“Giảm sốc” cho trẻ khi gia đình sa sút

13/02/2024 - 06:57

PNO - Cuối năm bị nợ lương, không có thưởng tết, thậm chí mất việc do doanh nghiệp làm ăn thất bát - áp lực kinh tế cha mẹ đang gặp phải đã trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống của các thành viên trong gia đình. Trẻ em là đối tượng bị tác động mạnh nhất, khó chịu nổi cú sốc này. Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ sớm thích nghi, cùng gia đình vượt qua biến cố?

Chịu cú sốc tâm lý, trẻ dễ có phản ứng tiêu cực

Phụ huynh cần từng bước khơi gợi vấn đề để thăm dò phản ứng của con - Ảnh minh họa: Internet
Phụ huynh cần từng bước khơi gợi vấn đề để thăm dò phản ứng của con - Ảnh minh họa: Internet

Anh P.T.Đ. (45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết trong 3 tháng cuối năm, nhiều chuyện không vui dồn dập đến với gia đình mình. Vợ anh bị té xe máy, gãy tay nên tạm thời phải nghỉ làm. Con út của vợ chồng anh chưa đầy 2 tuổi cần được trông nom và chăm sóc. Trước đây, công ty anh làm ăn rất khá nhưng tới nay đã chậm lương 4 tháng, anh chỉ được tạm ứng một phần. Anh vừa nhận thông báo công ty tạm ngưng hoạt động. Như vậy, nhà anh Đ. hoàn toàn mất đi nguồn thu nhập ngay trước thềm năm mới. Để nuôi sống gia đình, anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Lo cho 4 người trong cảnh đang ở nhà thuê là điều hết sức khó khăn.

Không còn cách nào khác, anh Đ. đành xin nhà trường cho con gái lớn chuyển từ lớp Bảy chương trình tiếng Anh tích hợp sang lớp bình thường (không bán trú). Khi nghe thông báo phải chuyển lớp, bé V. vô cùng bất ngờ. Ngay hôm đầu tiên học ở lớp mới, tối về nhà, V. khóc suốt. Nhân lúc cha mẹ không để ý, V. đã xếp đồ bỏ nhà đi. May mắn, vợ chồng anh Đ. tìm thấy con ở nhà người quen. Ba tới đón nhưng cô bé nhất quyết không chịu về. V. nói không muốn chuyển lớp, nếu ba cứ ép thì cô bé sẽ bỏ học.

Cuối cùng, anh Đ. đành tạm thời thỏa hiệp vì sợ con gái làm chuyện dại dột. Anh xin cô giáo và nhà trường hỗ trợ cho chậm đóng học phí để con được tiếp tục theo học ở lớp cũ. Tuy vậy, theo anh Đ., cho con học tiếp ở lớp cũ chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, anh không thể gồng gánh nổi. Đầu anh rối như tơ vò, không biết làm sao để con gái thấu hiểu, hợp tác.

Trường hợp khác là câu chuyện của gia đình chị N.M.K. (38 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM). Vợ chồng chị vào TPHCM mở cửa hàng buôn bán nhỏ từ 7 năm trước. Mấy năm nay, việc kinh doanh của cửa hàng trì trệ, tiền thu vào không trả nổi chi phí mặt bằng. Dịch COVID-19 khiến vợ chồng chị khốn đốn, lún sâu vào nợ nần. Sau nhiều ngày trăn trở, chồng chị quyết định chờ 2 con được nghỉ tết là cả gia đình sẽ chuyển về quê nhà Nam Định bởi nếu tiếp tục trụ lại, gia đình chị không biết trông vào đâu để đóng học phí cũng như lo tiền ăn cho cả nhà. Về quê, ít ra không phải tốn tiền thuê nhà, chi phí học hành ở quê cũng rẻ. Chưa kể, trong lúc khó khăn, trở về quê còn được ông bà nội ngoại đùm bọc, đỡ đần.

Tuy nhiên, khi nghe sẽ chuyển về quê, 2 con chị K. phản ứng kịch liệt. Cả hai đều không muốn thay đổi môi trường sống, thậm chí còn trách ngược cha mẹ không lo tốt cho con cái. Đặc biệt, con trai lớn của chị K. đang học lớp Mười tuyên bố cha mẹ cứ việc về quê còn mình sẽ ở lại, nếu cha mẹ áp đặt, cậu bé sẽ bỏ đi ngay. Từ hôm biết tin chuyển nhà về quê, con trai lớn của chị K. học hành sa sút. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện phản ánh với phụ huynh rằng cậu bé không tập trung học, hay cáu bẳn, thậm chí đánh bạn. Nảy sinh tâm lý chán đời, sau giờ học, cậu bé không về nhà ngay mà lang thang đi chơi cùng bạn bè, hút thuốc lá. Thấy con tâm lý bất ổn, có nguy cơ sa ngã, học các thói hư tật xấu, chị K. vô cùng đau lòng. Chị không biết phải làm cách nào giúp con nhận thức được tình hình và chia sẻ với gia đình trong giai đoạn khó khăn.

