Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu: Đề xuất hợp lòng người lao động

27/04/2021 - 06:26

PNO - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), trong đó đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm (theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014) xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm, với mức hưởng được tính toán phù hợp. Hướng điều chỉnh này là phù hợp với mong mỏi của người lao động (NLĐ).

Dưới đây là một số ý kiến bạn đọc và các chuyên gia.

Với nhiều nghề nghiệp, nhiều đối tượng, đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu rất được đồng tình
Với nhiều nghề nghiệp, nhiều đối tượng, đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu rất được đồng tình

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động về lâu dài

Về bản chất, khi NLĐ đăng ký nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời khỏi hệ thống BHXH, chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội… Do vậy, việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH 2014, trong đó có việc thắt chặt các điều kiện hưởng BHXH một lần, rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu, là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ về lâu dài. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM)

Giúp người lao động không bỏ BHXH giữa chừng

Nghề nuôi dạy trẻ đòi hỏi người giáo viên phải có nghiệp vụ chuyên môn và sức khỏe, sắc vóc. Dù rất giỏi nghề, yêu nghề, mến trẻ, nhưng không ít giáo viên thế hệ trước chúng tôi cho rằng: qua tuổi 50 họ “hết sức” để làm một cô giáo tận tâm, tận tụy với trẻ. Cho nên, khi nghe quy định về tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 với nữ, đa phần giáo viên mầm non chúng tôi rất lo lắng. Nay nghe đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm, chúng tôi cảm thấy yên lòng. Quy định này sẽ giúp NLĐ ở các ngành nghề đặc thù như chúng tôi không bỏ cuộc giữa chừng khi tham gia BHXH.

Cao Thị Hồng Nhi (giáo viên mầm non, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)

Nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu

Thời gian đóng BHXH theo quy định hiện hành là quá dài với một đời người. Điều này là không kích thích, không tạo sự an tâm cho NLĐ ở các khu vực không chính thức, lao động tự do tham gia BHXH. Đây là lý do vì sao lâu nay chúng ta tuyên truyền rất nhiều, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn quá ít (cả nước chỉ có khoảng 1/3 lao động tham gia BHXH) gồm cả BHXH tự nguyện và bắt buộc.

Việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm, là đề xuất cần thiết, phù hợp, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Tôi nghĩ, cùng với việc rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  cùng Chính phủ cần nghiên cứu quy định về chế độ hưu trí giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. 

Tô Thị Bạch Yến (Quản trị nhân sự một công ty liên doanh tại TPHCM)

Thu hút và giữ chân người lao động duy trì đóng BHXH dài lâu 

Khi chúng ta nghĩ sâu hơn về quyền lợi thực sự của NLĐ với những chính sách hợp lòng người như đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH, chúng ta sẽ thu hút và giữ chân NLĐ duy trì đóng BHXH dài lâu hơn. Những nhóm đối tượng khác cũng có thêm động lực để tham gia BHXH. Tôi hoan nghênh đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, luật có kẽ hở, thiếu tính bảo vệ cho quyền, lợi ích của NLĐ thì phải đề xuất sửa đổi cho phù hợp thực tế.

Đã đến lúc BHXH Việt Nam phải để ý đến những đối thủ cạnh tranh khác. Hiện có nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã cho ra đời các gói bảo hiểm hưu trí với chính sách hấp dẫn, những lao động có điều kiện kinh tế đã lựa chọn nó.

Nguyễn Thị Hồng Phượng (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc)

Gần 32 triệu lao động chưa tham gia BHXH

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến năm 2020, cả nước mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.

Đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam) nhưng chỉ có 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu (chiếm 22,1%). Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì cũng chỉ có gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hằng tháng, vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) nằm ngoài hệ thống BHXH.

Năm 2020: 1 triệu người tham gia BHXH nhưng 880.000 người rời khỏi hệ thống

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, số lao động nghỉ việc hưởng BHXH một lần đang có xu hướng tăng qua các năm. Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm tăng khoảng 9%. Trong ba tháng đầu năm 2021 có 226.503 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, quy định về điều kiện và thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ đã dẫn đến số người rời bỏ hệ thống BHXH khá lớn... Bằng chứng là năm 2020 có 1 triệu người tham gia BHXH nhưng cũng có 880.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH.


Hạnh Chi (ghi)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI