Giảm thuế giá trị gia tăng nhưng sức mua vẫn yếu

12/10/2023 - 18:51

PNO - Chị Thu Hiền - tiểu thương chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) - cho biết, mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% chưa giúp giảm giá hàng hóa nên hầu như người tiêu dùng không mấy quan tâm và sức mua vẫn yếu.

Nhiều mặt hàng vẫn tăng giá

Chị Lan - chủ sạp bách hóa Thiện trong chợ An Đông (quận 5, TPHCM) - cho biết, dù hàng hóa đang được giảm thuế giá trị gia tăng nhưng giá nhiều mặt hàng chẳng những không giảm mà còn tăng khá cao. Chẳng hạn, giá đường cát trắng nhập từ Thái Lan tăng thêm 2.000 đồng/kg, lên 27.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá đường cát trắng đã tăng thêm 6.000 đồng/kg. 

Theo chị Lan, trong tháng Mười này, giá gạo tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng/kg so với hồi tháng Tám. Hiện giá gạo tẻ thường là 17.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon 22.000 đồng/kg, nếp 40.000 đồng/kg. Do giá gạo tăng nên các loại bột gạo, bột nếp thương hiệu Tài Ký, Vĩnh Thuận, Sa Đéc AA… đều tăng giá thêm 4.000 đồng/kg, hiện ở mức 22.000 đồng/gói 400g (tăng gần 10.000 đồng/kg); giá các loại bột bắp, bột năng, mì sợi, phở, bún… đều tăng thêm 500 đồng/gói 150g (tăng hơn 3.000 đồng/kg). Các sản phẩm cà phê gói hòa tan cũng tăng giá, từ 110.000 lên 113.000 đồng/bịch 720g. 

Trung tâm thời trang UNIQLO ở quận 1, TPHCM  trưng bảng giảm 2% VAT ở nơi dễ thấy nhưng không có nhiều người tiêu dùng chú ý - ẢNH: T.HOA
Trung tâm thời trang UNIQLO ở quận 1, TPHCM trưng bảng giảm 2% VAT ở nơi dễ thấy nhưng không có nhiều người tiêu dùng chú ý - Ảnh: T.Hoa

Ngoài các nguyên liệu thực phẩm, hàng hóa trên, theo chị Lan, giá các mặt hàng khác đứng yên dù đang được giảm 2% VAT, ngoại trừ giá dầu ăn có giảm theo giá thế giới: “Nhân viên của các doanh nghiệp giải thích, do nguyên liệu đầu vào tăng, giá điện tăng, giá xăng dầu tăng đẩy cước phí vận chuyển tăng nên dù đã giảm 2% VAT, giá hàng hóa vẫn không thể giảm”. 

Chị Thu Hiền - chủ sạp Hiền Lan trong chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) - cho rằng, mức giảm VAT 2% là quá thấp so với mức tăng giá hàng hóa nên người tiêu dùng ít quan tâm: “Ví dụ khi mua món hàng 20.000 đồng mà chỉ được giảm VAT 400 đồng thì cũng như không. Nếu người ta có tiền để mua món hàng từ 500.000 đến 1 triệu đồng thì mức giảm 10.000-20.000 đồng cũng không đủ để phấn khởi”.

Chủ một số đại lý kinh doanh hàng hóa cũng cho hay, do mức giảm VAT quá ít nên có nơi áp dụng, có nơi không, khiến tác động của chính sách này chưa rõ rệt.

Nên giảm VAT nhiều hơn nữa

Mới đây, Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục kéo dài chính sách giảm VAT 2% sang 6 tháng đầu năm 2024. 

Dưới góc nhìn của nhà sản xuất, ông Phạm Thanh Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi - cho rằng, khi giảm VAT, có thể nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ bị giảm nhiều, nhưng trong bối cảnh sức tiêu thụ hàng hóa thấp như hiện nay thì việc giảm 2% VAT không mang lại tác dụng đáng kể, người tiêu dùng không mấy quan tâm. 

”Sức mua của người dân đang quá thấp là do kinh tế chưa khởi sắc, nên việc giảm VAT 2% hay nhiều hơn nữa cũng không thể kích thích họ mua hàng hóa. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi, người dân mạnh dạn chi tiêu hơn, việc giảm VAT mới thực sự kích thích tiêu dùng”.

Trương Thị Hồng Hà Giám đốc Khánh Hà Food

Theo ông, sức mua hàng hóa thấp là do người dân không dám xài tiền chứ không hoàn toàn do không có tiền. Bằng chứng là lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng trong tháng 7/2023 tiếp tục tăng thêm 6.700 tỉ đồng so với tháng 6/2023. Do đó, phải có biện pháp kích thích người dân tiêu xài và nên giảm VAT ít nhất là 5% thay vì chỉ 2%. Đồng thời, nên nâng lương công chức để tạo động lực làm việc, tăng hiệu suất giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. 

Theo ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - trước đây, khi có đợt giảm giá, các loại thực phẩm thiết yếu luôn đắt hàng. Còn hiện nay, nhà sản xuất đã giảm giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gà… thì doanh số bán lẻ vẫn giảm khoảng 20%, doanh số bán sỉ (cho bếp ăn công nghiệp, doanh nghiệp chế biến) cũng giảm 40 - 50%. “Việc giảm thuế VAT 2% cũng phần nào kích thích được mức tiêu thụ trên thị trường, nhưng nếu được thì nên giảm sâu hơn, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn” - ông đề xuất. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, mức giảm VAT 2% không đủ kích cầu tiêu dùng, khiến doanh nghiệp khó tái sản xuất kinh doanh. Ông đề nghị, trong bối cảnh này, VAT nên được miễn (giảm cả 10% thay vì 2%) giống như với thuế trước bạ ô tô, may ra có thể tác động đến hành vi của người tiêu dùng. Thời gian áp dụng nên hết năm 2024 thay vì chỉ trong 6 tháng. 

Bên cạnh đó, theo ông, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế Thu nhập cá nhân (người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng) để người làm công ăn lương giảm số thuế phải nộp hằng tháng thay vì phải chờ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2026 như dự kiến. Số thuế này được giảm thì người dân sẽ dùng tiền này để chi tiêu. 

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - để kích cầu tiêu dùng, cần thực hiện nhiều giải pháp chứ không chỉ giảm VAT 2%. Hiện nay, các vấn đề về thuế vẫn gây khó cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hoàn thuế từ khá lâu mà vẫn chưa được giải quyết, doanh nghiệp chuyển địa chỉ sang quận khác cũng bị chậm hoàn thành quyết toán thuế, khiến cơ hội kinh doanh bị hạn chế. Tình trạng hàng gian, hàng giả đang có xu hướng tăng, cũng ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp. 

Thời gian qua, HUBA đã phối hợp với UBND các quận, huyện và các ngành nghề tổ chức nhiều hội chợ nhằm xúc tiến thương mại. Để kích cầu tiêu dùng, HUBA mong được chính quyền các cấp thu xếp, bố trí các bãi đất rộng cho hội chợ bán hàng, có chính sách giảm giá thuê gian hàng cho doanh nghiệp, tăng cường liên kết vùng giữa các doanh nghiệp. Chính quyền thành phố cũng nên hỗ trợ hoạt động tổ chức hội chợ, như xây dựng trung tâm hội chợ có tầm cỡ, trung tâm bán hàng tồn kho. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI