyền phản đối trước một giao dịch tranh giả…
- Tác quyền bao gồm quyền kinh tế và quyền nhân thân. Khi tác giả mất đi, quyền nhân thân thuộc về người thân của họ. Khi phát hiện tranh giả, gia đình có quyền phản đối việc phân phối và giao dịch chúng để bảo vệ danh tiếng cho tác giả và tác phẩm. Nhưng ai sẽ là người lên tiếng trong trường hợp chính người nhà làm giả tranh của người đã khuất? Khi luật còn chưa chặt chẽ, cộng đồng chỉ còn cách tự trau dồi kiến thức, chuyên môn, kêu gọi sức mạnh của dư luận, truyền thông để tẩy chay các trường hợp xấu. Về lâu dài, nhất thiết nên hỗ trợ thiết lập những trung tâm giám định với chuyên gia uy tín, cùng khả năng thẩm định pháp khoa, thị giác, lai lịch.
|
Một trong những bức tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái bị nghi là tranh giả khi đưa lên sàn đấu giá |
* Năm 2017, dư luận rúng động bởi triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đều là tranh giả. Đằng sau đó, có chuyện các chuyên gia thẩm định nước ngoài trục lợi trên danh tiếng của những danh họa Việt. Sau vụ việc, Hội Mỹ thuật Việt Nam gửi văn bản tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu làm rõ. Nhưng tới nay vẫn chưa thấy kết quả. Vai trò của các cơ quan chức năng trong câu chuyện này ra sao, thưa anh?
- Với những giao dịch ở nước ngoài, kiện tụng phải tuân theo luật sở tại khá rắc rối và tốn kém, nên người bị hại ở nước khác phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Song, vụ “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đã diễn ra ở Việt Nam tại một bảo tàng công, lẽ ra các cơ quan chức năng phải vào cuộc rốt ráo. Bằng chứng rất rõ, báo chí trong nước và quốc tế đều đưa tin, nhưng người đứng sau là Jean-Francois Hubert lại không chịu bất cứ một hình phạt nào, thậm chí, nhà đấu giá Christie’s còn thăng chức cho ông ta. Lẽ ra cơ quan chức năng nên phối hợp với Hội Mỹ thuật để đưa ra kết luận cuối cùng, kèm chế tài xử phạt. Với một vụ việc lớn như vậy, không chỉ uy tín những người liên quan như nhà sưu tập, họa sĩ, bảo tàng… bị ảnh hưởng, mà uy tín của cả nền mỹ thuật quốc gia cũng bị lung lay.
* Việc những nhân vật tai tiếng như vậy vẫn có “đất sống” và tiếp tục “diễn”, một phần vì các nhà đấu giá quốc tế không tin tưởng vào chuyên gia người Việt. Có phải, vì ta chưa có chuyên gia đáng tin cậy?
- Ở Việt Nam, nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử và phê bình nghệ thuật thế hệ đầu đều chuyển từ các ngành khác qua. Thế hệ nghiên cứu mới đang có nhiều bạn trẻ được đào tạo chuyên môn bài bản cả trong và ngoài nước, với khả năng nghiên cứu và ngoại ngữ tốt, cùng mạng lưới quan hệ để tiếp cận những nguồn thẩm định uy tín. Không có lý gì để các nhà đấu giá quốc tế thuê những “chuyên gia” tranh Việt mà không nói được tiếng Việt, với kiến thức văn hóa Việt hổng rất sâu. Đây cũng là cơ hội để các nhà đấu giá trong nước học hỏi và tự nâng cấp bản thân - biết đâu họ sẽ tiến xa hơn nhà đấu giá quốc tế? Cộng đồng nghệ thuật Việt, trong đó có các nhà sưu tập, cũng có thể đặt niềm tin vào thế hệ chuyên gia nghiên cứu trẻ.
* Cảm ơn anh.
Đậu Dung (thực hiện)