Giảm tổng mức đầu tư, quyết liệt làm sân bay Long Thành

24/10/2019 - 18:09

PNO - Trong báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị, tổng mức đầu tư chỉ còn 4,799 tỷ USD, giảm hơn 650 triệu USD.

Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Theo báo cáo, dự án gồm 3 giai đoạn đầu tư, với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.

Giam tong muc dau tu, quyet liet lam san bay Long Thanh
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo nghiên cứu

Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị: 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD (tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó là 5,45 tỷ USD). Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiến nghị giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước giao, công trình thiết yếu của hàng không, trong đó ACV cần huy động số vốn 4,194 tỷ USD.

Hiện ACV đã tích lũy tiền mặt là 25.268 tỷ đồng và giai đoạn 2019 - 2015 dự kiến tích lũy được 12.339 tỷ đồng, sẽ bố trí được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, và số còn lại 2,628 tỷ USD sẽ đi vay.

Ngoài ra, báo cáo này còn yêu cầu bổ sung 2 tuyến đường bộ kết nối, bao gồm các nút giao. Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng). Diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha. Hai tuyến đường này cũng được đề xuất giao cho ACV trực tiếp đầu tư.

Giam tong muc dau tu, quyet liet lam san bay Long Thanh
Bản mô phỏng dự án sân bay Long Thành

Trình bày trong báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - nhận thấy, theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công, dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàn không quốc tế Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ; nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công.

"ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV" - ông Thanh nhấn mạnh.

"Tạo thuận lợi tối đa nhưng phải giám sát thật chặt"

Đó là quan điểm của Đại biểu Dương Trung Quốc trong buổi thảo luận tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo ông Quốc, khi tiếp cận với người dân quan tâm đến dự án, đã nhận được nhiều ý kiến, băn khoăn về dự án này.

"Sân bay Long Thành sẽ đáp ứng nhu cầu trước mắt, trong tình hình các sân bay quan trọng đã quá tải. Với một dự án kéo dài như vậy, trong thời điểm khoa học công nghệ phát triển nhanh, liệu nó có bị tác động làm thay đổi. 15-20 năm nữa thì nó là cái gì? có thể hiện được vai trò như ta mong muốn hay không?" - Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề.

Ông Quốc cũng đặt vấn đề về cơ chế, nhất là khi các ban ngành của Chính phủ chưa thực hiện. "Đồng Nai có những lúc đứng trước tình hình tiền thì có nhưng không triển khai được, bởi vì cơ chế chưa có", ông Quốc nói.

Giam tong muc dau tu, quyet liet lam san bay Long Thanh
Đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến tại cuộc họp tổ

Vì vậy, theo đại biểu này, phải cố gắng giải quyết tương đối dứt điểm, tương đối nhanh, nhất là với việc đền bù, càng làm tập trung một lúc thì càng tốt, tránh được sự bất công và tình trạng người gương mẫu nhất, tích cực nhất chịu thiệt thòi bởi những người về sau chây ì hoặc vì lý do khác, đành phải có biện pháp về kinh tế để khuyến khích họ.

Một vấn đề nữa cũng được nhiều người quan tâm là phương thức đầu tư, nhất là chỉ định thầu cho những doanh nghiệp lớn của Nhà nước có phù hợp xu thế không, có rủi ro gì không.

"Trong thực tế vừa qua, Luật Đấu thầu đã có những vấn đề nảy sinh từ thực tế, chưa kịp điều chỉnh. Đó là chưa kể có những vấn đề hết sức khó và tế nhị" - Đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án, Đại biểu Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cho rằng, cần chuẩn bị để vào cuộc càng nhanh càng tốt, để ổn định cuộc sống cho người dân và dòng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng đề nghị Chính Phủ làm rõ hạng mục 4: Các công trình dịch vụ phụ trợ giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư hoặc xã hội hóa đầu tư.

"Chúng ta phải làm rõ là chúng ta đứng ra bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho ACV hay giao cho ACV bắt đầu ngay từ đầu, đưa tiền vào bồi thường giải phóng mặt bằng. Hai câu trả lời cho vấn đề này sẽ có hai cơ chế vận hành khác nhau. Cái này đề nghị Chính phủ phải làm rõ và minh bạch.

Giam tong muc dau tu, quyet liet lam san bay Long Thanh
Đại biểu Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiện ủy ban Tư pháp Quốc hội

Ngoài ra, trong tờ trình của Chính phủ có nói thêm về việc chấp thuận chủ trương tuyến đường số 1 và số 2 kết nối cho sân bay. Trong nghị quyết 94, Quốc hội cũng giao cho Chính Phủ thiết kế công trình phụ trợ, đường giao thông kết nối để phát huy hiệu quả của dự án. Không biết tại sao đến giờ lại đề xuất thêm. Tôi có cảm giác họ vừa thiết kế vừa thi công, không có một tầm nhìn trước để đưa ra cho Quốc hội quyết một lần. Đề nghị Chính Phủ giải trình thêm" - Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.

Ông Hồng cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc giao dự án cho ACV theo phương thức đấu thầu chỉ định. Điều đó không rõ có liên quan đến hiệp định Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hay không? Trong đầu tư công có vướng gì không? Đó là điều cần phải làm rõ.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI