Dư luận đang bất bình khi xuất hiện clip ghi lại cảnh một nam sinh bị một giám thị tát liên tục vào mặt ngay trên bục giảng với lý do học sinh gây ồn, làm mất trật tự. Giám thị, tuy không phải là giáo viên trực tiếp giảng dạy hay cho điểm nhưng lại có tiếng nói không nhỏ trong việc đánh giá hạnh kiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến xếp loại học sinh. Nắm không ít "quyền sinh sát" trong tay, nếu hành xử không khéo, hình ảnh người giám thị trở nên xấu xí trong mắt học trò.
Giáo viên còn ngán nói gì học sinh!
Ngày 25/11, cô Lê Thị Chín, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.7, TP.HCM) xác nhận clip gây bão đó ghi lại hình ảnh trong giờ tự quản của một lớp 7 tại trường mình. Theo tường trình của vị giám thị trong clip, do nhóm HS ồn ào, thầy giám thị Đ.T.A. nhắc nhở không được, trong lúc nóng giận, thiếu kiềm chế, thầy đã tát một HS. Hiện nhà trường tạm thời đình chỉ công tác giám thị này và đang trong tiến trình xử lý kỷ luật, vi phạm đạo đức nhà giáo theo quy định và báo cáo lên cấp trên.
Cô Chín nhìn nhận: "Tôi không đồng ý với cách hành xử của thầy T.A. Chúng tôi đã căn dặn, nhắc nhở nhiều lần là không được xúc phạm, làm tổn hại HS trên bất kỳ phương diện nào. Để sự việc xảy ra, chúng tôi phải rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm thầy T.A. và quán triệt với tất cả giám thị, GV khác". Không phải đợi đến vụ này, những ý kiến tiêu cực về giám thị đã râm ran từ lâu, ở rất nhiều trường. Giám thị dọa nạt, đánh HS… không phải là chuyện hiếm.
|
Nam sinh bị giám thị tát liên tục ngay trên bục giảng (ảnh cắt từ clip quay tại trường THCS Nguyễn Hiền, Q.7) |
"Nhiều hôm trời mưa, quần áo ngày hôm trước chưa kịp khô, phải mặc quần khác màu quy định, bị bạn giấu mất giày lỡ mang dép lê đi học… liền bị giám thị chặn ngay cổng ghi vào sổ, quất một cây, bắt về thay. Dù em có năn nỉ sợ trễ giờ học cũng không được thông cảm. Chạy về thay xong đã trễ giờ vào lớp, lại phải viết thêm một tờ kiểm điểm. Bạn nữ nào mặc váy hơi ngắn, tóc dài chưa kịp cắt chắc chắn bị lên sổ bìa đen. Chuyện bị giám thị khẻ tay, ký vai… là chuyện thường, chỉ là chưa bị quay clip phát tán thôi", Thanh Sơn, một HS ở Q.8 cho biết.
Thực tế, giám thị được giao rất nhiều quyền, thậm chí còn nhiều ảnh hưởng hơn cả GV. Theo cô Lê Thị Chín, trong giờ học là nhiệm vụ của GV nhưng giờ ra chơi là thời điểm GV nghỉ ngơi, không thể bắt GV theo sát HS. Nên phạm vi bên ngoài lớp học hay tiết trống, giờ ra chơi… đều thuộc phạm vi coi sóc của giám thị, quản sinh.
Tương tự, một GV của trường THPT Lê Quý Đôn "bật mí" nội quy làm việc của phòng giám thị rất… đa năng. Cụ thể, giám thị kiểm tra nội quy, tác phong rồi mới cho HS vào lớp; giám sát giờ truy bài của HS, kiểm diện đầu giờ. Trong thời gian GV vắng mặt, giám thị có nhiệm vụ quản lý lớp, nắm tình hình HS vắng mặt. Trong giờ học, giám thị kiểm tra xem có HS vi phạm nội quy trốn học ra căng tin, phòng vệ sinh, giỡn trong các giờ học hay không. Giờ ra chơi, giám sát các hành lang và trong các lớp học, ngăn ngừa các HS vi phạm nội quy.
Cuối mỗi tuần, giám thị sẽ tổng kết và ghi nhận xét trong các sổ nhật ký. Giám thị có “quyền” đánh giá hạnh kiểm HS hàng tuần, hàng tháng và cuối học kỳ, lập kế hoạch giáo dục đối với HS thường xuyên vi phạm nội quy. Đối với HS bị đình chỉ trong các giờ học, giám thị cho HS làm kiểm điểm, mời phụ huynh, báo ban giám hiệu (BGH) để kết hợp giáo dục; lập hồ sơ đưa ra hội đồng kỷ luật, giám thị là một thành viên trong hội đồng này…
Với nhiều chức năng và quyền hạn, mặc nhiên giám thị trở thành cánh tay nối dài, thay mặt lãnh đạo nhà trường làm nhiệm vụ giám sát HS, mà chủ yếu là “bắt lỗi”. Đáng nói, giám thị không chỉ là “ông kẹ” với HS, mà còn có khả năng “dọa” GV và các nhân viên khác trong trường.
Ở hầu hết các trường hiện nay, giám thị còn được giao “quyền” giám sát cả GV và các lực lượng khác. Khi bắt đầu tiết học, giám thị kiểm tra trật tự các lớp và báo BGH biết GV nào vắng mặt; ghi nhận các bộ phận khác (căng tin, giữ xe) không làm đúng nội quy phản ánh ngay BGH…
Một GV vừa nghỉ hưu ở Q.11 kể: “Sau BGH, có lẽ người quyền lực nhất trong trường là giám thị. Ổng như tai mắt của hiệu trưởng, giám sát khắp nơi, chỉ cần ai sơ hở liền chạy lên báo cáo ngay. GV đi trễ hay quên phê sổ đầu bài lập tức bị méc. GV giờ không chỉ sợ BGH, mà còn phải e dè, “nể mặt” cả giám thị”.
Thiệt thòi nên buông nơi trách nhiệm?
Giám thị, quản sinh là lực lượng không thể thiếu để giữ gìn trật tự trong nhà trường. Trên thực tế, giám thị gần như là người đầu tiên trong nhà trường tiếp xúc với phụ huynh, HS. Nhìn ở góc độ này, giám thị gần như là bộ mặt của nhà trường, thể hiện cách ứng xử nơi học đường. Vì vậy, giám thị không chỉ là một người quản nhiệm làm công tác giữ trật tự đơn thuần mà còn phải là một nhà sư phạm, nắm tâm lý HS và có cách hành xử văn minh, thuyết phục.
Theo cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh), kể cả khi vị trí giám thị không trực tiếp đứng lớp thì các trường phải thuê những người có chứng chỉ sư phạm, được đào tạo bài bản chứ không thể thuê người chưa qua đào tạo. Chẳng hạn không thể đưa bảo vệ dân phố vào trường làm quản sinh, vì rất dễ dẫn đến sự cố phản sư phạm. Cần thiết là thế, nhưng việc tuyển dụng nhân sự vị trí này lại bị thả nổi.
Thông tư 35 lẫn Thông tư 06 liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định khung vị trí việc làm trong trường học không có vị trí này. Chính vì không có “danh phận” nên quyền lợi đi kèm cũng không rõ ràng. Số lượng nhân sự cũng như thu nhập của bộ phận này cao hay thấp phụ thuộc vào sự “linh hoạt” của hiệu trưởng. Nhiều người đặt nghi vấn phải chăng thiệt thòi trong quyền lợi nên một lượng giám thị lơi lỏng trách nhiệm hoặc “lộng quyền”?
Trường THCS Nguyễn Hiền, nơi xảy ra sự vụ, có đến 1.250 HS nhưng chỉ có hai quản sinh làm công tác giám thị, là nhân sự làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, lại quản lý hết 28 lớp học cả buổi sáng - chiều. Giám thị T.A. tát HS mới vào trường làm chưa đến hai tháng đã gây ra sự cố.
Một GV xin giấu tên của trường cảm thán: “Chuyện gì đến phải đến thôi. GV trong trường thì không dám làm gì HS đâu, họ ở bên ngoài vô làm vậy khiến tập thể GV bị mang tiếng lây”.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Sự việc này cũng là lời cảnh báo cho nhà trường trong tuyển dụng nhân sự. Không phải GV mới cần đạt các tiêu chuẩn mà các bộ phận khác cũng cần có tác phong, hành vi ứng xử chuẩn mực, sư phạm. Quản sinh, giám thị không phải vị trí mới xuất hiện nên ngoài việc đề nghị Bộ Nội vụ cấp mã nghề, nếu nhà trường cần và trân trọng vai trò này thì sẽ biết cách hợp thức hóa”.
Không thể phủ nhận vai trò của giám thị, quản sinh trong việc duy trì nội quy và trật tự trong trường học. Những giám thị tâm huyết là bộ phận hỗ trợ đắc lực để GV chuyên tâm vào việc giảng dạy, không phải quán xuyến việc linh tinh; là đầu mối để tìm hiểu, phân loại HS hiệu quả… Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ giám thị đã “biến tướng” quyền lực của mình, xúc phạm HS.
|
Giám thị không chỉ là một người quản nhiệm làm công tác giữ trật tự đơn thuần mà còn phải là một nhà sư phạm, nắm tâm lý HS và có cách hành xử văn minh, thuyết phục (ảnh chụp tại trường THCS Colette, Q.3) |
Để hạn chế những điều này, ngành giáo dục cần có những quy định cụ thể về quyền, nhiệm vụ của giám thị để tránh vượt quyền. Hãy cho họ một “danh phận” để quản lý, hãy nắm người có tóc.
Nghề giám thị trường học đã xuất hiện từ rất lâu và cho đến đầu năm học 1991-1992, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có quy định tạm thời về nhiệm vụ, quyền hạn của công tác giám thị trong nhà trường phổ thông. Đến 22/8/2008, UBND TP.HCM lại có văn bản 5344/UBND-VX chấp thuận đề nghị của liên sở GD-ĐT và Nội vụ về định biên ở mức sáu lớp học/một giám thị .
Nhưng, cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định chức danh giám thị trong khung biên chế trường học, vì thế chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác giám thị cũng không rõ ràng. Để chuẩn hóa đội ngũ giám thị , nên có định biên cho công tác này. “Vị trí quản sinh và giá m thị đã ra đời từ lâu, các trường nên đề nghị Bộ Nội vụ cấp mã nghề” - bà Huyền nói.
Rõ ràng, cơ quan quản lý nhà nước đã coi thường vị trí giám thị . Cần phải lấp “khoảng trống” này, với những quy định rõ ràng từ quyền lợi và trách nhiệm, căn cứ vào những đặc thù của ngành giáo dục và vị trí công việc của họ, chứ không thể tùy tiện, được chăng hay chớ, bởi trong mắt HS, giám thị cũng là ông thầy; trong nhà trường, nhất cử nhất động, những hành vi thái độ phản giáo dục từ người thầy là không thể chấp nhận được, bởi sẽ ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ và nhân cách HS, làm méo mó hình ảnh người thầy.
Gia Tuệ - Minh Nhật