Giúp trẻ thấu hiểu và ủng hộ cha mẹ cùng vượt qua biến cố

Khi trẻ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương sẽ mở lòng và ủng hộ cha mẹ để gia đình cùng vượt qua biến cố - Ảnh minh họa: Internet
Khi trẻ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương sẽ mở lòng và ủng hộ cha mẹ để gia đình cùng vượt qua biến cố - Ảnh minh họa: Internet

Trước các tình huống éo le kể trên, tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho rằng không có nút thắt nào không tháo được nếu thực hiện đúng cách. Khi cha mẹ gặp khó khăn kinh tế, điều kiện và hoàn cảnh sống của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Theo diễn biến tâm lý thông thường, khi đó, trẻ rất căng thẳng. Có bé lo tới mức cả đêm không ngủ được vì sợ không được gặp lại bạn bè, thầy cô đang gắn bó bấy lâu. Chuyển tới môi trường mới, trẻ dễ hoang mang, bị cô lập, khó hòa nhập. Từ đó, trẻ học hành sa sút và sợ tới trường, lâu dài dẫn tới rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm. Nếu không được cha mẹ, thầy cô chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, tâm lý trẻ sẽ bị tổn thương nặng nề khiến trẻ trở nên nhút nhát, giảm kỹ năng giao tiếp, không còn hứng thú đến trường.

Ngoài ra, cũng có trẻ phản ứng mãnh liệt, kích động, dễ nổi nóng và trở nên bạo lực. Bác sĩ Đinh Thạc từng ghi nhận trường hợp sau khi bị cha mẹ chuyển trường đã mắc hội chứng sợ đám đông và có ý định tự làm tổn hại bản thân. Theo công bố của UNICEF vào tháng 6/2023, trẻ em ít gắn bó với trường lớp là nhóm gặp các vấn đề liên quan rối loạn tâm lý tâm thần cao nhất.

Trong cuộc sống, khó tránh những biến cố khiến ta phải thay đổi môi trường học tập/làm việc, chỗ ở, điều kiện sinh hoạt… Điều này với người lớn còn khó chấp nhận, huống hồ là trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ, suy nghĩ thấu đáo. Do đó, cha mẹ cần khéo léo để con từng bước tiếp cận vấn đề, tránh thông báo đột ngột. Hãy nhân một chuyến đi chơi hay lúc cả gia đình đang sinh hoạt vui vẻ thì gợi mở vấn đề nhằm thăm dò phản ứng của trẻ. Chuyển trường, chuyển lớp là việc không tránh khỏi.

Dù vậy, điều đó là xấu hay tốt còn tùy vào góc nhìn của mỗi người. Hãy dẫn dắt câu chuyện theo chiều hướng tích cực. Chẳng hạn ở môi trường mới có nhiều điều thú vị, con sẽ có thêm bạn mới… Chuyển trường, thậm chí chuyển nơi ở không có nghĩa là cắt đứt liên lạc với thầy cô, bạn bè. Giờ đây, mạng internet phát triển, thế giới phẳng nên rất dễ dàng kết nối được với mọi người dù ở bất kỳ đâu. Trong trường hợp phải chuyển về quê, phụ huynh hãy hướng con theo suy nghĩ tích cực. Về quê là được sống trong tình cảm đùm bọc của ông bà, họ hàng. Không những thế, ở miền quê, không khí trong lành, con sẽ có rất nhiều trải nghiệm mà thành phố không thể có…

Nói chung, cha mẹ cần khơi gợi sự tò mò về môi trường mới để khiến trẻ trở nên có hứng thú, dẫn dắt sự chú ý của trẻ sang hướng tích cực hơn. Trong lúc này, trẻ cần có thời gian để thích nghi. Người lớn hãy quan tâm, lắng nghe xem trẻ đang có tâm tư gì để động viên, sát cánh bên con. Nếu được cha mẹ nói chuyện thẳng thắn, tôn trọng, trẻ sẽ bình tâm, mở lòng, thấu hiểu và ủng hộ. 

Ngay cả lúc trẻ đã đồng ý theo sự thu xếp của gia đình, cha mẹ vẫn cần theo sát con ở môi trường mới. Cụ thể, phụ huynh hãy dành thời gian đưa đón con mỗi ngày, khích lệ trẻ tham gia vào các phong trào hoạt động tập thể để sớm hòa nhập với trường lớp. Phụ huynh cũng nên chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, chuyên gia tâm lý học đường ở trường để được tư vấn và đưa ra lời khuyên hữu ích. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như rối loạn giấc ngủ, sợ đám đông, học hành sa sút, căng thẳng quá mức…, cha mẹ phải đưa con đến gặp bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI