Giảm thời hạn bằng lái xuống còn 5 năm: Chỉ thêm phiền, tốn kém cho dân!

25/08/2020 - 20:12

PNO - Đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tốt, nhưng chắc chắn không thể bằng cách gây phiền hà, tốn kém cho người dân.

Trong dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất, vừa được Bộ Công an trình Chính phủ, quy định thời hạn một số loại giấy phép lái xe chỉ còn 5 năm so với mức 10 năm như hiện nay đã gặp phải rất nhiều phản ứng, cho rằng đó là quy định gây phiền hà, khó khăn cho người dân.

Việc rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe từ 10 năm xuống còn 5 năm sẽ gây rất nhiều phiền hà và tốn kém cho người dân
Việc rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe từ 10 năm xuống còn 5 năm theo dự thảo của Bộ Công an sẽ gây rất nhiều phiền hà và tốn kém cho người dân

Cần biết rằng, thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe hiện nay yêu cầu người lái xe phải nộp: (1) Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe, (2) Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, (3) Bản sao giấy phép lái xe, giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân.

Tất cả hồ sơ này sẽ nộp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải địa phương, nộp lệ phí 135 ngàn đồng và chờ từ 1-5 ngày làm việc để có bằng lái mới.

Cũng cần biết rằng, ngay cả dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thì giấy phép lái xe hạng B (được điều khiển cả xe số sàn lẫn xe số tự động - loại bằng được giới lái xe taxi, xe công nghệ sử dụng nhiều nhất) thì thời hạn giấy phép lái xe này được quy định là 10 năm.

Rút thời hạn giấy phép lái xe hạng B từ 10 năm xuống còn 5 năm, ngoài chuyện có thể va chạm luật, chúng ta không tạo ra được tác động tích cực nào và cũng không có bất kỳ cơ sở nào để lý giải. Hạn 5 năm có gì ưu việt hơn 10 năm? Hạn 5 năm liệu có kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông không? Nếu không, đó chỉ là động tác gây phiền nhiễu cho người dân vốn đang từng ngày phải vất vả mưu sinh trên những chuyến xe.

Có thể Bộ Công an đã quên, hiện nay, để có thể ôm vô-lăng chạy xe dịch vụ, các bác tài taxi, xe công nghệ phải có Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải, mỗi 2 năm phải học để được cấp lại một lần. Ngoài ra, cũng theo quy định, các bác tài phải có giấy khám sức khoẻ, tái khám mỗi 6 tháng/lần, bao gồm test ma tuý (chưa kể những chiếc xe kinh doanh có hạn đăng kiểm ngắn hơn).

Nếu nói rằng việc rút thời hạn giấy phép lái xe để kiểm tra sức khoẻ người lái xe (theo quy định cấp đổi giấy phép) thì đây là động tác thừa, chỉ khiến cánh lái xe tốn thêm chi phí khám sức khoẻ (không rẻ) - điều họ phải làm thường xuyên. Nếu rút thời hạn giấy phép lái xe để tài xế phải học lại, cập nhật kiến thức mới thì cũng là động tác thừa, bởi đây là việc các bác tài vẫn thường xuyên làm.

Chưa kể, đổi giấy phép lái xe trong thời hạn quy định, việc các bác tài phải làm chỉ là làm... thủ tục và đóng phí và chờ chứ không phải học thêm hay được bồi dưỡng kiến thức nào. Việc thi lại lý thuyết và/hoặc thi lại lý thuyết lẫn thực hành chỉ áp dụng khi người lái xe đổi bằng lái trễ hạn.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ là nhu cầu bức thiết của xã hội và việc các quy định được cập nhật, điều chỉnh nhằm nâng cao sự an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân là điều hết sức đáng hoang nghênh. Nhưng đảm bảo an toàn không phải là tạo thêm phiền hà, tốn kém cho dân, đương nhiên, dân sẽ khó lòng ủng hộ.

Phạm Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI