Giảm tải nào phải là bớt học, bớt thi?

13/12/2016 - 07:24

PNO - Câu chuyện giảm tải cho học sinh được cả phụ huynh lẫn các giáo viên kêu, đòi. Vậy nhưng, các kiểu giảm tải dường như chỉ mang tính hình thức - chuyển giờ học tại lớp về nhà và càng khiến học sinh lẫn phụ huynh khổ sở.

Những ngày qua, rất nhiều người đã đổ xô lên mạng tìm, tải bộ sách giáo khoa môn văn và tiếng Việt từ lớp 6 đến lớp 9 của nhóm Cánh Buồm để cho con em học. Được giới thiệu là sẽ trang bị cho học sinh một phương pháp học mới, giúp học sinh “am tường tiếng mẹ đẻ”, “am tường mỹ học và có năng lực sống trong cái đẹp nghệ thuật thay cho những bài văn và những bài làm văn thô thiển, xơ cứng, khô cằn”; không ngạc nhiên vì sao bộ sách lại được quan tâm như vậy, nhất là phía sau nó gồm những tên tuổi lớn trong ngành sư phạm.

Rất tiếc, khi đọc qua bộ sách này, điều có thể cảm nhận là sách được viết cho các nhà nghiên cứu chứ không phải cho học sinh trình độ THCS. Chẳng hạn trong cuốn Văn dành cho lớp 6, nhóm Cánh Buồm luận về trách nhiệm của người nghệ sĩ theo kiểu không khác chi một tham luận trong các hội thảo khoa học với “Một là”, “Hai là” và kết luận “Người nghệ sĩ hướng đến chân, thiện, mỹ sẽ có được cảm hứng nghệ thuật và sẽ tạo ra được tác phẩm nghệ thuật có giá trị”.

Giam tai nao phai la bot hoc, bot thi?

Trong cuốn Văn 9, nhóm Cánh Buồm dành cả một năm học của học sinh chỉ để nghiên cứu hai tác phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du và Faust của Goethe, trong đó yêu cầu học sinh phải thuộc Truyện Kiều. Nghe có vẻ giảm tải, nhưng bù lại học sinh phải học vịnh Kiều, lẩy Kiều, chơi đố Kiều, thậm chí bói Kiều và thực hiện hội thảo khoa học “Truyện Kiều đi vào lòng người”...

Trong năm học lớp 9 ấy, học sinh phải viết hàng loạt tiểu luận, học các phương pháp nghiên cứu Truyện Kiều, phải biết phương pháp nghiên cứu theo cấu trúc luận... Chẳng thế mà nhóm tác giả tuyên bố năm học lớp 9 của học sinh là lúc mà các em đã có trình độ tiếng Việt phát triển cao, trình độ am tường nghệ thuật của các em đã đạt đến độ chín, trước khi các em... vào đời tự kiếm sống, đi học trường nghề hoặc lên bậc phổ thông để “đi vào con đường tập nghiên cứu”.

Sách Tiếng Việt 7, học sinh sẽ cần tìm hiểu từ Binh pháp Tôn Tử đến Thủy Hử toàn truyện... để biết gốc tích của hàng loạt thành ngữ Hán Việt được giảng dạy trong sách này. Được mời đọc bộ sách Cánh Buồm, không ít nhà giáo cho rằng đây là tài liệu khoe kiến thức của nhóm biên soạn chứ không phải tài liệu học tập dành cho học sinh, chưa kể việc văn hóa Hán xuất hiện ngồn ngộn khắp các tập sách.

Ở một góc độ khác, nhiều trường học đang yêu cầu học sinh tham gia giải toán ViOlympic trên mạng - một chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tập đoàn FPT mà để có thể chiến thắng, nhiều học sinh đã phải đăng ký tham gia các khóa học cách giải toán ViOlympic.

Giam tai nao phai la bot hoc, bot thi?

Chị Bích Phượng, có con đang học lớp 1 tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ: “Cô giáo dặn con tôi lên mạng giải toán ViOlympic, nhưng cháu chưa biết dùng máy tính thì giải toán trên mạng thế nào, nhất là khi chúng ta đang cố không để các em phải tiếp xúc với máy tính quá sớm, hại mắt. Tôi vào tìm hiểu thử thì thấy, để tham gia, các em còn phải có địa chỉ e-mail, có số điện thoại. Một đứa bé sáu tuổi làm sao có e-mail và số điện thoại? Hôm họp phụ huynh, tôi hỏi cô giáo rằng, nếu không làm có được không; cô bảo không làm cũng không sao, nhưng lại hàm ý cháu sẽ không đạt hạnh kiểm cao, không đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ”.

Chị Kim Ngân ở Q.3 (TP.HCM) thì than phiền về việc con chị được yêu cầu làm dạng bài Lê Quý Đôn trên báo Nhi Đồng. Tất nhiên, để làm dạng bài này, học sinh phải mua báo Nhi Đồng.

Chúng ta đã nói quá nhiều về chuyện giáo dục Việt Nam đang đào tạo các “tiến sĩ phổ thông”, việc học sinh bị nhồi nhét như những con ngỗng. Nhưng từ nói, từ hô khẩu hiệu đến việc trả lại cho tuổi thơ những ngày tháng hồn nhiên dường như vẫn chỉ là một ước mơ xa tầm với. Khi các môn học trong trường không giảm, những việc phải làm ở nhà tăng lên thì giảm tải nào phải là bớt học, bớt thi.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI