Trẻ lớp Một đã phải học oằn lưng

Giảm tải, khó vẫn hoàn khó

12/10/2020 - 07:01

PNO - Những ngày này, trên các nhóm phụ huynh học sinh, trên các diễn đàn phụ huynh lớp Một, người ta vẫn không ngừng kêu than chương trình quá nặng, nhiều âm vần trừu tượng, học sinh lớp Một lại tò mò nên hỏi không ngừng, ngày nào giáo viên cũng giao phiếu bài tập… Như để trấn an dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra công văn cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh, nhưng hằng ngày, phụ huynh vẫn phải đau đầu dạy con.

 

Nhiều phụ huynh không thể hiểu nổi tại sao các bé mới vô lớp Một đã phải mang cặp táp nặng trịch, học quá nhiều môn: tiếng Việt, toán, đạo đức, mỹ thuật, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm, tiếng Anh, âm nhạc, kỹ năng sống… Đã vậy, họ còn phải cho con đi học thêm vì con không thể theo kịp bài vở trên lớp. 

Bài 1: Mới sáu tuổi đã phải học... ba ca

Bài 3: Sách giáo khoa còn cẩu thả, vì sao?


Không giao bài tập nhưng buộc phải ôn 

Chị M.H. - phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) - cho biết, gần một tuần qua, giáo viên của con chị không giao bài tập về nhà cho con nhưng cô khuyên phụ huynh dành thời gian cho con ôn lại bài. Chương trình học phức tạp, sợ con không theo kịp nên tối nào, chị cũng dành thời gian hướng dẫn con ôn lại bài hôm nay và soạn bài ngày mai. 

Bài học vỡ lòng có nhiều xa lạ gây khó khăn cho trẻ và cả phụ huynh
Bài học vỡ lòng có nhiều xa lạ gây khó khăn cho trẻ và cả phụ huynh

“Hướng dẫn con soạn bài, ôn tập bài mỗi tối là việc tôi ngán ngẩm và thấy áp lực nhất trong ngày. Nào là ôn lại việc đánh vần, ghép từ, luyện viết, đọc… Nhìn con toát mồ hôi mà không biết ghép những vần dài kiểu gì, tôi thực sự nản. Mỗi sáng đi học, con hỏi “mẹ ơi, sắp chủ nhật chưa” là tôi lại thương con” - chị M.H. rơm rớm kể.

Cùng cảnh ngộ, một phụ huynh khác có con học ở Trường tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) kể: “Học sinh chưa thuộc âm, đã phải nhớ sang vần để ghép tiếng, ghép từ và đọc câu. Con tôi còn thường xuyên nhầm giữa âm và vần nên không thể đọc được cả câu, cứ vừa đọc vừa nghỉ để đánh vần. Con chưa biết mặt chữ cái, chưa nhận biết con số tự nhiên nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm bài học hoặc đọc yêu cầu của bài học”. 

Cô Lê Thị Thu Lý - Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Nộn (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) - cho hay, vừa qua, các giáo viên dạy chương trình lớp Một của trường thấy có một số khó khăn khi triển khai. Cụ thể, đa số kênh chữ nhiều, nội dung bài đọc quá dài, hình ảnh làm cho học sinh khó hình dung. Tức là từ ngữ trong sách rất trừu tượng và nghĩa không rõ ràng. “Tôi lấy ví dụ, sách tiếng Việt lớp Một đưa ra hình ảnh khoanh giò và hỏi học sinh đó là từ gì. Học sinh đã tìm ra rất nhiều từ khác nhau nhưng đa số là không trúng vào trọng tâm và đáp án là “giò” mà mình cần truyền đạt” - cô Lý nói.

Theo cô Lý, nội dung bài đọc của tiết học vần quá dài, học sinh phải đọc rất nhiều. So với chương trình cũ, phải sau cả chuỗi bài dạy, các em mới đọc được lượng từ nhiều như thế. Lượng bài tập đọc quá dài khiến nhiều học sinh chưa kịp nhớ vần, nhớ chữ đã phải đọc. 

Cô Lý so sánh: “Trước đây, bài đọc rất ngắn. Ví như, sau khi học vần, học sinh chỉ cần đọc được câu “bé có bi”. Còn bây giờ, cũng nội dung đó, học sinh phải đọc “bé có bi” và mô tả được viên bi thế nào, phải đọc liền 2-3 câu”.

Cũng theo cô Lý, theo yêu cầu, trong một bài đọc, giáo viên phải dùng rất nhiều thiết bị hỗ trợ dạy học, lúc thì dùng thẻ gài để gài chữ ghép vần, khi thì dùng bảng con, khi thì dùng vở bài tập, khi lại dùng sách giáo khoa khiến học sinh khó thích nghi và việc thay đổi liên tục thiết bị dạy học gây mất nhiều thời gian của một giờ học.

Trong khi hiện nay phương tiện hỗ trợ dạy học vẫn chưa có. Chẳng hạn, hiện có sách điện tử hỗ trợ giảng dạy nhưng không có máy chiếu nên sách điện tử đành xếp xó.

Phải học “tiền lớp Một”

Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy học sinh biết chữ trước khi vào lớp Một nhưng theo nhiều phụ huynh, với chương trình mới năm nay, không cho con đi học “tiền lớp Một” là sai lầm.

Cách dạy đánh vần như dạy cho người đã biết chữ - Ảnh Gia Tuệ
Cách dạy đánh vần như dạy cho người đã biết chữ - Ảnh Gia Tuệ

“Với chương trình mới này, nếu con đã thuộc hết mặt chữ, ghép được vần thì việc học sẽ nhàn hơn. Tôi thực sự hối hận vì không cho con tham gia lớp học ghép vần (học trước chương trình) nên bây giờ, việc học hành quá tải, cứ vừa đọc vừa nhớ để ghép vần như đánh vật” - một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) than thở.

Thực tế, với chương trình sách giáo khoa lớp Một năm nay, nhiều trường mầm non đã phải chuyển hướng, phát phiếu bài tập cho học sinh ở nhà để nhận biết mặt chữ, viết các chữ cái. Không chỉ nhà trường mà nhiều phụ huynh có con học mẫu giáo cũng chạy đôn chạy đáo tìm các giáo viên giỏi để dạy chữ cho con.

Về việc này, cô Lê Thị Thu Lý cho biết: “Nhiều học sinh mầm non không nhớ được bảng chữ cái nên việc dạy vần và ghép chữ rất vất vả”. Theo cô Lý, không nên dạy cho trẻ biết chữ trước khi vào lớp Một mà quan trọng là quản lý chất lượng bậc mầm non, tức là trước khi vào lớp Một, học sinh phải đọc thông, viết thạo các chữ trong bảng chữ cái.

Cô Lý nói thêm: “Bên cạnh đó, rất cần có sự phối hợp của phụ huynh để giúp trẻ có phương pháp tự học. Theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi không giao bài tập về nhà cho học sinh, nhưng phụ huynh phải hướng dẫn con chuẩn bị bài chứ không phải phó mặc việc học của con cho nhà trường”. 

Thái Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI